Sự kiện trong nước 10-16/10: Mưa lũ ở miền Trung làm 15 người chết

Sự kiện trong nước 10-16/10: Mưa lũ lịch sử ở các tinh miền Trung

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIIl bế mạc và mưa lũ lịch sử ở miền Trung gây nhiều thiệt hại là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIIl bế mạc và mưa lũ lịch sử ở miền Trung gây nhiều thiệt hại là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Từ ngày 9 đến 15/10, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội năm 2016, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ và một số vấn đề quan trọng khác.

Sự kiện trong nước 10-16/10: Mưa lũ lịch sử ở các tinh miền Trung ảnh 1Toàn cảnh bế mạc Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Xem thêm: Bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Việt Nam lên tiếng về thông tin Nga định quay trở lại Cam Ranh
Trước việc truyền thông Nga vừa qua cho biết Nga đang cân nhắc việc quay trở lại Cam Ranh, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 13/10, tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam duy trì chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng; phát triển hợp tác với tất cả các đối tác trên cơ sở cùng có lợi vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga cũng như các đối tác lớn khác trên thế giới đang có những bước phát triển rất mạnh mẽ."

"Chủ trương nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự, không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ ba và cũng không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Tất cả lập trường Người phát ngôn có nêu từ trước đến nay đều không thay đổi," ​ông Lê Hải Bình nhấn mạnh./.

Sự kiện trong nước 10-16/10: Mưa lũ lịch sử ở các tinh miền Trung ảnh 2Tàu quốc tế cập Cảng quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam lên tiếng về thông tin Nga định quay trở lại Cam Ranh

Hiệp định EVFTA: Cơ hội tạo thêm nhiều việc làm và tăng tiền lương
Nhằm góp phần đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do thương mại thế hệ mới trong lĩnh vực lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức Hội thảo “Đánh giá tác động của các cam kết lao động trong Chương phát triển bền vững của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu” vào ngày 14/10 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung rà soát lại các cam kết về lao động và xã hội trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do, góc nhìn từ thanh tra lao động đối với việc tuân thủ pháp luật lao động tại doanh nghiệp…

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội cho biết, khi gia nhập Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), dự kiến lao động Việt Nam trong ngành khai khoáng sẽ tăng thêm khoảng 3,41%/năm, lao động trong ngành dệt tăng 1,53%/năm. Một số ngành khác có mức tăng lao động hàng năm cao hơn như: Vận tải đường thủy (3,7%) sản xuất kim loại (2,65%), sản xuất máy móc, thiết bị (2,49%). Tuy nhiên, ngành sản xuất thời trang chỉ tăng nhẹ, khoảng 0,38%/năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), trong giai đoạn từ năm 2020-2035, không chỉ có việc làm tăng mà tiền lương dự kiến tăng lên, trong đó tăng cao nhất là đối với lao động có tay nghề thấp. Việc chuyển dịch lao động trong các ngành nghề sẽ tiếp tục thúc đẩy di cư lao động nội địa.

Sự kiện trong nước 10-16/10: Mưa lũ lịch sử ở các tinh miền Trung ảnh 3Ngành dệt là một trong những ngành sẽ gia tăng việc làm khi thực hiện Hiệp định EVFTA. (Ảnh minh hoạ: Danh Lam/TTXVN)

Xem thêm: Hiệp định EVFTA: Cơ hội tạo thêm nhiều việc làm và tăng tiền lương

Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có trên 1 triệu doanh nghiệp
100 doanh nhân tiêu biểu năm 2016 đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Cúp Thánh Gióng.

Phát biểu của tại Lễ phát động phong trào thi đua với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” tối 11/10, nhân kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhấn mạnh: Doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm và sự thịnh vượng của quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng với gần 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, riêng 9 tháng đầu năm 2016, đã có thêm 91 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu mang thương hiệu Việt đến với thế giới là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh.

Nhắc tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần phát triển ở trình độ cao hơn, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự phát triển chủ yếu phải dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không thể tiếp tục chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ. Chính phủ sẽ làm hết sức mình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công.

Sự kiện trong nước 10-16/10: Mưa lũ lịch sử ở các tinh miền Trung ảnh 4Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng cúp Thánh Gióng cho các doanh nhân tiêu biểu. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có trên 1 triệu doanh nghiệp

Sau 5 năm tái cơ cấu: "Ngân sách trầm trọng, nợ công tăng nhanh"
“Đổi mới” mở ra bước ngoặt lịch sử cho kinh tế Việt Nam, tuy nhiên chặng đường này đã chuyển sang một giai đoạn khác và đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ của cả hệ thống kinh tế, để có thể thích ứng với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng.

Trước bối cảnh đó, chủ trương tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng được đưa ra Chính phủ đưa ra và giành được sự đồng thuận tuyệt đối trong xã hội.

Song tổng kết quá trình 5 năm thực hiện, kết quả thực hiện từ ba tuyến đột phá “nợ xấu ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (trọng tâm là cổ phần hóa), thay đổi cơ chế đầu tư công” còn rất khiêm tốn.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 với chủ đề “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng, ” ngày 12/10, tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, “5 năm vật lộn với tái cơ cấu cũng là quãng thời gian khó khăn nhất trong 30 năm đổi mới. Quá trình tái cơ cấu tiến triển rất chậm, thành quả đạt được khá hạn chế, còn xa mới đạt mục tiêu và kỳ vọng.”

Ông thẳng thắn chỉ ra, cơ chế đầu tư công thực chất vẫn chưa thay đổi, khi mà cơ chế “Xin - Cho” là chính. Trong khi đó, khó khăn ngân sách đang trở nên trầm trọng hơn và nợ công tăng nhanh. Thêm vào đó, mặc dù hệ thống ngân hàng được cho là đã trụ qua cơn sóng gió, song “cục máu đông - nợ xấu” hầu như vẫn còn nguyên, thậm chí khối lượng có dấu hiệu tăng lên.

Sự kiện trong nước 10-16/10: Mưa lũ lịch sử ở các tinh miền Trung ảnh 5Nền kinh tế Việt Nam vẫn ở đẳng cấp phát triển thấp, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Xem thêm: Sau 5 năm tái cơ cấu: "Ngân sách trầm trọng, nợ công tăng nhanh"

Phát hiện muỗi vằn mang virus Zika lưu hành ở Việt Nam
Sau khi Việt Nam ghi nhận một số ca nhiễm Zika trên người từ tháng Tư, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tiến hành xét nghiệm các cá thể muỗi vằn tự nhiên này để xác định khả năng muỗi có nhiễm virus Zika, Dengue hoặc Chikungunya.

Trong hoạt động nghiên cứu giám sát bệnh sốt xuất huyết tại thành phố Nha Trang để chuẩn bị cho việc mở rộng nghiên cứu ứng dụng phương pháp Wolbachia trên đất liền trong những năm tới, Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam đã thu thập và lưu trữ 23.682 mẫu muỗi vằn (cái) tự nhiên ở thành phố Nha Trang trong thời gian từ tháng 3/2015 đến tháng 5/2016.

Kết quả cho thấy có 56 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với virus Zika (0,24%), 29 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với virus Dengue (0,12%) và không có cá thể nào dương tính với virus Chikungunya.

Như vậy virus Zika đã có mặt (với tỷ lệ rất thấp) trong quần thể muỗi vằn tự nhiên ở Nha Trang.

Việc phát hiện các trường hợp nhiễm Zika trên người ở một số địa phương trong thời gian gần đây cho thấy virus Zika hiện đã lưu hành trong muỗi vằn tự nhiên.

Do vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát muỗi và phòng, tránh muỗi đốt đã được Bộ Y tế khuyến cáo để phòng bệnh sốt xuất huyết và Zika.

Đến nay, đã có 9 trường hợp nhiễm Zika trên người được ghi nhận tại Việt Nam gồm 4 người ở Thành phố Hồ Chí Minh (trong đó có 2 người nước ngoài), 1 người ở Nha Trang, 1 người ở Phú Yên, 1 người ở Bình Thuận, 1 người ở Bình Dương, 1 người nước ngoài đến thăm người thân ở Trà Vinh.

Sự kiện trong nước 10-16/10: Mưa lũ lịch sử ở các tinh miền Trung ảnh 6Muỗi Aedes aegypti. (Nguồn: Imperial.co.uk)

Xem thêm: Phát hiện muỗi vằn mang virus Zika lưu hành ở Việt Nam

Chính phủ chỉ đạo xây dựng lộ trình miễn học phí cho bậc THCS
“Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình Trung ương và Quốc hội về miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và học sinh trung học cơ sở theo lộ trình đến năm 2020.”

Đây là một trong những nội dung được nêu rõ trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Chín vừa được Văn phòng Chính phủ công bố.

Trước đó, ngày 5/8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đề cập đến vấn đề miễn học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở.

Cụ thể, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, học phí bậc trung học cơ sở không cao nhưng lại tạo tâm lý cho người học và phụ huynh.

Cụ thể, học phí bậc trung học cơ sở cả nước thu mỗi năm hơn 2.000 tỷ đồng. Con số này không nhiều khi chia ra cho 63 tỉnh thành.

Hiện chỉ học sinh tiểu học được miễn học phí. Các bậc học còn lại học sinh đều phải đóng học phí hàng tháng./.

Sự kiện trong nước 10-16/10: Mưa lũ lịch sử ở các tinh miền Trung ảnh 7Học sinh trường Trung học cơ sở Đại Thịnh A, Mê Linh, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Xem thêm: Chính phủ chỉ đạo xây dựng lộ trình miễn học phí cho bậc THCS

Nghiên cứu phương án xây đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 331/TB-VPCP truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tổng quan đường sắt Việt Nam và việc nghiên cứu phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Xuất phát từ đặc thù của Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam cần quy trình, thủ tục đầu tư kéo dài, nhu cầu vốn lớn, khả năng thu hồi vốn hết sức khó khăn; việc Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt sẽ gây áp lực đối với trần nợ công nên Phó Thủ tướng yêu cầu Dự án phải được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học và đồng bộ toàn tuyến, có tính toán phân kỳ đầu tư phù hợp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải sớm cập nhật các nghiên cứu; tổ chức nghiên cứu; tổ chức hội thảo, truyền thông và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ thông qua năm 2017 để xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2018.

Khi dự án được Quốc hội thông qua, cần chuẩn bị kỹ về thiết kế kỹ thuật và nguồn vốn để năm 2022-2030 thực hiện xong các dự án ưu tiên đoạn Hà Nội-Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang.

Đường sắt Việt Nam có lịch sử phát triển 135 năm. Đến nay, mạng đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.134km, trong đó 2.531km chính tuyến, 612km đường nhánh và đường ga.

Sự kiện trong nước 10-16/10: Mưa lũ lịch sử ở các tinh miền Trung ảnh 8Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Nghiên cứu phương án xây đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam
Việt Nam nằm trong tốp 11 điểm đến lý tưởng nhất cho người ngoại quốc
Việt Nam xếp hạng 11 trong danh sách 57 nơi tốt nhất cho những người sinh sống và làm việc ở nước ngoài, tăng 24 hạng so với năm 2015.

Khảo sát do trang InterNations thực hiện qua thăm dò ý kiến của 14.000 người đang sống, làm việc hoặc học tập tại nước ngoài dựa trên các tiêu chí như cảm giác thoải mái khi tới định cư ở một đất nước hoặc vùng lãnh thổ, chất lượng cuộc sống, chi tiêu cá nhân, môi trường làm việc, sự ổn định...

Bảng xếp hạng năm 2016 này vinh danh Đài Loan là nơi lý tưởng nhất đối với người xa xứ đặc biệt về phương diện đời sống.

Tiếp nối danh sách này là Malta, Ecuador, Mexico, New Zealand. Xếp hạng các môi trường tệ nhất cho người nước ngoài, đứng đầu là Kuwait, tiếp theo là Hy Lạp, Nigeria, Brazil và Saudi Arabia.

Sự kiện trong nước 10-16/10: Mưa lũ lịch sử ở các tinh miền Trung ảnh 9Thủ đô Hà Nội, Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Long/Vietnam+)

Xem thêm: Việt Nam nằm trong tốp 11 điểm đến lý tưởng nhất cho người ngoại quốc

Mưa lũ lịch sử tại miền Trung, 15 người chết
Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện số 1827/CĐ-TTg gửi các Bộ ngành có liên quan về việc tập trung ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Công điện nêu rõ từ ngày 12-16/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, kết hợp không khí lạnh, tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đã có mưa to đến rất to trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 300 đến 400mm, đặc biệt là tại một số nơi thuộc tỉnh Quảng Bình (Tuyên Hóa, Mai Hóa, Minh Hóa) tổng lượng 3 ngày qua đã vượt 700 mm.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã làm 15 người chết; 9 người mất tích; 18 người bị thương.

Có 7 nhà bị sập; gần 98.220 nhà bị ngập và hư hỏng, gần 1.600ha lúa bị ngập; 36 điểm đường Quốc lộ bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông.

Hiện nay, lũ thượng lưu một số sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đã đạt đỉnh (xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 2010 ở Hà Tĩnh và năm 2007 tại Quảng Bình), lũ hạ nguồn tiếp tục lên, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đối với đồng bào và chính quyền địa phương, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm an toàn cho người dân, chủ động triển khai phương án khắc phục hậu quả mưa lũ.

Sự kiện trong nước 10-16/10: Mưa lũ lịch sử ở các tinh miền Trung ảnh 10Nhiều hộ dân xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bị ngập chìm trong nước lũ. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Xem thêm: Công điện của Thủ tướng về ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền Trung

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục