Theo trang mạng eastasiaforum.org, mặc dù các khu vực nhà nước vẫn có ý nghĩa trong nền kinh tế của nhiều quốc gia, các doanh nghiệp nhà nước (SOE) của Trung Quốc tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi nhất.
Các nhà bình luận chủ chốt đã lưu ý rằng chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc tiếp tục trở nên vững chắc kể từ khi nước này phát động giai đoạn cải cách mới trong lĩnh vực SOE tại Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII diễn ra hồi tháng 11/2013.
Điều này đã dẫn đến các cuộc thảo luận về sự cần thiết phải sửa đổi các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hiện là vấn đề trọng tâm trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay và các cuộc đàm phán tiếp theo.
[Chuyên gia phân tích về tầm nhìn xa của giới lãnh đạo Trung Quốc]
Là một yếu tố không thể thiếu trong các chương trình cải cách kinh tế của Trung Quốc được đưa ra năm 1979, cải cách SOE đã đi được một chặng đường dài. Trong khi nhiều SOE đang trên bờ vực phá sản vào đầu thời kỳ cải cách, thì trong những năm sau đó họ trở thành các doanh nghiệp lớn hơn, mạnh hơn và thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Nhiều SOE hiện đang dẫn đầu trong các lĩnh vực chủ chốt và xếp hạng cao không chỉ ở trong nước mà còn cả trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Trước khi giai đoạn cải cách hiện nay bắt đầu vào năm 2013, một số thành tựu đã đạt được trong các giai đoạn cải cách trước đó. Đầu tiên, quyền tự chủ hoạt động được trao cho các SOE từ năm 1979-1986, sau đó là ủy quyền cho các nhà quản lý từ năm 1987-1992.
Tư nhân hóa, tự do hóa và hiện đại hóa SOE đã được thực hiện từ năm 1993-2002. Việc thành lập Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước (SASAC) vào năm 2003 đã duy trì và mở rộng tài sản thuộc sở hữu nhà nước và khuyến khích việc chọn ra "các doanh nghiệp hàng đầu" trong vô vàn các SOE, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược.
Đến đầu năm 2013, cả số lượng và thị phần của các SOE đã bị thu hẹp trong khi khu vực tư nhân tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó các doanh nghiệp hàng đầu đã trở nên quan trọng hơn và có ảnh hưởng đối với nền kinh tế.
Giai đoạn cải cách hiện nay, bắt đầu từ năm 2013, dường như được vạch ra với mục tiêu cạnh tranh:
Một mặt, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết tăng cường cải cách SOE thông qua một loạt biện pháp, bao gồm phân loại tốt hơn các SOE, cải thiện hơn nữa quản lý và quản trị doanh nghiệp, đa dạng hóa quyền sở hữu, tái cơ cấu và tái tổ chức.
Những biện pháp này nhằm mục đích hội nhập hơn nữa các SOE vào một thị trường cạnh tranh, chỉ có một số lượng hạn chế các doanh nghiệp phục vụ các chức năng của chính phủ hoặc công cộng.
Mặt khác, việc tái cơ cấu và tái tổ chức đã đẩy mạnh quyền lực của nhiều SOE, trong đó có một số công ty lớn nhất thế giới. Cải cách quyền sở hữu đã được thực hiện theo hướng thúc đẩy đầu tư vốn nhà nước vào các thực thể tư nhân đó trong các ngành công nghiệp chiến lược, thông qua sự hỗ trợ của các SOE khổng lồ nổi lên nhờ chương trình tái cơ cấu và tái tổ chức.
Hơn nữa, cải cách quản trị doanh nghiệp đã tăng cường đáng kể vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các SOE thông qua việc thành lập các đảng bộ với quyền quyết định lớn trong ban lãnh đạo (doanh nghiệp).
Đây là một chương trình cải cách hướng đến việc tăng cường thay vì làm suy yếu chủ nghĩa tư bản nhà nước.
Sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các SOE của Đảng-Nhà nước không nhất thiết khó giải quyết, ít nhất là không nằm trong các quy tắc của WTO. Tuy nhiên, kết hợp với các yếu tố khác, việc kiểm soát như vậy có thể và thường dẫn đến những hậu quả chống cạnh tranh, vì các SOE có thể không hành xử như các công ty tư nhân mà theo đuổi các mục tiêu chính sách công hoặc mục tiêu chính trị theo chỉ đạo của Đảng-Nhà nước.
Những vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn bởi mô hình kinh tế có một không hai của Trung Quốc, trong đó coi các SOE là tác nhân kinh tế chính của nhà nước và là công cụ chính để thực hiện các chính sách công nghiệp và các chính sách quốc gia khác.
Thông thường, các SOE lớn đều là các công ty hàng đầu được nhà nước sáp nhập để tạo ra các tập đoàn doanh nghiệp khổng lồ, gây ra những lo ngại sâu sắc về chống độc quyền.
Mặc dù Luật chống độc quyền của Trung Quốc được cho là được thực thi bình đẳng giữa các SOE và doanh nghiệp tư nhân, các tiêu chuẩn có lợi hơn vẫn được áp dụng cho các SOE, chẳng hạn như việc cơ quan thẩm định sáp nhập thường cấp giấy phép vô điều kiện cho các doanh nghiệp này.
Ví dụ, khi đánh giá mức độ tập trung của các SOE, các yếu tố như lợi ích quốc gia và chính sách công nghiệp quốc gia cũng được xem xét, điều này cho phép các SOE được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình đánh giá sáp nhập.
Trong khi các vụ sáp nhập SOE thường được thúc đẩy vì lợi ích quốc gia hơn là do mong muốn chiếm lĩnh thị trường, các công ty khác trong cùng lĩnh vực thường trở thành "con tốt thí" trong các chiến dịch đầy tham vọng như vậy và hậu quả đã được chứng minh rõ ràng. Họ cũng gây ra những vấn đề khó khăn cho các cơ quan cạnh tranh nước ngoài, vốn đang phải vật lộn với những vấn đề như liệu các SOE Trung Quốc có nên được đối xử như một thực thể duy nhất do Đảng-Nhà nước Trung Quốc kiểm soát hay không.
Ngoài các mối lo ngại về cạnh tranh, các SOE cũng đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống thương mại quốc tế, vì họ có thể làm suy yếu các điều kiện cạnh tranh mà WTO được thành lập để duy trì.
Ngoài ra còn có tranh cãi về việc liệu các quy tắc hiện nay của WTO có đủ để xử lý chủ nghĩa tư bản nhà nước ở Trung Quốc hay không. Do đó, vì lợi ích riêng của mình, đáng để Trung Quốc tham gia các cuộc thảo luận đang diễn ra về cải cách WTO và xem xét tham gia các hiệp định thương mại hiện có, như Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có các quy định chi tiết đối với các SOE.
Quả thực, khi Trung Quốc tìm kiếm tư cách thành viên của WTO cách đây hai thập kỷ, giới lãnh đạo Trung Quốc đã khôn ngoan sử dụng việc gia nhập WTO để thu hút sự ủng hộ và thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước.
Cải cách kinh tế của Trung Quốc đã đạt được một bước ngoặt như vậy một lần nữa và những tác nhân kích thích từ bên ngoài như các quy tắc quốc tế rõ ràng hơn đối với các SOE có thể chính là những gì Trung Quốc cần để xóa bỏ sự hồi sinh của chủ nghĩa tư bản nhà nước./.