Năm 2021, khi đại dịch COVID-19 càn quét qua nhiều tỉnh thành, số ca nhiễm tăng vọt nhanh chóng, lực lượng y tế quá tải, hàng nghìn sinh viên ngành y đã viết đơn tình nguyện lên đường đến tâm dịch để kịp thời hỗ trợ người dân, giành giật mạng sống cho họ từ tay tử thần.
“Lớp lớp thế hệ cha anh đã lên đường đánh giặc để bảo vệ Tổ quốc thì thế hệ thanh niên hôm nay cũng sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù vô hình để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đó là sứ mệnh của người thầy thuốc, cũng là sứ mệnh, nhiệt huyết, tinh thần xông pha và cống hiến của tuổi trẻ,” Phạm Tất Thành, sinh viên lớp K48F, Trường Đại học Y-dược Thái Bình nói.
Sứ mệnh nghề nghiệp và tuổi trẻ
Tháng 7/2021, giữa lúc Thành phố Hồ Chí Minh đang là tâm dịch nóng nhất của cả nước, theo lời kêu gọi của Đoàn trường Đại học Y-dược Thái Bình, Thành viết đơn tình nguyện vào Nam chống dịch dù em mới chỉ là sinh viên năm thứ ba và chưa có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp. “Viết đơn xong em cũng khá run và căng thẳng, nhưng em nghĩ mình phải lên đường, đó là sứ mệnh của nghề nghiệp và tuổi trẻ. Điều khó khăn nhất là sự phản đối của bố và em phải thuyết phục mấy ngày bố mới đồng ý,” Thành nhớ lại.
Với sinh viên Nguyễn Thị Huệ, Trường Đại học Y-dược cổ truyền thì “em cảm thấy việc mình đăng ký đi vào tâm dịch không phải là tình nguyện mà là trách nhiệm. Vì thế, em không xin phép mà chỉ thông báo với bố mẹ. Bố mẹ em đã khóc như mưa nhưng không cấm cản…”
Trước khi tham gia chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 5/2021, Huệ đã là một trong 34 sinh viên của Đại học Y-dược cổ truyền tình nguyện đến hỗ trợ tâm dịch Bắc Giang. Hình ảnh cô nữ sinh trong đồ bảo hộ kín mít với dòng chữ “FB: Huệ Nguyễn, chưa có người yêu” viết trên cánh tay đã “đốn tim” cộng đồng mạng. Theo Huệ, do mặc đồ bảo hộ kín mít nên mọi người phải viết tên lên áo để nhận diện. Những câu chữ vui vui, ngộ nghĩnh cũng giúp em và các bạn vơi đi những áp lực trong công việc khi liên tục phải đi lấy mẫu xét nghiệm trong những ngày nắng nóng lên đến 40 độ C ở Bắc Giang.
Nhưng những khó khăn ở Bắc Giang chỉ là rất nhỏ so với khi vào tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày nhận tin con gái lại khoác balo đi chống dịch, Huệ bảo, mẹ em đã khóc rất nhiều vì thương và lo lắng cho cô con gái nhỏ vốn được cưng chiều, chỉ biết có học hành, không phải làm việc gì nặng nhọc.
[Phát động thi đua đặc biệt tuổi trẻ Việt Nam chung sức chống dịch]
“Nhưng khi đặt chân đến Thành phố Hồ Chí Minh, thấy được sự khó khăn của người bệnh, sự vất vả vì quá tải của đội ngũ cán bộ y tế, em càng thấy được ý nghĩa to lớn của việc mình đang làm, thấy quyết định của mình là đúng đắn. Người dân thực sự đang rất cần mình,” Huệ nói.
Giành giật với tử thần
Nếu ở Bắc Giang, Huệ và các bạn chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ đi lấy mẫu thì ở Thành phố Hồ Chí Minh, em phải làm việc độc lập hơn, đảm nhiệm mọi vị trí công việc, từ liên hệ lấy mẫu cộng đồng, tư vấn tổng đài cho F0, tham gia cấp cứu và cả việc đi nhận tro cốt của người bệnh xấu số về giao lại cho người thân. Không phải là chuyến đi ngắn hơn 10 ngày như ở Bắc Giang, Huệ và các bạn đã cùng Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch trong suốt gần ba tháng. Không chỉ có vai trò là sinh viên hỗ trợ mà em phải làm việc như một cán bộ y tế thực sự với cường độ lớn, từ sáng đến đêm, những giấc ngủ vội chập chờn giữa những ca cấp cứu.
Được tăng cường cho Trạm y tế Phường Tân Hưng Thuận, Quận 12, Huệ và các cán bộ y tế ở trạm phải ngủ lại ngay tầng 1 thay vì ở khách sạn để có thể hỗ trợ điều trị kịp thời cho các F0 bất kể ngày đêm. Chỉ hơn 10 người nhưng phải chăm sóc cho khoảng 700 F0 trên địa bàn.
“Có đêm chúng em nhận được cuộc gọi cấp cứu lúc ba giờ sáng. Mọi người lập tức bật dậy, mặc đồ bảo hộ và lên đường ngay. Nhưng khi gần đến nơi thì người nhà bệnh nhân báo không cần đến nữa, vì người bệnh đã ra đi… Cảm xúc lúc đó rất khó diễn tả, đau buồn vô cùng, thấy mình thật sự bất lực và sự sống quá mong manh…” Huệ xúc động kể.
Ba tháng ở Tân Hưng Thuận, các F0 được Huệ và các cán bộ y tế của Trạm chăm sóc từ khi bắt đầu phát hiện dương tính, tư vấn điều trị cho họ, trực tiếp cấp cứu, đưa họ đến khu điều trị trong trường hợp bệnh nhân nặng. Gắn bó cả quá trình điều trị với người bệnh nên Huệ bảo, mỗi sự ra đi đều là một nỗi ám ảnh rất lớn với em. “Câu hỏi em nhận được nhiều nhất khi tư vấn là: Bác đi mấy hôm? Em luôn phải động viên bệnh nhân chỉ điều trị vài hôm sẽ về. Nhưng khi gác máy, một cảm giác buồn đau, trống rỗng, khó chịu xâm chiếm vì em biết, nhiều người trong số họ sẽ không thể trở về,” Huệ buồn bã kể.
Trong khi đó, Phạm Tất Thành, sinh viên lớp K48F, Trường Đại học Y-dược Thái Bình lại được điều động hỗ trợ cho khu cách ly F0 tập trung tạm thời của quận Tân Phú. Công việc của em mỗi ngày là phát cơm, lấy mẫu, thăm khám, điều trị và phân loại bệnh nhân để đưa đến các điểm điều trị phù hợp, ban đêm trực cấp cứu. Khu cách ly là một trung tâm thiếu nhi, bệnh nhân ở các tầng trên, cán bộ y tế như Thành ngủ ở sàn tầng một, là không gian thoáng nên mỗi lần mưa lại hắt ướt cả chỗ nằm.
Cường độ làm việc cao, điều kiện ăn ở thiếu thốn, thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, nhưng mọi cán bộ y tế đều nỗ lực làm việc hết mình vì người bệnh. Thường xuyên tiếp xúc với F0, Thành bị phơi nhiễm và dương tính. Phải chuyển lên tầng trên cách ly cùng các F0, Thành lại là cán bộ y tế túc trực 24/24 với các bệnh nhân, thăm khám và kịp thời sơ cấp cứu cho những trường hợp trở nặng.
Sống giữa tâm dịch, khi số ca nhiễm tăng cao và trường hợp bệnh nhân tử vong là khó tránh khỏi. Lần đầu tiên Thành phải chứng kiến bệnh nhân qua đời ngay trước mắt mà không thể giành giật lại mạng sống cho họ, dù cả ê kíp đã nỗ lực hết sức, người bóp bóng, người ấn tim… “Cảm giác vừa bất lực, vừa dằn vặt. Em cảm nhận rõ sự khốc liệt của dịch bệnh, khi chỉ vừa mới vài phút đây thôi đã mất đi một mạng người, lằn ranh sự sống và cái chết trong tích tắc…” Thành chùng giọng nói.
Không chỉ làm công tác của cán bộ y tế, đi lấy mẫu cộng đồng, trực tổng đài, cấp cứu F0 tại nhà, Nguyễn Ngọc Hà, sinh viên lớp K46C, Đại học Y-dược Thái Bình còn đi xin và phát cơm từ thiện cho người nghèo.
“Khoảng thời gian gần ba tháng tham gia chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh không quá dài, nhưng cũng không quá ngắn, đủ để những sinh viên ngành y như em có những trải nghiệm không thể quên trong cuộc đời. Chúng em hiểu và trân quý hơn nghề nghiệp, trân quý hơn mỗi phút giây cuộc sống và hiểu rằng sống là cống hiến, sống là cho đi…” Hà xúc động nói./.