Sự kiện trong nước 3-9/10: WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay xuống 6,0% và Tổng Biên tập báo Petrotimes bị thu hồi thẻ nhà báo là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay xuống 6,0% và Tổng Biên tập báo Petrotimes bị thu hồi thẻ nhà báo là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Tổng thống Iran thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
Từ ngày 5 đến 7/10, Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan Rouhani thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Tổng thống Hassan Rouhani đã tiếp kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trong chuyến thăm, lãnh đạo các Bộ Công nghiệp, Nông nghiệp và Ngân hàng Nhà nước hai nước cũng đã có các cuộc gặp gỡ làm việc trao đổi hợp tác song phương.

Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp cận thị trường của nhau nhằm sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 2 tỷ USD trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan Rouhani đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu công vụ.

Hai bên ra Tuyên bố chung Việt Nam-Iran.

Sự kiện trong nước 3-9/10: WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan Rouhani thăm cấp Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam quan tâm thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với Iran

WB hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 6,0% trong năm 2016
Ngày 4/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo cập nhật Kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo nhấn mạnh, trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại Việt Nam vẫn chứng tỏ khả năng chống chịu của mình. Trong 3 quý đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ do nông nghiệp bị hạn hán nặng nề và tăng trưởng công nghiệp sụt giảm nhưng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì và sức ép lạm phát không đáng kể.

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2016 chỉ khoảng 6,0%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với lần dự báo vào tháng 6/2016 và đạt 6,3% trong năm 2017.

Lãnh đạo WB cho rằng, tỷ lệ giảm nghèo của Việt Nam vẫn tiếp tục giảm xuống nhưng sản xuất nông nghiệp sụt giảm đã đem lại một số rủi ro trong ngắn hạn. Sinh kế các hộ gia đình dựa vào nông nghiệp đặc biệt bị ảnh hưởng. Viễn cảnh trung hạn vẫn tích cực nhưng cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khoá và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng cường tăng trưởng trong trung hạn.

Sự kiện trong nước 3-9/10: WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: WB hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 6,0% trong năm 2016

Kim ngạch Việt Nam-EAEU sẽ đạt tới 10 tỷ USD sau khi FTA có hiệu lực
Ngày 5/10, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) chính thức có hiệu lực. Theo đánh giá bước đầu của EAEU, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt từ 10 đến 12 tỷ USD vào năm 2020. Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh hằng năm sẽ tăng khoảng 18 đến 20%.

Theo Hiệp định, EAEU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 90% tổng số dòng thuế, trong đó hơn 59% tổng số dòng thuế được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực, là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh.

Các nhóm mặt hàng sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu gồmcác mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam và một số mặt hàng công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như dệt may và nguyên phụ liệu dệt may, giày dép, máy móc, linh kiện điện tử, và một số loại dược phẩm, sắt thép, sản phẩm cao su, gỗ và đồ nội thất…

Sự kiện trong nước 3-9/10: WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ảnh 3Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Xem thêm: Kim ngạch Việt Nam-EAEU sẽ đạt tới 10 tỷ USD sau khi FTA có hiệu lực

Thanh tra Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam PVC
Thanh tra Chính Phủ sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong vòng 70 ngày. Thời kỳ thanh tra được xác định là trong giai đoạn 2008-2013. Đây cũng là giai đoạn ông Trịnh Xuân Thanh đang đương chức tại đơn vị này.

Cụ thể, chiều nay, 6/10, Thanh tra Chính Phủ đã công bố quyết định thanh tra đối với PVC. Quyết định thanh tra mang số 2628/QĐ-TTCP.

Theo đó, xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành, Vụ trưởng vụ tổ chức Cán bộ thuộc Thanh tra Chính Phủ, công tác thanh tra sẽ xem xét việc chấp hành chính sách, pháp luật của PVC trong giai đoạn 2008-2013. Trong quá trình thanh tra nếu có nội dung liên quan trước và sau thời kỳ thanh tra, Đoàn thanh tra có thể kiểm tra làm rõ.

PVC là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được thành lập từ năm 2007. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc PVC; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng về hành vi cố ý làm trái.

Ngoài ra, ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC cũng bị khởi tố. Tuy nhiên, ông Thanh đã bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.

Sự kiện trong nước 3-9/10: WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ảnh 4PVC, đơn vị cũ nơi ông Trịnh Xuân Thanh từng nắm giữ các chức vụ quan trọng sẽ bị thanh tra toàn diện (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Xem thêm: Thanh tra Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam PVC

Thủ tướng bất ngờ làm thực khách tại quán ăn đường phố ở TP.HCM
Hơn 10 ngày sau khi thị sát chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội, sáng sớm 8/10, mặc dù trời mưa rất to nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bất ngờ trở thành thực khách tại một quán phở nhỏ trên đường Nguyễn Hậu, phường Tân Thành, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là chuyến "vi hành" bí mật của Thủ tướng để kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương vốn được coi là thiên đường ẩm thực đường phố của Việt Nam.

Cũng trong vai các thực khách của quán phở này còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong.

Còn nhớ, hội nghị đầu tiên chủ trì trên cương vị Thủ tướng Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính là hội nghị về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Kết quả của hội nghị là một chỉ thị đặc biệt của Thủ tướng yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác an toàn thực phẩm - vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Sự có mặt của các thực khách đặc biệt này trên một quán ăn đường phố, một lần nữa khẳng định thông điệp về một quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc lập lại trật tự an toàn thực phẩm - nỗi lo nhiều năm nay của người dân cả nước.

Sự kiện trong nước 3-9/10: WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ảnh 5Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dùng bữa sáng và uống cà phê tại đường Nguyễn Hậu, phường Tân Thành, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Thủ tướng bất ngờ làm thực khách tại quán ăn đường phố ở TP.HCM

Ủy ban Giám sát: Tăng trưởng tín dụng cần nhanh hơn trong quý 4
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế 9 tháng qua, trong đó nhận định hệ thống tài chính nhìn chung ổn định, đảm bảo khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đến 31/8 đạt 7.565 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2015, tương đương 180% GDP.

Báo cáo nhấn mạnh, tín dụng ngân hàng tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu, chiếm 65,3% tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thị trường vốn (gồm cổ phiếu và trái phiếu) chiếm 34,7%.

Tính đến 31/8, tín dụng đạt 4.943 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay đạt 4.560 nghìn tỷ đồng, trái phiếu doanh nghiệp đạt 382.000 tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng đạt 10,2% so với cuối năm 2015, nhưng tăng trưởng tín dụng bình quân 8 tháng đạt 4,7% (cùng kỳ 2015 là 4,1%). Vòng quay vốn tín dụng cải thiện nhẹ, 8 tháng là 4,42 vòng (cùng kỳ năm 2015 là 4,21 vòng).

Các chuyên gia của Ủy ban Giám sát đề xuất, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 18-20%, tín dụng cần tăng nhanh hơn trong quý 4 này.

Cũng theo các chuyên gia của Ủy ban Giám sát, cho vay tín dụng VND và tín dụng trung, dài hạn chiếm tỷ trọng chính như tín dụng VND chiếm 91,2% tổng tín dụng, tín dụng trung và dài hạn chiếm 55,9% tổng tín dụng. Tuy nhiên, tín dụng trung và dài hạn tăng chậm lại, trong 8 tháng tăng 11,1% (trong khi đó cùng kỳ 2015 tăng 18,7%).

Sự kiện trong nước 3-9/10: WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ảnh 6Giao dịch tại VIB. (Nguồn: VIB)

Xem thêm: Ủy ban Giám sát: Tăng trưởng tín dụng cần nhanh hơn trong quý 4

Việt Nam phát hiện thêm 2 trường hợp mới nhiễm virus Zika
Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đã ghi nhận hai trường hợp mới nhiễm virus Zika tại Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường hợp thứ nhất là phụ nữ 27 tuổi sống tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, khởi phát với triệu chứng phát ban, sốt 38 độ C kèm đau cơ, xung huyết kết mạc. Bệnh nhân tới khám ở bệnh viện, nghi ngờ nhiễm virus Zika và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả dương tính với virus Zika.

Bệnh nhân này hiện đang mang thai, trước đó không có tiền sử đi du lịch hoặc tiếp xúc với người bệnh.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ 28 tuổi sống tại Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhân khởi phát với triệu chứng phát ban, kèm theo sốt, đau cơ, đau khớp.

Bệnh nhân 28 tuổi tới khám tại bệnh viện và được lấy mẫu chẩn đoán Zika cho kết quả dương tính. Trường hợp này cũng không có tiền sử đi du lịch, khu vực bệnh nhân sinh sống không có ai có biểu hiện như bệnh nhân.

Ngay sau khi Hệ thống giám sát ghi nhận hai trường hợp kể trên, Cục Y tế dự phòng đã chỉ đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế tỉnh Bình Dương triển điều tra ca bệnh và khai giám sát chặt chẽ những trường hợp nghi ngờ nơi bệnh nhân sinh sống và tại cộng đồng; phun hóa chất và diệt loăng quăng xung quanh hộ gia đình bệnh nhân theo quy trình.

Việt Nam là nước đã ghi nhận sự lưu hành virus Zika, trước đó đã ghi nhận ba trường hợp mắc bệnh này tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Phú Yên.

Sự kiện trong nước 3-9/10: WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam phát hiện thêm 2 trường hợp mới nhiễm virus Zika

Hợp long phiến dầm cuối cùng dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông
Phiến dầm cuối cùng trong tổng số 806 phiến của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13,05km đã chính thức Bộ Giao thông Vận tải được hợp long tại ga Văn Khê vào sáng 8/10.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC.

Dự án bao gồm các hạng mục xây dựng 13km đường sắt đi trên cao, 1,7km ra vào khu depot, đường sắt đôi khổ 1.435m, tốc độ tối đa 80km/giờ; trang bị 13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Dự án cũng bao gồm 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23ha.

Đánh giá sự cố gắng vượt bậc của Tổng thầu EPC và các bên liên quan, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, sự kiện hợp long đã đánh dấu mốc quan trọng hoàn thành lao lắp toàn bộ dầm, làm cơ sở cho lắp đặt thiết bị.

Từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành tất cả khối lượng nhà ga, đường dẫn, gầm cầu. Từ 1/1/2017, Tổng thầu Trung Quốc lắp đặt thiết bị, phấn đấu trong vòng sáu tháng để đến 1/7/2017 tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành chạy thử và cuối tháng Chín đưa vào khai thác thương mại.

Sự kiện trong nước 3-9/10: WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ảnh 8Phiến dầm cuối cùng trong tổng số 806 phiến của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được hợp long. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Xem thêm: Hợp long phiến dầm cuối cùng dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Đình bản báo Petrotimes 3 tháng, thu hồi Thẻ nhà báo của Tổng Biên tập
Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 3/10 đã ra Quyết định thu hồi thẻ nhà báo đối với ông Nguyễn Như Phong, Tổng Biên tập Báo Petrotimes và đình bản báo này 3 tháng.

Cụ thể, ở Quyết định số 1701/QĐ-BTTTT, cơ quan chức năng quyết định thu hồi Thẻ nhà báo mang số hiệu IBT 02523, thời hạn 2016-2020 của ông Nguyễn Như Phong vì ông đã bị cơ quan chủ quản xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức Tổng Biên tập Báo điện tử Petrotimes.

Báo điện tử Petrotimes có trách nhiệm thu hồi Thẻ nhà báo của ông Phong và nộp về cơ quan quản lý trước ngày 12/10/2016.

Cùng ngày, Quyết định 1702/QĐ-BTTTT cũng được ký với nội dung đình bản tạm thời Báo điện tử Petrotimes trong thời hạn 3 tháng vì Báo đã để xảy ra những sai phạm trong hoạt động báo chí, bị cơ quan chủ quản đề nghị tạm dừng hoạt động.

Sau khi hết thời hạn đình bản tạm thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục xuất bản Báo điện tử Petrotimes theo các quy định của pháp luật về báo chí.

Sự kiện trong nước 3-9/10: WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ảnh 9Ảnh chụp màn hình Báo Petrotimes chiều 3/10.

Xem thêm: Đình bản báo Petrotimes 3 tháng, thu hồi Thẻ nhà báo của Tổng Biên tập

Ứng trước 3.000 tỷ đồng bồi thường thiệt hại sự cố môi trường
Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ tối 4/10, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã ứng trước 3.000 tỷ đồng cho các tỉnh bồi thường thiệt hại sự cố môi trường.

Nói về việc hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường tại bốn tỉnh miền Trung, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết các tỉnh trên đã hoàn thành việc thống kê thiệt hại của người dân, hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Công tác thống kê được các địa phương tiến hành theo nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, dân chủ, đúng pháp luật và được công bố, công nhận trong cộng đồng.

Việc thống kê thiệt hại được tiến hành từ cấp thôn, với sự tham gia của chính quyền, đại diện đoàn thể, người dân và đại diện chức sắc tôn giáo cùng cấp. Sau đó kết quả thống kê sẽ được thẩm định tại cấp huyện, thẩm tra tại cấp tỉnh cùng với sự tham gia của các thành phần nêu trên và đến nay đã gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp.

Sự kiện trong nước 3-9/10: WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ảnh 10Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Ứng trước 3.000 tỷ đồng bồi thường thiệt hại sự cố môi trường

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục