Sự chia rẽ mới sẽ đẩy nước Anh tiến tới cuộc trưng cầu dân ý lần hai?

Sự chia rẽ bây giờ không phải là giữa phe ủng hộ và phe phản đối Brexit, mà là giữa những người tin Brexit sẽ làm thay đổi tất cả mọi thứ và những người cố gắng đưa vấn đề này trở lại như bình thường.
Sự chia rẽ mới sẽ đẩy nước Anh tiến tới cuộc trưng cầu dân ý lần hai? ảnh 1Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London, ngày 28/3/2019. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Trong bài viết mới đây đăng trên mục bình luận của tờ Financial Times ngày 6/5, tác giả Robert Shrimsley cho rằng chính sự không khoan nhượng của những người theo chủ nghĩa thuần túy ở cả hai phe ủng hộ và phản đối nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit - sẽ đưa vấn đề này trở lại với các cử tri Anh.

Điều đó có nghĩa là nước Anh có thể sẽ phải đối mặt với cuộc trưng cầu dân ý lần 2.

Theo Shrimsley, một sự chia rẽ mới trên chính trường Anh đã xuất hiện. Sự chia rẽ chủ yếu bây giờ không phải là giữa phe ủng hộ và phe phản đối Brexit, mà là giữa những người tin Brexit sẽ làm thay đổi tất cả mọi thứ và những người vẫn đang cố gắng để đưa vấn đề này trở lại như bình thường; giữa những người tin rằng Brexit cần phải được điều chỉnh lại và những người muốn giữ nguyên.

[Brexit: May và Corbyn đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận "chắp vá"]

Minh chứng rõ ràng nhất cho sự chia rẽ mới này là sự phản ứng tức thì của đảng Bảo thủ và Công đảng trước kết quả cuộc bầu cử địa phương hồi tuần trước, khi tổng số ghế mà hai đảng này giành được đều bị sụt giảm mạnh.

Việc đảng Bảo thủ bị thất bại nặng nề là điều được dự đoán trước đó, nhưng Công đảng cũng bị mất ghế là do cách đảng này đối mặt với vấn đề Brexit.

Bầu cử địa phương từ lâu là cuộc chơi “một mất một còn” vì tổng số ghế hội đồng không đổi. Nếu chính phủ điều hành yếu kém, lực lượng đối lập sẽ hưởng lợi. Đây là nguyên tắc của cuộc chơi mà tất cả các bên đều hiểu.

Câu hỏi đặt ra cho cả Thủ tướng Theresa May và thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn là làm thế nào để thỏa thuận Brexit được thông qua và khôi phục nền chính trị với những quy định vốn có của nó.

Kết quả của cuộc bầu cử địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ đến các cuộc hội đàm giữa hai đảng để tìm ra một thỏa thuận chung.

Theo một nghị sỹ đảng Bảo thủ, những người tham gia hội đàm đều hiểu thỏa thuận gồm những nội dung gì.

Vấn đề là liệu Công đảng đối lập có hiểu rằng việc đi đến một thỏa thuận với đảng Bảo thủ cũng mang lại lợi ích cho họ hay không?

Kết quả cuộc bầu cử địa phương vừa qua cho thấy cuộc bầu cử nghị viện châu Âu sắp tới sẽ đem đến kết quả tồi tệ hơn cho cả đảng Bảo thủ lẫn Công đảng, cho dù họ vẫn là lực lượng dẫn dắt vấn đề Brexit và nhận thức rõ ràng rằng có thể họ không nhận được sự ủng hộ của phần đông cử tri.

Nếu đảng Bảo thủ và Công đảng nhất trí về một kế hoạch, xây dựng một liên minh thuế quan vĩnh viễn, những người theo chủ nghĩa thuần túy có thể sẽ đoàn kết lại với nhau trong quốc hội để đánh bại kế hoạch này.

Những người ủng hộ ở lại EU sẽ phản đối bất cứ thỏa thuận nào nếu như không đi kèm với một cuộc trưng cầu dân ý lần nữa.

Những người ủng hộ ở lại EU từ lâu coi việc trưng cầu dân ý lần hai là lựa chọn tốt nhất cho họ. Họ được cho là không muốn chiến thắng của họ đối mặt với bất cứ rủi ro nào có thể xảy ra.

Tuy nhiên, thành công tại cuộc bầu cử nghị viện châu Âu sắp tới có thể sẽ thuyết phục họ cân nhắc lại.

Nghị viện châu Âu sẽ không cho phép Anh rời EU mà không có thỏa thuận, bởi vậy những người thuộc chủ nghĩa thuần túy cần những cử tri để gây áp lực buộc các nghị sỹ phải nghĩ lại.

Một cuộc trưng cầu dân ý lần hai sẽ không thể xảy ra nếu số người ủng hộ Brexit cứng rắn chiếm quá bán.

Tuy nhiên, nếu phe ủng hộ rời EU chiến thắng mà không có thỏa thuận, vấn đề này cũng sẽ đẩy phán quyết vào tay Quốc hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục