Hơn một thập kỷ sau những vụ tấn công 11/9/2001, “một chút điên rồ” trong người dân Mỹ giúp nước này vẫn duy trì trạng thái cảnh giác cao trước các đe dọa tấn công khủng bố. Đây là kết luận của một quan chức cấp cao Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) nói với AFP trong một cuộc phỏng vấn. “FBI làm hai chuyện, bắt giữ người và vô hiệu hóa các đe dọa,” Michael Clancy, Phó trợ lý giám đốc phục trách ban chống khủng bố của FBI, nói. Clancy đặc biệt muốn nói tới chiến dịch Tripwire, một sáng kiến được khởi động vài năm trước nhằm tăng tính cảnh giác về các đe dọa khủng bố với các doanh nghiệp và huấn luyện họ phải làm gì khi thấy có dấu hiệu khả nghi. “Các nhà thờ, các doanh nghiệp, trách nhiệm của họ là báo cáo lại những hành động này nếu họ nhìn thấy,” Clancy nói. Khi Khaled Aldawsari, một người quốc tịch Arập Xêút sống ở Texas bằng thị thực sinh viên, mua một lượng lớn phenol, hóa chất dùng để chế tạo thuốc nổ, công ty được đặt hàng đã báo cảnh sát. Giám sát máy tính của Aldawsari giúp cảnh sát xác định anh ta đang chế tạo một “vũ khí có sức hủy diệt lớn” nhắm vào một số mục tiêu ở nước Mỹ và sau đó Aldawsari đã bị bắt. Các cơ quan công lực Mỹ đều khuyến khích người dân báo cáo những hành động khả nghi qua chiến dịch “Thấy gì đó, nói gì đó” (See Something, Say Something), FBI yêu cầu các doanh nghiệp, nhà thờ và cửa hàng cũng làm điều tương tự. “Tôi cho rằng một chút ám ảnh điên rồ cũng là cần thiết, không nhiều, nhưng Tripwire là một chiến dịch tốt trong bối cảnh nó giúp nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cảnh giác hơn,” ông nói. “Đó là điều tốt, đặc biệt là khi chúng ta đang ngày càng xa các sự kiện 11/9. Mọi người thường có trí nhớ ngắn ngủi, chúng tôi muốn họ tập trung chính xác vào những gì đã xảy ra ngày 11/9, khi lẽ ra có những điều người dân có thể báo lại… đó là bài học phải thuộc, về việc giúp người dân cảnh giác.”
Đội chống bom của FBI (Nguồn: AFP)
FBI từng bị chỉ trích gay gắt vì không thấy trước các dấu hiệu của một cuộc nổ súng giết người hàng loạt tại rạp phim ở Colorado vào tháng Bảy khiến 12 người thiệt mạng, hay một vụ khác ở ngôi đền đạo Sikh tại Wisconsin trong tháng Tám. Nhưng Clancy mô tả những kẻ tấn công là những người không cho thấy “mối đe dọa thực sự,” cho rằng Mỹ là một quốc gia quá lớn khiến cho việc loại bỏ mọi đe dọa tiềm tàng là không thể. “Gần như không thể. Đây là một quốc gia rộng lớn với hơn 300 triệu người, những người có lý tưởng khác nhau, niềm tin khác nhau, để biết trước rằng một ngày đột ngột nào đó, ai đó sẽ tiến hành hành vi khủng khiếp như thế,” Clancy nói./.
Trần Trọng (Vietnam+)