Đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong giai đoạn 2015-2020, mặc dù rất nhiều hộ nghèo trên khắp đất nước đã được hỗ trợ về nhà ở để ổn định cuộc sống, tuy nhiên, số lượng hộ nghèo khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ hiện nay vẫn còn rất lớn.
Để điều kiện cho các hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định hơn trong cuộc sống, trong giai đoạn 2015-2020, các hộ gia đình nghèo có khó khăn về nhà ở đã được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi (vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 15 năm), với kết quả đạt trên 117 nghìn hộ.
Việc số hộ nghèo khó khăn về nhà ở còn lớn, theo đại diện Bộ Xây dựng, có nguyên nhân từ việc giá cả vật liệu xây dựng tăng cao hơn so với trước đây cộng với chi phí vận chuyển đến nơi ở đã khiến giá thành tăng cao, dẫn đến chi phí làm nhà lớn, vượt quá khả năng chi trả.
[Chủ tịch nước yêu cầu Hà Giang tiếp tục chăm lo nhà ở cho người nghèo]
Để tháo gỡ khó khăn nêu trên, trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tiếp tục tham gia phối hợp cùng với Ủy ban Dân tộc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội; trong đó, có nội dung về hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mới để triển khai thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo trên các huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Gần đây, ngày 9/9/2021, Bộ Xây dựng tiếp tục có văn bản số 3665/BXD-QLN về việc tổng kết chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, để giải quyết thực tiễn nêu trên, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 theo hướng: có sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương; tăng mức vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở; đề nghị các địa phương hỗ trợ thêm từ các nguồn xã hội hóa và lồng ghép việc hỗ trợ với nguồn vốn từ Quỹ “Vì người nghèo.”
Hiện Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6425/VPCP-CN ngày 14/9/2021 gửi một số Bộ, ngành lấy ý kiến góp ý đối với nội dung kiến nghị của Bộ Xây dựng liên quan đến cơ chế chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn trình Thủ tướng xem xét, quyết định thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Về giải pháp trước mắt, phía Bộ Xây dựng cho biết trong năm tới (2022) sẽ tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là các hộ gia đình nghèo, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân khu công nghiệp và các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở trong giai đoạn thích ứng với dịch COVID-19./.