Sớm đề xuất giải pháp, cơ chế phát triển hệ thống cảng biển

Theo ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, các cảng biển Việt Nam cần nhanh chóng “số hóa” và xây dựng cảng Xanh để đáp ứng yêu cầu hiện tại cũng như tương lai.
Sớm đề xuất giải pháp, cơ chế phát triển hệ thống cảng biển ảnh 1Hàng hóa qua cảng Đồng Nai, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngày 21/9, tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), cảng Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) đã đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên năm 2023 Hiệp hội Cảng biển Việt Nam với sự tham dự của đông đảo đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, 2 địa phương cùng 82 cảng biển trong cả nước.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười đề nghị Hiệp hội Cảng biển Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cảng biển, nghiên cứu, sớm đề xuất những giải pháp, cơ chế để Chính phủ và bộ, ngành liên quan ban hành kịp thời chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy hệ thống cảng biển Việt Nam phát triển Xanh và bền vững.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Trần Khánh Hoàng cho biết, cảng container là những mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Phát triển hạ tầng cảng biển chất lượng cao, khai thác hệ thống cảng biển hiệu quả được xem là điều kiện tiên quyết để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế thành công, đặc biệt là đối với các quốc gia mạnh về xuất khẩu.

[Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển Hệ thống Cảng biển]

Theo ông Trần Khánh Hoàng, các cảng biển Việt Nam cần nhanh chóng “Số hóa” và xây dựng cảng Xanh để đáp ứng yêu cầu hiện tại cũng như tương lai.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước có thể cung cấp giải pháp số về quản lý và điều hành, thanh toán trực tuyến, xây dựng các hệ sinh thái logistics. Số hóa cảng biển tại Việt Nam đã được đẩy mạnh trong thời gian qua với những thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn nhiều thử thách phía trước.

Đối với hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển (VASSCM) là hệ thống được triển khai tại cảng biển, đảm bảo sự gắn kết giữa các khâu nghiệp vụ trong việc giám sát vận chuyển hàng hóa, bao gồm thực hiện thủ tục hải quan điện tử, kết nối, trao đổi thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu với các bên liên quan. Tuy nhiên, hiện xảy ra tình trạng chênh lệch lớn số liệu getout được truyền bằng VASSCM về Tổng cục Hải quan và số liệu thực tế tại các cảng biển.

Sớm đề xuất giải pháp, cơ chế phát triển hệ thống cảng biển ảnh 2Kho bãi container tại cảng Gemalink, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai Nguyễn Văn Ban kiến nghị, cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng biển, bao gồm nâng cấp, mở rộng cảng hiện hữu và cân nhắc kỹ lưỡng khi cấp phép, đầu tư xây dựng cảng mới nhằm tránh rủi ro về dư thừa hạ tầng, cạnh tranh không cần thiết, phân tán nguồn lực dẫn đến tiềm năng không được tận dụng, tăng chi phí và rủi ro tài chính.

Cùng đó, cần thực hiện biện pháp nhằm đơn giản hóa quy trình hải quan và thủ tục xếp dỡ hàng hóa hơn nữa tại cảng biển nhằm tăng tính linh hoạt và giảm thời gian giao hàng; tăng hiệu suất và cạnh tranh của cảng biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Cao Hồng Phong, thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đề xuất bổ sung vào Hợp đồng bốc xếp giữa cảng và hãng tàu điều khoản bắt buộc yêu cầu hãng tàu cần có tiền đặt cọc trên mỗi đầu container hoặc có bảo lãnh ngân hàng để đảm bảo trách nhiệm của các hãng tàu cũng như giúp cảng biển có thể xử lý khi hãng tàu vận chuyển hàng các loại hàng không phù hợp vào Việt Nam.

"Thậm chí, cảng biển có quyền từ chối nhận hàng nếu chủ tàu, chủ hàng không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, hạn ngạch nhập khẩu cũng như các cơ quan chức năng không cho phép các hãng tàu vận chuyển hàng hóa vào Việt Nam nếu không tái xuất container phế thải vô chủ ra khỏi Việt Nam...," ông Phong nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Lê Công Minh phân tích, thương mại hàng hải nói riêng phát triển chậm do những yếu tố thay đổi về nguồn hàng, giá cả, đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài quy mô toàn cầu. Hàng hóa, container thông qua cảng biển trong năm 2022 tăng khoảng 6-8% so với 2021, chậm hơn so với mức tăng trưởng trước đây.

Tính riêng 2 quý đầu của năm 2023, tổng lượng hàng container thông qua cảng biển giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Triển vọng phát triển cho cả năm 2023 không như dự kiến ban đầu. Sản lượng container năm 2023 có thể còn giảm nhưng không giảm quá 8% so với năm 2022 do tăng trưởng trong các tháng cuối năm đang tốt hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục