Bốn tài xế xe buýt Trung Quốc đã khuấy động cuộc đình công đầu tiên ở Singapore kể từ những năm 1980 vừa bị khởi tố hôm 29/11 với các tội danh hình sự có thể khiến họ phải ngồi tù. Bốn người đàn ông, tuổi từ 32 tới 39, đã bị đưa tới tòa chỉ 1 ngày sau khi các tài xế Trung Quốc đại lục làm việc ở tập đoàn vận tải SMRT chấm dứt cuộc đình công kéo dài 2 ngày nhằm đòi lương tốt hơn. Nếu bị cho là có tội tổ chức đình công trái phép, họ có thể sẽ phải ngồi tù với 1 năm và bị phạt tối đa 2.000 SGD (1.640 USD), số tiền bằng với 2 tháng lương của một tài xế. Cáo trạng của tòa nói rằng 4 người này đã "tham gia vào âm mưu xúi bẩy người lao động của SMRT Buses Ltd tham gia cuộc đình công" kéo dài từ ngày thứ Hai tới ngày thứ Ba. Các tài xế đã bị bắt hôm thứ Tư và thứ Năm tuần này. Họ sẽ bị tạm giam trong 1 tuần kể từ thời điểm bị khởi tố. Một trong số họ là He Jun Ling, 32 tuổi, còn đối diện với một tội danh khác là tải thông báo lên một trang web tiếng Trung, kêu gọi các tài xế chiến đấu vì phẩm giá của mình, bằng cách không lên một chiếc xe sẽ chở họ từ khu nhà tập thể tới một bến xe buýt để bắt đầu làm việc. Cảnh sát chống bạo động đã được huy động bên ngoài khu nhà tập thể trong cuộc đình công. Tuy nhiên các vụ xô xát bạo lực đã không diễn ra. Tổng cộng 171 tài xế đã tham gia đình công trong ngày đầu tiên và con số giảm xuống chỉ còn 88 người trong ngày thứ hai. Những người tham gia đình công không thuộc về công đoàn nào và đã chất vấn vì sao họ lại được trả lương thấp hơn các đồng nghiệp Malaysia. SMRT, với 54% vốn thuộc về công ty đầu tư nhà nước của Singapore là Temasek Holdings, đã phải thuê các tài xế xe buýt từ Trung Quốc và Malaysia tới đây làm việc do tình trạng thiếu hụt lao động kinh niên. Khi được hỏi liệu có còn vụ bắt giữ nào sẽ xảy ra nữa không, một công tố viên Singapore nói rằng còn tùy thuộc vào cuộc điều tra của cảnh sát. 20 tài xế tham gia đình công đã bị cảnh sát triệu tập để thẩm vấn. Các tài xế, vốn không đưa ra tuyên bố đình công nào, đã trở lại làm việc hôm thứ Tư sau khi chính quyền khẳng định việc làm của họ là bất hợp pháp và đe dọa sẽ có hành động trừng trị mạnh tay. Việc các lao động ở "những khu vực dịch vụ thiết yếu" như vận tải tiến hành đình công bị xem là bất hợp pháp, trừ phi họ thông báo trước 14 ngày và tuân theo các yêu cầu khác. Trước khi các vụ bắt giữ diễn ra, đại sứ quán Trung Quốc ở Singapore đã ra thông báo trên trang web, bày tỏ hy vọng quyền lợi pháp lý của các tài xế sẽ được tôn trọng. Nhưng đại sứ quán cũng kêu gọi người lao động Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp Singapore và cần thể hiện các quan ngại của họ qua những kênh giao tiếp phù hợp. Được biết cuộc đình công gần đây nhất của Singapore là vào năm 1986, tại một xưởng đóng tàu.
Các tài xế Trung Quốc tham gia đình công tại Singapore (Nguồn: AFP)
SMRT nói rằng công ty đã trả "một mức lương mang tính cạnh tranh" và đã cung cấp nhà ở, điện nước và xe buýt đi làm cho các tài xế Trung Quốc. Công ty cũng hứa sẽ xem xét các bức xúc còn tồn đọng trong nhóm lao động này. Không giống các tài xế Trung Quốc, phần lớn lao động cổ cồn xanh Malaysia làm việc ở Singapore đi tới nơi làm việc thông qua một con đường nối liền hai nước./.
Linh Vũ (Vietnam+)