Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu: Cần thiết, nhưng chưa đủ

Sau 4 năm mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bị chia rẽ nghiêm trọng, ông Biden đã thay đổi đáng kể cách tiếp cận của Mỹ đối với châu Âu kể từ khi lên nắm quyền.
Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu: Cần thiết, nhưng chưa đủ ảnh 1Binh sỹ Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin quyết định mà Mỹ vừa công bố mới đây về việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Âu bằng cách điều thêm 500 binh sỹ tới Đức trong những tháng tới là một động thái đúng đắn, đúng lúc và đúng chỗ.

Động thái trên nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Tổng thống Mỹ Joe Biden là cải thiện mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và bổ sung những năng lực cực kỳ cần thiết cho sự hiện diện của Mỹ trên lục địa này, trong bối cảnh Nga tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm khi tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu, đặc biệt là tại Baltic, khu vực mà sự đóng góp nhỏ nhoi của quân đội Mỹ còn lâu mới có thể bù đắp cho những thiếu sót hiện nay.

[Binh sỹ Mỹ ở Đức có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh Mỹ và châu Âu]

Sau 4 năm mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bị chia rẽ nghiêm trọng, ông Biden đã thay đổi đáng kể cách tiếp cận của Mỹ đối với châu Âu kể từ khi lên nắm quyền.

Các nhà phân tích cho rằng 4 năm qua là khoảng thời gian mà Mỹ và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cố gắng ngăn chặn sự đổ máu khi năng lực và khả năng phòng thủ của liên minh bị mất.

Chẳng hạn, Lực lượng Tăng cường Hiện diện (EEP) của NATO ở Đông Bắc châu Âu đã phần nào trấn an các quốc gia khu vực Baltic và Ba Lan.

Tương tự, quá trình lập kế hoạch phòng thủ của NATO đã trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.

Các nước đồng minh đã nhận ra mối đe dọa từ cuộc chiến hỗn hợp của Nga; và tư thế sẵn sàng đã được chuyển từ nhóm các nhà hoạch định quốc phòng kín thành các vấn đề mà tổng thống, thủ tướng của họ thảo luận tại các hội nghị thượng đỉnh.

Bên cạnh đó, NATO bước vào năm 2021 giống như một chiến binh vừa bước qua trận chiến bầm dập, hứng chịu một cú đánh từ bên trái khi Mỹ đe dọa sẽ rút khỏi liên minh, cùng với đó là âm thanh chói tai từ bên phải khi Washington tuyên bố chỉ bảo vệ những đồng minh đã cùng gánh vác gánh nặng tài chính với Mỹ.

Khó có thể tìm ra một giai đoạn nào mà mối quan hệ liên Đại Tây Dương lại rối ren như vậy.

Vì lợi ích của an ninh Mỹ và châu Âu, giai đoạn chia rẽ của chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương và kỷ nguyên của sự ngờ vực và mất tinh thần đã được bỏ lại phía sau.

Phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu năm 2021 tại Hội nghị An ninh Munich trực tuyến về sự trở lại của Mỹ trong vị trí lãnh đạo đã làm cho mối quan hệ hồi sinh trở lại theo đúng quỹ đạo vốn có.

Ông Biden tuyên bố: "Nước Mỹ đã trở lại, Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại. Và chúng ta không nhìn lại phía sau; chúng ta đang cùng nhau hướng về phía trước.”

Ông Biden cũng cho rằng ngay lúc này, với những tuyên bố về việc tăng cường hiện diện của Mỹ ở châu Âu, “chúng ta hiểu rằng chính quyền trên thực tế cũng rất tập trung giải quyết những điểm yếu của quân đội Mỹ đồn trú ở nước ngoài. Sự gia tăng quân số theo tuyên bố của Mỹ tại Đức có số lượng không lớn - hai đơn vị cùng tác chiến gồm khoảng 500 binh sỹ - nhưng cũng đủ sức mạnh tạo ra một sức mạnh lớn và lấp đầy những lỗ hổng lớn về năng lực."

Đơn vị đầu tiên trong số các đơn vị này là một đơn vị tương đối mới đối với Quân đội Mỹ: Lực lượng Đặc nhiệm đa miền (MDTF), được coi là trung tâm của quá trình hiện đại hóa quân đội. Ngoài pháo binh và phòng không, MDTF cung cấp khả năng tình báo, mạng, tác chiến điện tử và vũ trụ ở châu Âu, những năng lực cực kỳ cần thiết để phòng thủ và chống lại các chiến dịch hiện nay của Nga ngay sát ngưỡng của một cuộc tấn công vũ trang.

Đơn vị thứ hai không phải là một đơn vị chiến đấu, mà là một cơ quan đầu não quan trọng: Đơn vị Hỏa lực Chiến trường (TFC). Như tên gọi của nó, đơn vị chỉ huy và điều khiển mới này có thể điều phối các cuộc tấn công tầm xa trên toàn bộ chiến trường châu Âu.

Với những tiến bộ và lợi thế của Nga - về pháo, tên lửa và tên lửa dẫn đường chính xác tầm xa, một cơ chế điều khiển và chỉ huy mới để tiến hành các cuộc tấn công dự phòng là cần thiết ở châu Âu.

Hai đơn vị mới được đặt ở Đức, là tâm điểm của châu Âu, từ đó chúng có thể ứng phó và hoạt động để ngăn chặn hàng loạt thách thức, trong đó có cả Nga.

Tại Đức, các đơn vị chiến đấu sẽ có được một cơ sở hạ tầng, các mạng lưới liên lạc, trung tâm đào tạo và các điểm nút giao thông hoàn thiện và mạnh mẽ.

Việc tuyên bố tăng cường hiện diện quân sự vào thời điểm hiện nay - mặc dù còn 5-6 tháng nữa mới có hiệu lực - là biện pháp đối phó kịp thời đối với việc Nga xây dựng lực lượng quy mô lớn gần đây ở ngay phía Bắc biên giới với Ukraine và tại bán đảo Crimea bị Nga chiếm đóng.

Ngoài việc Tổng thống Biden cam kết ủng hộ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga, việc gia tăng lực lượng của Mỹ tại Đức cho thấy một quyết tâm rõ ràng của nước này trong việc thúc đẩy nỗ lực chống lại sự đe dọa của Moskva đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Âu.

Mặc dù những đơn vị mới này và các phát biểu của tổng thống là rất quan trọng, nhưng cũng không đủ để giải quyết những khiếm khuyết bấy lâu nay trong hệ thống phòng thủ và răn đe ở châu Âu. Quan trọng nhất trong số đó là sự thiếu vắng quân đội Mỹ ở khu vực Baltic.

Dưới sự bảo trợ của EFP, NATO đã thiết lập 4 nhóm tác chiến với khoảng 1.000 quân cùng các nhóm ở Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia. Ra đời từ Hội nghị thượng đỉnh Warsaw năm 2016 của NATO, EFP cung cấp một cơ chế kích hoạt thụ động thiết yếu chống lại các vụ tấn công của Nga và đánh dấu lần đầu tiên lực lượng tác chiến của NATO đóng quân ở phía Đông khu vực biên giới Đông-Tây Đức cũ.

Tuy nhiên, chỉ có đơn vị EFP ở Ba Lan - gồm quân đội Anh, Croatia và Romania, trong đó Mỹ là đơn vị chỉ huy - “dấu giày” của Mỹ đã được khẳng định ở khu vực này mỗi ngày, mỗi tháng.

Các đơn vị EFP đa quốc gia khác do Vương quốc Anh (ở Estonia), Canada (ở Latvia) và Đức (ở Litva) lãnh đạo, không có người Mỹ nào được bổ nhiệm làm chỉ huy.

Việc Mỹ bổ sung số lượng ít binh sỹ tại mỗi đơn vị EFP ở các quốc gia Baltic - có thể là một trung đội gồm 100 binh sỹ thiện chiến - sẽ củng cố đáng kể những cam kết mà đơn vị thực hiện và ngăn chặn, ứng phó với Nga theo những sáng kiến của EFP.

Với sự bổ sung lực lượng không nhiều nhưng thường xuyên của Mỹ ở các nước Baltic, bên cạnh MDTF và TFC ở Đức, NATO sẽ tiến xa hơn trong việc củng cố lợi ích an ninh của Mỹ ở châu Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục