Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, số nợ này đã tăng 455,8 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 6/2012, chiếm 7,2% so với tổng số phải thu, tăng trên 2.830,2 tỷ đồng so với cùng kỳ 2011.
Trong số này, nợ bảo hiểm xã hội là 6.252,5 tỷ đồng, tăng 395,6 tỷ đồng so với tháng 6/2012. Nợ bảo hiểm y tế là 1.666,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách các địa phương nợ 985 tỷ đồng, chiếm 59% tổng số nợ bảo hiểm y tế, tăng 60,3 tỷ đồng so với tháng 6/2012.
Bảo hiểm xã hội 36 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ so với số phải thu cao hơn tỷ lệ nợ chung toàn ngành (7,2%), trong đó có 10 địa phương có tỷ lệ nợ cao trên 9%, gồm Đắk Nông, Bình Thuận, Yên Bái, Bến Tre, Quảng Bình, Quảng Trị, Hòa Bình, Hà Giang, Quảng Ngãi và Lai Châu.
27 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ so với số phải thu thấp hơn tỷ lệ nợ chung toàn ngành, trong đó 10 địa phương có tỷ lệ nợ thấp từ 5% trở xuống, gồm Điện Biên, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Gia Lai, Hải Dương, Đắc Lắc, Quảng Ninh.
Đến nay, đã có 48/63 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố tiến hành khởi kiện 408 đơn vị, thu được 55,35 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đánh giá của cơ quan bảo hiểm cho thấy tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ ngân sách địa phương chiếm tỷ lệ cao một mặt do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, mặt khác do chế tài xử phạt vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội chưa đủ sức răn đe.
Để hạn chế tình trạng nợ đọng và trục lợi quỹ bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thu nợ đọng, kiểm tra chặt chẽ việc giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong sai phạm khi giải quyết chế độ./.
7.918,7 tỷ đồng là số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp đang nợ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Kim Thanh (TTXVN)