Smith Glacier - dòng sông băng lớn nằm ở Tây Nam cực, đã bị mỏng đi 0,5km độ dày trong bảy năm qua, nhanh hơn nhiều so với dự báo của các nhà khoa học.
Theo nghiên cứu dựa trên số liệu thu thập của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), trong giai đoạn từ năm 2002-2009, sông băng Smith Glacier, đổ ra biển Amundsen, đã tan chảy tới 70m mỗi năm, nhanh hơn nhiều so với tốc độ giới khoa học dự đoán.
Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm động cơ phản lực của NASA, ông Ala Khazendar khẳng định: "Nếu chỉ dựa vào những dữ liệu thu thập được từ một công cụ duy nhất, chúng tôi không thể tin tốc độ băng tan lại diễn ra nhanh như vậy. Nhờ cả thiết bị đo độ cao bằng laser và hệ thống radar có thể nhìn xuyên băng, chúng tôi đã có kết quả chuẩn xác giống nhau."
Ông Ala Khazendar cho biết mặc dù sau thời điểm năm 2009, sông băng Smith Glacier đã giảm tốc độ tan chảy, song vẫn tiếp tục mất đi một lượng lớn.
Trước đó, những nghiên cứu dùng kỹ thuật kém chính xác hơn chỉ đưa ra dự báo rằng hai dải băng được coi là trụ chính cho sông băng Smith chỉ giảm khoảng 12m độ dày mỗi năm trong giai đoạn 2002-2009. Tuy nhiên, vị trí và tốc độ tan chảy chính xác của các dòng sông băng vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Tốc độ tan chảy và sự biến đổi từ sông băng này sang sông băng khác vẫn là những khái niệm mơ hồ.
Mặc dù vậy, những phát hiện trên vẫn cung cấp bằng chứng mới cho rằng nước biển ấm lên đang làm tan chảy mặt dưới của một số sông băng ở Nam cực, đặc biệt ở phần ngầm, nơi tiếp giáp với đại dương, tốc độ tan chảy nhanh hơn nhiều so với trước đây.
Nghiên cứu mới cũng cho thấy mỗi tảng băng lớn đều có đặc thù tan chảy khác nhau. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2002-2009, hai dòng sông băng Pope và Kohler, nằm ở cạnh Smith Glacier, có tốc độ "mòn" chậm hơn.
Những dòng sông băng nằm ở cùng khu vực cũng có thể có sự tan chảy khác nhau do bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Thậm chí, cùng ở Nam cực, có một số khu vực, do hiện tượng kết tủa gia tăng, những khối băng lớn vẫn đầy lên, nhưng xét trên tổng thể diện tích bề mặt băng vẫn mất đi khá lớn.
Giới khoa học cho rằng hiện tượng băng tan đang diễn ra với tốc độ quá lớn và hiện tượng kết tủa không đủ để lấp đầy phần đã tan chảy./.