Sự kiện quốc tế 19-25/12: Những vụ tai nạn, ám sát, tấn công thảm khốc

Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị ám sát ngay tại một buổi triển lãm nghệ thuật, rơi máy bay Nga, khủng bố bằng xe tải tại Đức, là sự kiện thế giới gây chấn động trong tuần qua.
Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị sát hại
Ngày 19​/12, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov ​ đã thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng súng khi ông đang tham dự buổi khai mạc cuộc triển lãm nghệ thuật ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra còn có 3 người khác bị thương.

Đối tượng nổ súng vào Đại sứ Nga Karlov là Mevlut Mert Altintas, 22 tuổi.

Tên này từng làm việc trong lực lượng cảnh sát chống bạo động ở Ankara trong thời gian 2 năm rưỡi.

Tuy nhiên, Altintas mới bị sa thải do bị cáo buộc dính líu tới tổ chức khủng bố và vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ. Altintas cũng đã bị cảnh sát tiêu diệt sau đó.

Ngay sau vụ việc trên, Bộ Ngoại giao Nga đã gọi vụ ám sát là một vụ khủng bố.

Nga cũng đã cử một nhóm điều tra nhanh gấp rút tới Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan​ đã lên án “vụ tấn công khủng bố hèn hạ” nhằm vào Đại sứ Karlov, đồng thời cáo buộc hung thủ là thành viên thuộc mạng lưới của giáo sỹ lưu vong Fethullah Gulen), người đã bị Ankara cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 vừa qua.

Vụ sát hại Đại sứ Nga Karlov xảy ra trong bối cảnh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vừa mới khôi phục quan hệ ngoại giao sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay của Nga hồi tháng 11​/2015.

Do đó, nhiều người cho rằng, vụ sát hại trên sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ hai nước.

Tuy nhiên, ngay sau vụ việc trên, cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều khẳng định vụ việc trên sẽ không thể làm tổn hại tới quan hệ song phương Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và sự hợp tác của hai nước trong cuộc chiến chống khủng bố.

Các nhà phân tích cho rằng, trong thời gian tới Nga vẫn phải dựa nhiều vào Ankara để được chia sẻ thông tin tình báo, còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất cần duy trì mối quan hệ hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, bởi Nga được xem là một đồng minh chủ chốt, hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad giành được nhiều thắng lợi trên chiến trường từ tay các phiến quân nổi dậy.

Xem thêm tại đây: Video hiện trường kinh hoàng vụ Đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn

Sự kiện quốc tế 19-25/12: Những vụ tai nạn, ám sát, tấn công thảm khốc ảnh 1Kẻ tấn công (phía sau) và Đại sứ Nga Andrey Karlov (trước) sau vụ xả súng tại trung tâm nghệ thuật ở Ankara ngày 19/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tai nạn máy bay thảm khốc tại Nga làm 92 người thiệt mạng
Ngày 25/12​, chiếc máy bay quân sự nhãn hiệu Tu-154, xuất phát từ sân bay Adler ở Sochi lúc 5 giờ 20 (9 giờ 20 - giờ Hà Nội) sáng 25/12, trên đường đến tỉnh Latakia của Syria, đã biến mất khỏi màn hình radar của cơ quan kiểm soát không lưu khoảng 20 phút sau khi cất cánh. Trên máy bay có 92 người, trong đó có 8 thành viên phi hành đoàn.

Những mảnh vỡ của máy bay sau đó được tìm thấy ở Biển Đen, cùng một số thi thể.

Vụ tai nạn khiến nước Nga mất đi 64 nghệ sỹ xuất sắc, thành viên đoàn Đoàn ca múa Aleksandrov của Quân đội Liên bang Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ngày 26/12, Nga tổ chức quốc tang các nạn nhân vụ tai nạn máy bay Tu-154, bị rơi tại vùng Biển Đen sáng 25/12.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Nga xác nhận không còn ai sống sót trong vụ tai nạn.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Putin cũng khẳng định nguyên nhân vụ tai nạn sẽ được điều tra kỹ lưỡng, thân nhân của những người thiệt mạng sẽ được hỗ trợ.

Xem thêm tại đây: Nước Nga mất 64 nghệ sỹ xuất sắc trong tai nạn máy bay TU-154

Sự kiện quốc tế 19-25/12: Những vụ tai nạn, ám sát, tấn công thảm khốc ảnh 2Các nhân viên cứu hộ đưa thi thể nạn nhân vào bờ. (Nguồn: THX/TTXVN)
Tấn công bằng xe tải ở Đức làm 12 người thiệt mạng
Ngày 19​/12, một vụ tấn công bằng xe tải đã xảy ra tại chợ Giáng sinh Breitscheidplatz, nằm ở khu vực sầm uất nhất của Berlin, làm 12 người thiệt mạng, khoảng 50 người khác bị thương.

Giới chức Đức khẳng định đây là vụ tấn công khủng bố. Trong khi đó, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng thừa nhận tiến hành vụ tấn công.

Vụ tấn công trên được nhận định sử dụng chiến thuật tương tự như nhiều vụ tấn công trước đây của IS, đó là sử dụng xe tải lao vào đám đông các nước phương Tây và gây ra thiệt hại lớn.

Trước đó, Mỹ cũng đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố nhằm vào các khu chợ ở châu Âu nhân dịp Giáng sinh trong bối cảnh IS đang thất thủ và mất dần lãnh thổ ở hai khu vực quan trọng là Iraq và Syria sau các cuộc không kích của liên quân quốc tế chống khủng bố.

Vụ tấn công trên cũng là lời cảnh báo đối với chính phủ các nước trên thế giới về cách thức khủng bố mới không cần đòi hỏi nhiều về nhân lực hay công nghệ tiên tiến.

Giám đốc điều hành của công ty tình báo SITE cho biết, tổ chức IS đang khuyến khích việc sử dụng xe tải tấn công trong những năm gần đây.

Thông qua mạng xã hội, các tạp chí trực tuyến hay những video clip, IS đã hướng dẫn và khuyến khích những “con sói đơn độc” tự thực hiện các vụ khủng bố.

Xem thêm tại đây: Video xe tải điên cuồng lao vào đám đông ở chợ Giáng sinh Berlin

Sự kiện quốc tế 19-25/12: Những vụ tai nạn, ám sát, tấn công thảm khốc ảnh 3Hiện trường vụ đâm xe tải tại chợ Giáng sinh ở Berlin. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Các Đại cử tri chính thức bầu ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ
Ngày 19/12, các đại cử tri của Mỹ đã hoàn tất cuộc bỏ phiếu mang tính thủ tục để chính thức bầu ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump là tổng thống thứ 45 của nước này, trong khi ông Mike Pence cũng được bầu làm Phó Tổng thống trong chính quyền sắp tới.

Trước đó, 538 đại cử tri của 50 tiểu bang và thủ đô Washington DC đã nhóm họp riêng rẽ tại trụ sở cơ quan lập pháp các bang để bỏ phiếu chính thức hóa kết quả cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hôm 8/11 vừa qua.

Hàng loạt kênh truyền hình và các hãng truyền thông lớn tại Mỹ đưa tin, trong cuộc bỏ phiếu ngày 19/12, đã có ít nhất 4 đại cử tri Dân chủ “bội tín” không bỏ phiếu cho ứng cử viên Hillary Clinton và ít nhất 2 đại cử tri Cộng hòa “lật kèo” không bỏ phiếu cho ông Trump.

Tuy nhiên, ứng cử viên Trump đã giành quá 270 phiếu đại cử tri theo hiến định để được tuyên bố thắng cử.

Dự kiến, số phiếu đại cử tri cuối cùng của ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay sẽ là 304 phiếu, trong khi bà Clinton chỉ còn 228 phiếu đại cử tri./.

Sự kiện quốc tế 19-25/12: Những vụ tai nạn, ám sát, tấn công thảm khốc ảnh 4 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Baton Rouge, bang Louisiana ngày 9/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cuộc họp thường niên của Tổng thống Nga lập kỷ lục về số nhà báo tham dự
Ngày 23/12, tại cuộc họp báo thường niên tổ chức vào dịp cuối năm tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimi Putin đã có những phát biểu tổng kết tình hình trong nước và quốc tế trong năm 2016.

Đây là cuộc gặp thường niên quy mô lớn với phóng viên lần thứ 12 của ông Putin. Cuộc họp báo năm nay đã lập kỷ lục về số lượng các nhà báo tham dự, lên tới 1.500 người, so với 1.390 nhà báo hồi năm ngoái.

Về các vấn đề trong nước, Tổng thống Putin đặc biệt ghi nhận các thành tích mà các ngành kinh tế trong nước đạt được trong bối cảnh Nga gặp nhiều khó khăn từ bên ngoài như các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu giảm mạnh.

Dù kinh tế năm 2016 dự kiến suy giảm khoảng 0,5-0,6% song vẫn duy trì được sự ổn định vĩ mô. Thành tựu của nông nghiệp Nga được đặc biệt ghi nhận, theo đó, đóng góp từ xuất khẩu nông nghiệp năm 2016 đạt 16,9 tỷ USD, vượt thu nhập từ bán vũ khí và thực chất đã "nuôi sống" cả nước trong năm qua.

Trong khi đó, một số ngành kinh tế khác được ghi nhận đã ngừng đà suy giảm. Ông Putin cho biết hiện nhiều lĩnh vực của nền kinh Nga đã có khả năng cạnh tranh, thậm chí Nga còn dẫn đầu trong một số lĩnh vực quan trọng.

Về lĩnh vực quốc phòng, Tổng thống Putin cho biết Nga đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc hoàn thiện "bộ ba hạt nhân," bao gồm cả khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ông Putin nhấn mạnh Nga đã nỗ lực rất nhiều để hiện đại hóa lực lượng tên lửa hạt nhân và lực lượng vũ trang, theo đó đã đưa vào sử dụng các tàu ngầm hạt nhân chiến lược với các tên lửa mới cũng như các hệ thống dùng cho máy bay.

Ông cho rằng Nga phải làm điều này để đáp trả những thách thức của Mỹ trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân vì chính Mỹ hồi năm 2001 đã đơn phương rút khỏi Hiệp định về phòng thủ tên lửa, vốn được coi là nền tàng cho toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế.

Xem thêm tại đây: Những nội dung chính trong cuộc họp báo thường niên của ông Putin
 
Sự kiện quốc tế 19-25/12: Những vụ tai nạn, ám sát, tấn công thảm khốc ảnh 5Tổng thống Nga Putin. (Nguồn: NBC News)
Bùng nổ cuộc chiến "thịt bò" giữa Mỹ và Liên minh châu Âu
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên quan tới thịt bò nhập khẩu có dấu hiệu bùng phát trở lại.

Ngày 22/12, Washington đe dọa sẽ áp đặt lại các khoản thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU nhằm đáp trả việc Brussels tiếp tục duy trì lệnh cấm nhập khẩu thịt bò được nuôi bằng thức ăn có chứa hormone tăng trưởng hàm lượng cao của Mỹ.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack cho hay những quy định khắt khe của EU đã ngăn cản người tiêu dùng châu Âu tiếp cận với sản phẩm thịt bò chất lượng cao, giá rẻ của Mỹ.

Theo ông, bước đi tiếp theo của Washington là áp thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ EU.

Quyết định trên của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán về Hiệp định Đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU rơi vào bế tắc và nhiều khả năng không được thông qua.

Xem thêm tại đây: Bùng nổ cuộc chiến "thịt bò" giữa Mỹ và Liên minh châu Âu

Sự kiện quốc tế 19-25/12: Những vụ tai nạn, ám sát, tấn công thảm khốc ảnh 6Ảnh minh họa. (Nguồn: meltingbutter.com)
Hội nghị Nga-NATO tiếp tục bất đồng trong nhiều vấn đề
Ngày 19-12-2016, các quan chức ngoại giao Nga và NATO đã có cuộc gặp thứ ba trong năm nay nhằm tháo gỡ những căng thẳng tồi tệ nhất trong quan hệ giữa hai bên từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine, với đỉnh điểm là Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea​ (hồi tháng 3/2014).

Tuy nhiên tại cuộc họp này, hai bên tiếp tục bất đồng sâu sắc trong nhiều vấn đề.

Đối với vấn đề Ukraine, NATO bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình tại miền Đông Ukraine và thúc giục Nga sử dụng ảnh hưởng của mình để yêu cầu lực lượng nổi dậy tại miền Đông Ukraine thực hiện các thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Minsk (Belarus) trong các năm 2014 và 2015.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko​ lại cho rằng, Chính phủ Ukraine mới là thủ phạm phá hoại các thỏa thuận ngừng bắn.

Ngoài bất đồng về vấn đề Ukraine, giữa Nga và NATO còn bất đồng trong các hoạt động quân sự của hai bên.

Tại hội nghị, các thành viên NATO tiếp tục bày tỏ "quan ngại đặc biệt" trước việc Nga triển khai các cuộc tập trận chớp nhoáng tại Đông Âu với sự tham gia của khoảng 120.000 người trong những tháng gần đây.

Nhưng đáp lại, Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko cáo buộc rằng, các hoạt động tăng cường triển khai binh sỹ và trang thiết bị của Mỹ và đồng minh gần biên giới Nga làm cho "tình hình an ninh châu Âu tiếp tục xấu đi."

Có thể thấy, mối quan hệ Nga-NATO đã rơi vào cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng trong thời gian qua, liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Hơn nữa, việc NATO không thực hiện cam kết ngừng mở rộng về phía Đông và tiếp tục thiết lập các căn cứ quân sự mới tại các nước Đông Âu chính là căn nguyên sâu xa khiến quan hệ hai bên luôn trong tình trạng hoài nghi, dè chừng nhau.

Cho dù NATO khẳng định những biện pháp quân sự mới chỉ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ ở sườn phía Đông chứ không đe dọa an ninh nước Nga, song sức nặng lời nói của NATO đối với Moskva giờ đây không còn giá trị.

Đáp lại, Nga cũng đã triển khai lực lượng tại Kaliningrad, vùng lãnh thổ phía Tây nằm tách rời Nga, tiếp giáp với Ba Lan và Litva, nhằm tiếp tục cải thiện khả năng tác chiến của lực lượng không quân, phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và tên lửa đạn đạo Iskander, cho phép vượt qua Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt tại châu Âu (NMD).

Các nhà phân tích cho rằng, trước vô số những bất đồng như vậy, việc khai thông những bế tắc giữa Nga và NATO được cho là khó có thể đạt được trong “một sớm, một chiều”.

Sự kiện quốc tế 19-25/12: Những vụ tai nạn, ám sát, tấn công thảm khốc ảnh 7NATO tập trận ở Ba Lan. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Phát hiện phương pháp "vô hiệu hóa" sự lan rộng tế bào ung thư
Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Australia, vừa tìm ra phương pháp có thể ngăn chặn sự lan rộng của tế bào ung thư, đem lại hy vọng cứu sống hàng nghìn người mỗi năm.

Trong công trình nghiên cứu mới công bố, các nhà nghiên cứu ở Viện Garvan cho biết họ đã xác định được một protein có tên là MCL-1, giữ vai trò quan trọng trong quá trình lan rộng của các tế bào ung thư vú. Đồng thời, họ cũng tìm ra cách vô hiệu hóa tế bào này, cũng như gia tăng hiệu quả của các loại thuốc điều trị ung thư hiện nay.

Phát hiện này tạo tiền đề nghiên cứu cho các phương pháp điều trị ung thư vú, bởi các phương pháp hiện nay thường thất bại một khi các tế bào ung thư bắt đầu lan rộng.

Tiến sỹ Samantha Oakes, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “MCL-1 được biết đến như một yếu tố sống còn của các tế bào ung thư. Thế nhưng cho đến nay, chưa ai chứng minh được rằng nó giúp những tế bào ung thư lây lan. Chúng tôi đã tìm ra cách ngăn chặn sự lây lan thông qua việc vô hiệu hóa MCL-1."

Theo tiến sỹ Samantha Oakes, kết quả này có thể được áp dụng vào việc thu nhỏ kích cỡ khối u và ngăn chặn sự lan rộng của tế bào ung thư, trước khi bệnh nhân trải qua phẫu thuật.

Nghiên cứu được thử nghiệm trên chuột thí nghiệm được cấy tế bào ung thư vú mô phỏng của con người.

Tiến sỹ Oakes tin tưởng việc thử nghiệm sẽ đem lại kết quả tương tự đối với những bệnh nhân ung thư vú.

Dự kiến, chương trình thử nghiệm trên người sẽ được tiến hành trong năm năm tới.

Hiện ở Australia có khoảng 3.000 phụ nữ và nam giới tử vong vì ung thư vú mỗi năm.

Sự kiện quốc tế 19-25/12: Những vụ tai nạn, ám sát, tấn công thảm khốc ảnh 8Ảnh minh họa. (Nguồn: OnHealth)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục