Đức: Kế hoạch của Mỹ điều chuyển quân đến Ba Lan tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp thuận đề xuất của Bộ Quốc phòng về việc cắt giảm 9.500 binh sỹ hiện đồn trú ở Đức và một phần trong số này sẽ được tái bố trí sang Ba Lan.
Đức: Kế hoạch của Mỹ điều chuyển quân đến Ba Lan tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh 1Binh sỹ Mỹ tham gia cuộc tập trận tại Grafenwoehr, Đức, ngày 4/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 1/7, truyền thông Đức đưa tin cho đến nay, Chính phủ Liên bang Đức vẫn chưa nhận được thông báo cụ thể về kế hoạch giảm binh sỹ Mỹ ở Đức.

Berlin cũng cảnh báo việc Washington điều chuyển quân sang khu vực Đông Âu có thể làm gia tăng căng thẳng với Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp thuận đề xuất của Bộ Quốc phòng về việc cắt giảm 9.500 binh sỹ hiện đồn trú ở Đức và một phần trong số này sẽ được tái bố trí sang Ba Lan.

Berlin cho rằng việc Washington tăng quân ở Đông Âu sẽ làm gia tăng căng thẳng với Moskva.

Phía Mỹ cũng không tham vấn với Đức trước khi đưa ra quyết định rút quân, và cho đến nay mới chỉ được thông báo sơ bộ về kế hoạch này.

[Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận số binh sỹ Mỹ từ Đức]

Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ bố trí 250.000 binh sỹ ở Tây Đức và sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Mỹ đã cắt giảm mạnh quân số, chỉ còn 70.000 binh sỹ vào thời điểm năm 2000, tiếp đến là khoảng 48.000 vào năm 2010 và hiện nay là dưới 35.000 binh sỹ.

Tuy vậy, Đức hiện vẫn là điểm đóng quân quan trọng và lớn thứ hai của Mỹ trên toàn thế giới, sau Nhật Bản.

Kế hoạch của Mỹ rút 9.500 binh sỹ khỏi Đức sẽ gây hậu quả kinh tế không nhỏ cho các địa phương ở Đức, đặc biệt tại 3 bang Rheinland-Pfalz, Baden-Württemberg và Bayern.

Chỉ riêng tại bang Rheinland-Pfalz có tổng cộng 18.500 lính Mỹ, chiếm trên 50% số lính Mỹ ở Đức.

Ngoài ra cũng có hơn 7.000 người Đức được lực lượng Mỹ tuyển dụng làm việc ở bang này.

Trên khắp nước Đức, quân đội Mỹ đang sử dụng khoảng 12.000 nhân viên người Đức.

Hiện vẫn chưa rõ kế hoạch cắt giảm binh sỹ của chính quyền Tổng thống Trump sẽ ảnh hưởng tới căn cứ quân sự nào tại Đức.

Một số địa điểm ở Đức có tầm quan trọng lớn đối với quân đội Mỹ ngoài châu Âu.

Căn cứ không quân Ramstein (bang Rheinland-Pfalz) là trung tâm để Mỹ đưa quân đội và đồ tiếp tế cho các cơ sở hoạt động ở Trung Đông hoặc châu Phi.

Tại căn cứ Landstuhl, cũng thuộc bang Rheinland-Pfalz, có bệnh viện lớn nhất của Mỹ ở hải ngoại.

Ngoài ra, Mỹ còn có một trong những khu vực huấn luyện quân sự lớn nhất ở châu Âu tại Grafenwöhr, bang Bayern.

Giới chức tại hai bang Rheinland-Pfalz và Baden-Württemberg đang hy vọng các nghị sỹ Mỹ sẽ đảo ngược kế hoạch của Tổng thống Trump.

Bộ trưởng Nội vụ bang Rheinland-Pfalz, ông Roger Lewentz cho biết chính quyền bang hiện chưa nhận được thông tin cụ thể về số lượng, thời điểm hay kế hoạch cụ thể của việc rút quân.

Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng các nghị sỹ đảng Cộng hòa ở Mỹ sẽ ủng hộ việc binh sỹ nước này tiếp tục đồn trú ở Đức cũng như tại bang Rheinland-Pfalz.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ bang Baden-Württemberg, ông Thomas Strobl cũng đặt kỳ vọng vào việc Quốc hội Mỹ có thể ngăn chặn, hoặc ít nhất là "gây khó" cho kế hoạch của Tổng thống Trump.

Lý do cho việc giảm quân số ở Đức được Tổng thống Trump đưa ra là do Berlin chi quá ít cho quốc phòng.

Dù đã tăng dần trong những năm qua, song mức chi cho quốc phòng của Berlin năm 2019 vẫn chỉ ở mức 1,38% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn mức mục tiêu tối thiểu 2% GDP của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt ra cho các nước thành viên tới năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục