Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về quản lý sở hữu trí tuệ khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/11, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho biết một trong những hoạt động góp phần tạo dựng, đăng ký, khai thác, quản lý, phát triển và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là hoạt động quản lý nhà nước.
Để thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học công nghệ trong giai đoạn 2011-2015, trong đó sở hữu trí tuệ có sự phát triển mới mang tính đột phá, Bộ trưởng Nguyễn Quân đề nghị các đại biểu cần tập trung thảo luận, bàn bạc và đi đến thống nhất cách đánh giá kết quả, giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn cũng như định rõ hướng phát triển của sở hữu trí tuệ trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đánh giá, thời gian qua quản lý sở hữu trí tuệ đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên trong thời gian tới, quyền sở hữu trí tuệ của đối tượng doanh nghiệp, tổ chức cần được đề cao để việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ phát triển rộng khắp cả nước.
Thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2011, Cục đã tiếp nhận 34.736 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; chấp nhận 20.356 đối tượng sở hữu công nghiệp.
Theo đánh giá của Cục, mặc dù lượng đơn nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp giảm so với mọi năm do tình hình kinh tế khó khăn, nhưng số đơn sáng chế trong nước và quốc tế vẫn giữ tốc độ tăng ổn định, điều này cho thấy nhận thức về bảo hộ các thành quả sáng tạo công nghệ trong xã hội tiếp tục được nâng cao và tạo dựng được lòng tin từ doanh nghiệp nước ngoài trong hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.
Để hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở các địa phương được thực hiện thường xuyên và hiệu quả, Cục Sở hữu Trí tuệ cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý cấp trung ương, các địa phương cần chủ động đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý sở hữu trí tuệ trên địa bàn.
Các địa phương cần khuyến khích, thúc đẩy phong trào sáng tạo, xây dựng cơ chế hỗ trợ kịp thời các giải pháp có giá trị kinh tế cao, phối hợp với các cơ quan trung ương và các địa phương nhằm tìm kiếm khả năng thương mại hóa các giải pháp này.
Đặc biệt, các địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan thực thi trong địa bàn để triển khai thường xuyên và nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ./.