"Siêu nhặt sạn" 92 tuổi

"Siêu độc giả" 92 tuổi thao thức nhặt sạn, sửa văn

Cụ được mang danh "Hà thành siêu độc giả" vì đã luôn tự coi việc đọc để sửa lỗi trên mỗi trang sách, tờ báo là trách nhiệm của mình.
Sau quá trình tìm hỏi, phóng viên Vietnam+ đã đến được một căn phòng rất... thu Hà Nội đúng dịp 20/10 để gặp một cụ bà được giới cầm bút quý trọng-cụ Phạm Thị Minh Mỵ.

Cụ có những sáng tác thú vị, chân tình được tập hợp trong cuốn sách dày trên 800 trang có tên "Thao thức" nhưng đặc biệt cụ còn là người thầy, người bạn thân thiết của nhiều nhà văn, nhà báo, tòa soạn cũng như các nhà xuất bản vì những cú điện thoại, bức thư giúp sửa lỗi sai trên mặt báo, trang sách.

"Siêu độc giả" tuổi 92

Cụ Minh Mỵ năm nay 92 tuổi. Cụ có thâm niên 35 năm “nhặt sạn” trên các trang sách, báo và đã đóng góp thầm lặng cho rất nhiều tòa soạn báo, nhà xuất bản mà hoàn toàn không có thu nhập nào. Cụ Minh Mỵ đã được báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) phong “danh hiệu” trong một bài viết mang nhan đề “Hà thành siêu độc giả.”

Khi được hỏi cụ đã vào việc “nhặt sạn” được bao lâu, cụ cho biết khi đang công tác ở Cục Chuyên gia thì cụ đã rất quan tâm đến những lỗi trên các sách, báo nhưng phải đến lúc nghỉ hưu cụ mới bắt đầu coi việc đọc và  phát hiện lỗi là công việc thường ngày. Cụ hóm hỉnh nói đùa là việc “bới lông tìm vết.”

Cụ Minh Mỵ kể: “Đầu tiên tôi rất ngạc nhiên vì sao lại nhiều lỗi sai thế. Sau rồi quen đi và những gì có thể đóng góp được là tôi làm ngay. Không phải lỗi chính tả mà những lỗi buồn cười hết sức. Không hiểu sao người viết sai mà cả ban biên tập và cả Tổng biên tập cũng không phát hiện ra.”

Cụ nhẹ nhàng nói: “Người viết là thanh niên chưa biết đã đành, người biên tập phải có tầm hơn mà như cũng chưa đọc qua vậy. Tôi nghĩ rằng các tòa soạn nên có người cao tuổi và uyên thâm để tư vấn cho  đúng hơn. Thiếu gì người giỏi nghỉ hưu, nên mời người ta giúp.”

Cụ bảo, tôi góp ý, họ cảm ơn cũng có mà lờ đi cũng có. Như ông nhà văn Nguyễn Trí Huân chẳng hạn, khi tôi góp ý cho lỗi trên tờ báo ông ấy phụ trách, ông rất tôn trọng. Đang bận họp, nhà văn Nguyễn Trí Huân hẹn sẽ nghe góp ý sau. Lần đầu, tôi cứ tưởng nói thế thôi, nhưng ông ấy đã gọi lại và cả sau này bao giờ cũng rất chăm chú tiếp thu.

Cụ cũng tâm sự rằng: “Nhiều khi như mua bực dọc vào người đấy. Con cháu thương tôi bảo: 'Bà cứ ôm việc không đâu.' Thế rồi, khi chúng nó phát hiện được ở đâu có sai lại bảo tôi liên lạc đóng góp, tôi hỏi sao không tự ý kiến đi, thì con cháu trả lời là 'bà có thời gian' nhưng thực ra đã coi như tôi có 'chuyên môn' đóng góp vậy."

Tôi yêu cầu cụ kể một số ví dụ sai, thì cụ giơ hai tay lên trời nói nhiều lắm không kể xuể. Và quả nhiên khi cụ nói ra các lỗi thì phóng viên đã hoàn toàn bị thuyết phục mà không kể lại hết được.

Đó là trường hợp dân gian có câu: “Vua Ngô 36 tàn vàng/ Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì.” Cụ giảng rõ: “tàn vàng” ở đây là “chế độ” cho Vua đó. Ngày xưa phẩm cấp sẽ quy định được bao nhiêu tàn, bao nhiêu ô, lọng, kiệu rước… giống như bây giờ cấp lãnh đạo cỡ nào thì sẽ được sử dụng xe công loại gì?

“Vậy mà người ta có thể viết 'Vua Ngô 36 lạng vàng' có khổ không? 36 lạng thì sao không là 40 lạng hay ngàn lạng đi,” cụ lắc đầu buồn bã. Cụ còn kể về trường hợp sai phổ biến như: “Đường hoạn lộ” là đường làm quan. Nhà văn Nguyễn Tuân từng nói rằng "có khoa mà không có hoạn." Có nghĩa là đỗ khoa cử mà không ra làm quan. Thế mà nay người ta viết làm "đường quan lộ." Đường quan lộ là đường cái quan cơ  mà, là con đường đi theo nghĩa trực tiếp. Ca dao chẳng đã có câu: “Hỡi anh đi đường cái quan/ Dừng chân nán lại em than vài lời,” cụ cười hóm hỉnh!

Lỗi ngớ ngẩn nhất chính là vận dụng văn học cổ điển “đầu Ngô mình Sở.” Cụ Minh Mỵ tâm sự rằng có một nhà văn thuộc hàng "cây đa cây đề" nhất, ít sai nhất vẫn có lúc sai lạ kỳ. Cụ đã điện thoại đến gia đình nhà văn để góp ý nhưng không được lắng nghe, hai lần vợ nhà văn đều cúp máy. Bà lại nhờ con cái xin địa chỉ để gửi thư nhưng mãi vẫn không thấy hồi âm. Cụ lắc đầu: “Buồn quá! Tôi cũng chỉ mong ông ấy sửa khi tái bản thôi.”
 
Về việc này, cụ kể cụ thể: “Thời tôi còn đôi mươi ở Hà Nội có một số cô gái tân thời thất tình đi tự tử. Có câu chuyện thực về cô Tuyết Hồng tự vẫn ở hồ Trúc Bạch. Cô Tuyết Hồng là chị nhà thơ Đinh Hùng và em vợ của nhà thơ Vũ Hoàng Chương.

Trong một tác phẩm viết về Hà Nội, nhà văn lớn đã nói lại chuyện này. Song tôi không hiểu vì sao ông viết rằng sau đó đã có tiểu thuyết 'Tuyết Hồng lệ sử' ra đời. Tác phẩm 'Tuyết Hồng lệ sử' tôi đã đọc từ năm 12 tuổi, đó là tác phẩm của Từ Trầm Á của Trung Quốc chứ.

Lẽ nào nhà văn đó nghĩ đã là 'cây đa cây đề' thì sai một chút cũng không ai biết, hoặc không ai đánh giá thấp đi, nhưng tôi nghĩ rằng nếu đã là 'cây đa cây đề' thì không nên có một lỗi như thế."

Trọng nhất là sự “học lấy”

Cụ Minh Mỵ trở thành một tấm gương sáng. Vì mỗi ngày sống là một ngày vẽ chân dung mình trong lòng người khác nên hẳn không ít phụ nữ từng trăn trở làm sao suốt cuộc sống làm mẹ, làm vợ và làm nữ công dân của mình có thể tạo thành được hình ảnh về người phụ nữ thật hiền hậu, nhẫn nhịn mà vẫn thông minh sắc sảo.

Hỏi lại cụ Minh Mỵ rằng nếu nhìn lại cuộc đời của mình cụ thấy điều gì đã thành công nhất. Cụ Minh Mỵ bảo: “Về gia đình, tôi đã hết lòng vì con cái. Bây giờ các anh chị ấy thành đạt, hiếu thảo  và không có gì đáng phàn nàn. Về đam mê thì tôi không chủ quan  mà nói rằng: "Yêu văn học thì đời sống tâm hồn phong phú, có tâm, có tình người. Biết nghĩ đến người khác, đau nỗi đau của nhân vật, nỗi đau nhân thế và nhờ đó cuộc sống có ý nghĩa hơn…”

Khi phóng viên hỏi cụ về việc viết nhiều, đọc nhiều ở độ tuổi ngoài 90, sao nét chữ không bị run, sao kiến thức không bị quên, cụ bảo: “Ngày nào cũng viết thì chữ không thể run, đọc một lúc nếu mệt thì nghỉ một lát lại đọc tiếp. Kiến thức cũng như cơ thể phải “văn ôn võ luyện” chứ đừng ỳ ra. Tôi vẫn trọng nhất là sự 'học lấy.' 'Học lấy' - tự học thì cần phải yêu thích chứ không chỉ là chịu khó đâu nhé!”

Cụ Minh Mỵ chia sẻ: “Tôi rất buồn khi có người được xem là nhà thơ mà có khi chưa đọc 'Truyện Kiều' và thực sự ngấm một câu Kiều. Ngày xưa người ta biết mười viết một, coi tích lũy làm trọng, Giờ người ta biết một muốn viết hai nên nhiều cái sai.”

Một đĩa xoài nho nhỏ được cắt khéo, một chén nước trà thơm trên bàn, cụ mời tôi: "Ăn đi, cháu nó cắt như vậy mà ăn ít cháu nó buồn." Tâm-cô bé giúp việc được ở cùng gia đình cụ đã 4 năm rồi nói với tôi: "Hiếm người như cụ lắm chị ạ!" Lúc Tâm ra bếp, cụ bảo: "Học đến lớp 3 thôi mà nhanh lắm, cái gì cũng biết làm, biết ý. Này, khối anh đại học chả bằng đâu!" Tôi hiểu cụ đang nói về kỹ năng sống và thầm nghĩ cô bé ấy thật may!

Chia tay cụ, tôi cứ bâng khuâng mãi câu thơ trong hàng trăm bài thơ của cụ in trong cuốn “Thao thức": "Chẳng mong ai, chẳng đợi chờ ai/ Mà sao thao thức suốt canh dài.” Từ “Một người Hà Nội” như cụ Minh Mỵ mà ta như hiểu thêm về người phụ nữ giỏi nuôi con, dạy cháu, tích cực  tham gia việc xã hội với một cái tâm trong sáng qua việc thao thức việc đời, dùng kiến thức sửa văn sai...

Thế hệ phụ nữ hiện đại hẳn có lúc đứng trước câu hỏi: Làm sao một phụ nữ có thể giỏi nghề, thạo việc mà vẫn là nội tướng trong gia đình? Làm sao lúc nào cũng chan hòa, chia sẻ mà không can thiệp sâu vào cuộc sống của người khác? Làm sao có được thu nhập để chung lo gia đình mà vẫn nhiệt tình với các việc không… ra tiền? Hy vọng qua nhân vật của bài viết này, phần nào lời đáp đã hé lộ./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục