Được đánh giá là giải pháp quan trọng nhằm nhanh chóng ổn định cung cầu, giảm áp lực mua sắm hàng hóa tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, việc mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối được yêu cầu đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch COVID-19.
Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5854/BCT-TTTN ngày 23/9 gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn mở cửa trở lại đối với chợ truyền thống, chợ đầu mối.
Đây được đánh giá là động thái quan trọng vì thực tế thời gian qua, nhờ mở lại một số chợ truyền thống, chợ đầu mối nên tình hình cung ứng hàng hóa cho người dân tại các tỉnh phía Nam đã được duy trì ổn định.
Chẳng hạn như tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hiện không có siêu thị đóng cửa, 2.820 cửa hàng tiện lợi và 14 chợ truyền thống đang hoạt động.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh đang duy trì hoạt động của các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối là Bình Điền; Thủ Đức; Hóc Môn, lượng hàng về qua 3 điểm trung chuyển trong đêm 22/9 ước đạt 337,5 tấn/đêm, không chỉ góp phần cung ứng hàng hóa cho Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cung ứng cho các tỉnh, thành khác.
Thống kê cho thấy tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường thành phố trong ngày 22/9 và sáng 23/9 tăng 1,4% so với hôm trước, ước đạt 5.214,7 tấn/ngày.
Hơn nữa, lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 22/9 ước đạt 1.275 tấn/ngày (sức mua tăng 4% so với ngày 21/9).
[Đà Nẵng dự kiến mở lại Chợ đầu mối Hòa Cường vào cuối tháng 9]
Đáng lưu ý, các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường bình quân đạt khoảng 5.171 tấn/ngày; trong đó, 30% cung ứng cho hệ thống phân phối, 70% cung ứng cho thị trường lẻ.
Cũng theo Bộ Công Thương, tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong ngày 23/9 tăng 5% so với ngày 22/9, ước đạt 790 tấn/đêm; trong đó, 60% cung ứng cho hệ thống phân phối và 40% cung ứng ra thị trường lẻ.
Ngoài ra, tại tỉnh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có 30/97 chợ truyền thống, 11/11 siêu thị và 220/221 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động; trong đó, các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn các phường “khóa chặt, đông cứng” tại thành phố Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên hoạt động theo hình thức bán hàng trực tuyến, không bán hàng tại chỗ.
Hiện tại, thành phố Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên (vùng đỏ) đang triển khai cung cấp lương thực, thực phẩm bằng hình thức mua hàng online và hình thức “đi chợ thay” do hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn cung cung ứng.
Tuy nhiên, các huyện, thị xã, thành phố vẫn duy trì tổ chức các điểm bán hàng bình ổn thị trường cố định, lưu động và chợ ngoài trời phục vụ người dân trong thời gian triển khai phương án phục hồi hoạt động của các chợ truyền thống.
Thực hiện theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 2066/KH-SCT ngày 14/9/2021 của Sở Công Thương, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã thành phố đang triển khai rà soát, đánh giá chấm điểm theo Bảng tiêu chí đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 qua đó, tạo điều kiện cho các chợ truyền thống đáp ứng đủ điều kiện an toàn được phép hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách.
Nhìn chung, hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh. Giá nhiều mặt hàng thiết yếu trong ngày 23/9/2021 ổn định.
Tại tỉnh Đồng Tháp, từ ngày 23/9, tỉnh Đồng Tháp nới lỏng giãn cách xã hội, thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg đối với thành phố Sa Đéc và các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò.
Toàn tỉnh Đồng Tháp được thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và việc cung ứng hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và các chợ truyền thống vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân./.