Số liệu kinh tế mới tạo thêm áp lực cho chính sách tiền tệ của BoJ

Những số liệu mới công bố ngày 28/3 không mấy tươi sáng của nền kinh tế Nhật Bản có thể khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản phải kéo dài thời gian cho tới lần tăng lãi suất tiếp theo.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một loạt số liệu kinh tế không như kỳ vọng được công bố ngày 29/3 đã tăng thêm sức ép và sự bất ổn về thời điểm Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể tăng lãi suất trở lại sau quyết định lịch sử hồi giữa tháng này.

Theo số liệu chính thức từ Chính phủ Nhật Bản, sản lượng công nghiệp tháng Hai vừa qua đã giảm 0,1% so với tháng trước đó, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp sau khi đã lùi 6,7% trong tháng trước đó.

Theo một quan chức, đà suy giảm trên chủ yếu vì hoạt động sản xuất ôtô tiếp tục trượt dốc - các công ty thuộc Tập đoàn Toyota Motor Corp. đang đình chỉ hoạt động sau các bê bối về kiểm tra độ an toàn. Ngoài ra, ảnh hưởng của trận động đất mạnh tại miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới cũng khiến hoạt động chế tạo của nước này khó khăn hơn.

Dựa trên cuộc thăm dò ý kiến của các nhà sản xuất, sản lượng ngành chế tạo Nhật Bản sẽ tăng lần lượt 4,9% và 3,3% trong tháng Ba và tháng Tư năm nay. Triển vọng tích cực này có thể phản ánh sự phục hồi trong hoạt động sản xuất sau khi Toyota Motor khởi động lại hoàn toàn các hoạt động trong nước.

Một báo cáo khác của của Chính phủ Nhật Bản công bố cùng ngày cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ mức 2,4% hồi tháng Một lên 2,6% trong tháng Hai năm nay. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ này tăng trong 7 tháng qua. Vào cùng giai đoạn, tỷ lệ việc làm sẵn có đã giảm 0,01 điểm so với mức của tháng Một xuống 1,26 - nghĩa là cứ 100 người tìm việc thì có 126 việc làm.

Một quan chức cho biết việc số lượng người tìm việc tăng lên có thể do nhiều người cao tuổi cố gắng kiếm thêm thu nhập ngoài lương hưu để đối phó với chi phí sinh hoạt cao.

Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) tháng Ba này ở khu vực Tokyo, một chỉ dấu cho số liệu lạm phát toàn quốc, đã tăng 2,4% so với cùng kỳ một năm trước đó. Mức tăng này phù hợp với dự báo thị trường và chậm lại một chút so với mức tăng 2,5% ghi nhận hồi tháng Hai vừa qua.

Khi loại trừ chi phí nhiên liệu và thực phẩm tươi sống dễ biến động, lạm phát lõi của khu vực Tokyo giảm từ 3,1% trong tháng Hai xuống 2,9% trong tháng Ba này.

Theo giới quan sát, mặc dù lạm phát cơ bản vẫn cao hơn mục tiêu 2% của BoJ, sự suy giảm này cho thấy áp lực giá cả ở Nhật Bản vẫn chủ yếu đến từ chi phí nguyên liệu thô hơn là nhu cầu nội địa mạnh mẽ.

Những số liệu không mấy tươi sáng của nền kinh tế có thể khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản phải kéo dài thời gian cho tới lần tăng lãi suất tiếp theo. Chính những nhận định đó đã đẩy đồng yen xuống mức thấp nhất 34 năm so với đồng USD trong tuần này, gây áp lực buộc Chính phủ Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường để chống đỡ cho đồng nội tệ.

Trong khi đồng yen yếu giúp tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản, nó lại gây tổn hại cho các hộ gia đình và nhà bán lẻ do đẩy chi phí nhập khẩu nguyên liệu và nhiên liệu tăng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục