Sợi dây gắn kết những 'nữ nghệ nhân đặc biệt' trở lại với cộng đồng

Hàng trăm hộp quà ý nghĩa đã được chuẩn bị từ chính đôi bàn tay của những người phụ nữ vừa thoát khỏi bạo lực gia đình và bắt đầu cuộc sống mới tại HopeBox tới nhiều hành khách của Vietnam Airlines.
Chị Đặng Thị Hương, thành viên sáng lập HopeBox đang hướng dẫn cách làm bánh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Chị Đặng Thị Hương, thành viên sáng lập HopeBox đang hướng dẫn cách làm bánh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Những người phụ nữ bị bạo hành đã tìm được lối đi cho riêng mình thông qua HopeBox - một doanh nghiệp xã hội đã tạo công ăn, việc làm và chữa lành những vết thương để họ có thể trở về với cộng đồng một cách mạnh mẽ.

Nhân dịp 8/3, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với chị Đặng Thị Hương, thành viên sáng lập HopeBox.

Nơi chữa lành vết thương lòng

- HopeBox là doanh nghiệp xã hội với chuyên giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành, vậy lý do gì để chị và đồng sự có ý tưởng thành lập?

Chị Đặng Thị Hương: Tôi đã chứng kiến một người quen bị bạo lực gia đình suốt 7 năm, dù nhận được sự hỗ trợ về tinh thần và tài chính nhưng bạn ấy vẫn không có động lực rời khỏi người chồng bạo lực. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ mình cần làm cái gì đó thiết thực hơn việc cho tiền, đó là tạo công ăn việc làm để họ chủ động tài chính, xây dựng nội lực, chữa lành và từ đó thoát khỏi bạo lực gia đình.

Lý do thứ 2 là vào năm 2017 khi tôi trở về Việt Nam, tham gia vào chương trình lãnh đạo trẻ Việt-Australia (AVYLD) và được mọi người hỗ trợ xây dựng ý tưởng kinh doanh, sau đó được các anh chị và các bạn trong cộng đồng truyền cảm hứng rất nhiều nên tôi đã "liều."

- Là người phụ nữ, đã có thời điểm nào chị rơi vào trường hợp bị bạo hành chưa? Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm bản thân vượt qua tình cảnh này ra sao?

Chị Đặng Thị Hương: Tôi sinh ra trong một gia đình được mẹ thương tuyệt đối và tôi thấy đó là một phước hạnh. Tôi nhớ có lần đi làm thuê cho một quán ăn, chỉ xích mích câu nói gì đó mà một chú đầu bếp đã tát tôi một cái.

Dù đó không phải là một vụ việc lớn và khi ấy tôi mới chỉ 15 tuổi, nhưng nó cũng khiến tôi nhận thức được rằng tôi cần phải nhờ người lớn giải quyết giúp. Tôi gọi cho cậu ruột và mẹ xuống đón tôi về và ngồi nói chuyện với chú ấy và chủ quán. Cậu tôi là một nhà giáo và cậu yêu cầu người kia phải xin lỗi tôi trước tất cả mọi người.

Thật may, chuyện đó cũng được giải quyết êm đẹp, tuy nhiên không phải ai cũng có thể bình yên sau những vụ việc như vậy và vì thế tôi nghĩ công việc của mình còn phải tiếp tục nhiều.

- Vấn nạn bạo lực, bạo hành là việc không hiếm bởi còn tồn tại định kiến về giới. Nhiều phụ nữ lại không dám phản kháng và lên tiếng nói ra sự thật hay tìm cách thoát ra khỏi tình cảnh này. Cá nhân chị thấy sao về việc này nhất là trong xã hội nước ta vấn đề quyền bình đẳng giới đã được đề cao hơn?

Chị Đặng Thị Hương: Khi nói tới bạo lực giới, chúng ta vẫn nghĩ việc này tới từ một phía. Tôi nghĩ rằng việc gì cũng sẽ bắt đầu từ hai phía và trong vấn đề này thường thì cả hai đều là nạn nhân. Nam giới cũng có những áp lực của họ còn phụ nữ thì thường bị gắn với những quan niệm như phải công dung ngôn hạnh, giỏi việc nước đảm việc nhà. Chính những áp lực về định kiến giới đã là nguyên nhân cho bạo lực xảy ra.

[Định nghĩa về một người phụ nữ hạnh phúc trong cuộc sống hiện đại]

Trước đây, tôi cũng dễ dàng buông lời nói kiểu "khổ như này rồi mà sao không bỏ đi, không sợ hay sao mà không bỏ đi." Tuy nhiên, càng làm trong lĩnh vực này tôi mới thấy mình không thể phán xét bất kỳ điều gì vì mỗi hoàn cảnh lại có những sự ràng buộc khác nhau, nhiều khi là vật chất, con cái, tâm lý, rất nhiều thứ cần phải cân nhắc trước khi quyết định rời khỏi môi trường bạo lực.

Thực ra, ở Việt Nam có khung pháp lý khá tốt về việc luật bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, tuy nhiên chúng ta cần đẩy mạnh việc triển khai các luật này và nâng cao nhận thức của người tham gia thực thi luật. Cá nhân tôi nghĩ rằng để giảm thiểu được vấn đề này cần phải nâng cao nhận thức cho nhiều nhóm người trong xã hội. Chỉ khi những định kiến về giới được bỏ đi thì nhận thức về bình đẳng giới mới nâng cao hơn và việc này cần có nhiều chương trình giáo dục cho cả phụ nữ và nam giới.

Nơi trao quyền cho phụ nữ bị bạo lực

- Để có thể hàn gắn vết thương về tâm lý, tinh thần cho các phụ nữ đang làm việc tại HopeBox, chị đã có những cách truyền đạt hay chia sẻ gì để những người phụ nữ bị bạo hành này vượt qua được và vững vàng với cuộc sống?

Chị Đặng Thị Hương: HopeBox hiện tại có 5 nhân viên nữ, công việc chính của họ là làm bánh cookies, các sản phẩm bánh, khô gà và vải bọc thực phẩm sáp ong. Ngoài công việc để giúp họ kết nối lại với môi trường làm việc và tăng thu nhập, chúng tôi làm một số các buổi chia sẻ về thiền, yoga chữa lành sâu, tập kickboxing để tăng cường thể lực và tự vệ.

Sợi dây gắn kết những 'nữ nghệ nhân đặc biệt' trở lại với cộng đồng ảnh 1Những chiếc bánh cookies được những phụ nữ bị bạo hành tại HopeBox làm để đưa lên chuyến bay Vietnam Airlines tặng hành khách nhân ngày 8/3. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, HopeBox thường làm việc với các tổ chức khác để giới thiệu chị em phụ nữ khi họ gặp phải bạo lực gia đình, họ có thể tới CSAGA, Ngôi Nhà Bình Yên, Hagar International để có thể nhận được tư vấn kịp thời và có chỗ ở tạm thời.

- Ước mơ của chị với thương hiệu HopeBox sẽ như thế nào?

Chị Đặng Thị Hương: Tầm nhìn của HopeBox là nơi có thể trao quyền cho phụ nữ bị bạo lực giới, giúp họ thay đổi cuộc đời, trở thành đơn vị kinh doanh chuyên nghiệp và độc lập về tài chính, có khả năng tổ chức các chương trình đào tạo nghề bài bản cho phụ nữ, có cơ sở hoạt động ở nhiều địa phương để giúp đỡ nhiều phụ nữ hơn và có thể xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

[Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ: Bảo vệ phụ nữ vì cuộc sống bình an]

Những điều này thực ra là hơi lớn so với HopeBox hiện tại, nhưng chúng tôi sẽ làm thật tốt từ những bước đi nhỏ.

Hiện tại, HopeBox đã mở được công ty ở Australia để hỗ trợ gây quỹ và thực hiện mục tiêu xuất khẩu sản phẩm trong tương lai.

- Ý tưởng hợp tác với Vietnam Airlines để đưa những món quà đặc biệt là những chiếc bánh do những phụ nữ bị bạo hành đang làm việc tại HopeBox lên chuyến bay xuất phát từ đâu?

Chị Đặng Thị Hương: Ý tưởng này thực ra được gieo hạt từ năm 2019, tuy nhiên khi ấy HopeBox mới chỉ là một dự án chưa có giấy tờ pháp lý và Vietnam Airlines đã kiên nhẫn chờ đợi, dõi theo từng bước phát triển của HopeBox để có được sự hợp tác đặc biệt như hôm nay.

Để chuẩn bị những món quà đặc biệt cho dịp 8/3 này, Vietnam Airlines và HopeBox đã gấp rút làm việc trong vòng một tháng từ khâu lên ý tưởng, thiết kế, chuẩn bị các thủ tục hành chính, sản xuất và hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn đáp ứng chất lượng dịch vụ 4 sao của Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines chọn HopeBox cũng vì trân trọng những giá trị của chúng tôi và sự hợp tác đã diễn ra suôn sẻ vì cả hai bên có quan điểm và tầm nhìn giống nhau. Tôi cũng xúc động vì cách mà hãng bay này bày tỏ mong muốn hợp tác, đó là trên tinh thần tạo ra nhiều giá trị tích cực hơn cho cộng đồng thay vì chỉ đơn thuần là một đơn hàng hay những hộp quà tặng.

Ẩn sâu trong mỗi hộp bánh nhỏ xinh là tình cảm và hy vọng mà cả Vietnam Airlines lẫn HopeBox muốn gửi tặng tới mỗi vị khách trên chuyến bay ngày 8/3, với thông điệp “Mỗi người phụ nữ xứng đáng được nâng niu, tôn trọng, tự do, bình đẳng, được trao cơ hội và công nhận.” Dù là phụ nữ hay nam giới, bất kỳ ai cũng đều mong muốn được sống hạnh phúc và được yêu thương.

- Xin cảm ơn chị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục