Sự phục hồi kinh tế ở khu vực châu Âu vẫn đang bị đe dọa

Sự xuất hiện của vaccine mang lại tia hy vọng trong giới kinh tế-tài chính, những thất bại trong chiến dịch tiêm chủng vừa qua lại tích tụ do đó đang đặt nền kinh tế châu Âu vào hoàn cảnh bấp bênh.
Sự phục hồi kinh tế ở khu vực châu Âu vẫn đang bị đe dọa ảnh 1Biểu tượng đồng euro. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Làn sóng dịch COVID-19 thứ ba đang hoành hành ở hầu hết các quốc gia châu Âu và sự gia tăng của các biến thể trong chuỗi lây nhiễm đã buộc các quốc gia phải siết chặt kiểm soát trong nỗ lực kiềm chế dịch bệnh và không cản trở nền kinh tế.

Trong khi sự xuất hiện của vaccine đã mang lại một tia hy vọng trong giới kinh tế và tài chính, những thất bại trong chiến dịch tiêm chủng thời gian qua lại ngày càng tích tụ. Điều này đang đặt nền kinh tế châu Âu vào hoàn cảnh bấp bênh khi sự phục hồi còn rất mong manh.

Theo đánh giá của Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), các nhà điều hành châu Âu đang chơi trò "đu dây" với cuộc khủng hoảng y tế kéo dài. Mặc dù một số lĩnh vực và quốc gia nhất định có thể cầm cự được trong nửa đầu năm, nhiều lĩnh vực khác có nguy cơ ngày càng chìm sâu vào vực thẳm.

Tổng Giám đốc INSEE Jean-Luc Tavernier nhận định rằng bên cạnh những dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế, triển vọng việc làm cũng ngày càng u ám. Sự xuất hiện của virus biến thể tại Anh và sự suy giảm về triển vọng của ngành y tế đã gây thất vọng ở những ngành dễ bị tổn thương nhất. Ba trong số 10 doanh nghiệp cho rằng các biện pháp bảo về y tế làm ảnh hưởng đến năng suất và tăng trưởng tiềm năng của khối doanh nghiệp.

Mặc dù xuất hiện tại châu Âu từ hơn 1 năm qua, virus SARS-CoV-2 tiếp tục làm rung chuyển nền kinh tế châu Âu. Trong khi ngành công nghiệp và xây dựng có thể phát triển nhanh chóng, các dịch vụ trong lĩnh vực thương mại vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch này. Các ngành du lịch, vận tải hàng không, khách sạn và nhà hàng vẫn bị tổn hại sâu sắc bởi các đợt dịch bệnh khác nhau và các biện pháp giãn cách xã hội. Trong khi đó, các lĩnh vực khác như thương mại điện tử, công nghiệp dược phẩm, các nền tảng hậu cần lại "đắc lợi" từ căn bệnh truyền nhiễm toàn cầu.

Trong khi đó, sự phục hồi kinh tế thiếu đồng nhất cũng có nguy cơ làm suy giảm hy vọng tăng trưởng vững chắc. Các quốc gia Nam Âu (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp) vốn phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch vẫn là tuyến đầu gánh chịu hậu quả của đại dịch này.

[Làn sóng COVID-19 mới phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi của châu Âu]

Ngược lại, một số nước công nghiệp phát triển hơn như Đức đang được hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng sớm hơn của Trung Quốc và sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự tăng tốc của động cơ kinh tế Mỹ nhờ gói kích thích khổng lồ lên tới 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden vừa mới thông qua.

Theo nhà kinh tế Eric Dor, Giám đốc nghiên cứu tại Viện kinh tế khoa học và quản lý của Pháp (IESEG), kế hoạch phục hồi của châu Âu đã đạt được tiến bộ nhưng dường như vẫn chưa đủ so với Mỹ giữa kế hoạch phục hồi 1.900 tỷ USD và 3.000 tỷ USD dành riêng cho cơ sở hạ tầng. Do đó, khoảng cách giữa hai khu vực kinh tế có thể sẽ ngày càng rộng ra, đặc biệt là trong bối cảnh châu Âu bị chỉ trích gay gắt về tình trạng chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng. Trong khi đó, giới kinh tế Pháp mới đây cũng đã đề cập đến sự chênh lệch mạnh mẽ trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Trong một báo cáo vừa công bố, Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp nhận định: "Hoạt động của khu vực Eurozone sẽ trở lại mức trước khủng hoảng vào năm 2022, nhưng sự phục hồi sẽ không đồng nhất. Hoạt động ở Đức sẽ nhanh chóng phục hồi trong khi Tây Ban Nha và Itaty sẽ không trở lại mức trước khủng hoảng."

Vẫn theo nhận định của giới kinh tế khu vực, con đường áp dụng kế hoạch phục hồi kinh tế châu Âu vẫn còn nhiều cạm bẫy. Sau các cuộc đàm phán khó khăn giữa các quốc gia để thiết lập gói viện trợ và khoản vay trị giá 750 tỷ euro, tiến trình phê chuẩn khoản tiền này một lần nữa bị cản trở.

Theo tin AFP, vừa qua tòa án Đức ở Karlsruhe đã đình chỉ quá trình phê chuẩn nhà nước Đức do khiếu nại đối với cơ chế nợ chung chưa từng có và gây tranh cãi này. Trong "Lục địa Già," có khoảng 16 quốc gia đã phê chuẩn quyết định về các nguồn lực riêng, cụ thể là Croatia, Cộng hòa Cyprus, Slovenia, Bồ Đào Nha, Pháp, Bulgaria, Malta, Italy, Tây Ban Nha, Bỉ, Hy Lạp, Luxembourg, Latvia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch và Thụy Điển.

Giới kinh tế châu Âu cho rằng sự chậm trễ này có nguy cơ tiếp tục làm chậm quá trình thực hiện kế hoạch phục hồi 750 tỷ euro dưới hình thức cho vay và viện trợ không hoàn lại, vì virus vẫn tiếp tục lây lan mạnh ở châu Âu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế khu vực.

Sự phục hồi kinh tế ở khu vực châu Âu vẫn đang bị đe dọa ảnh 2Một nhà hàng tại Munich của Đức đóng cửa do lệnh phong tỏa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo thông cáo báo chí từ Tòa án Đức, chính cơ quan tối cao của nước này đã quyết định rằng văn bản luật không nên được giao phó cho nguyên thủ quốc gia phê duyệt.

Theo nhà kinh tế Eric Dor, quyết định của tòa án Đức đã chặn mọi "ngả đường" bởi về mặt pháp lý, việc áp dụng kế hoạch này phải được 27 quốc gia thành viên phê chuẩn. Ở Đức, chặng cuối cùng đã bị chặn.

Về phần mình, Ủy ban châu Âu "bị thuyết phục về tính hợp pháp của quyết định dựa trên nguồn lực của chính mình và Tòa án Hiến pháp Đức sẽ nhanh chóng đưa ra phán quyết về trường hợp áp dụng các biện pháp tạm thời. Mục tiêu của EU vẫn là "đảm bảo hoàn thành quy trình phê duyệt ở tất cả các quốc gia thành viên vào cuối quý 2 năm nay."

Đây không phải là lần đầu tiên tòa án Đức đình chỉ các thủ tục ngân sách hoặc tiền tệ ở cấp độ châu Âu. Vào mùa Xuân năm 2020, tòa án đã xử lý vấn đề về chính sách mua lại nợ công của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Chính sách nới lỏng định lượng (QE) hay chính sách nới lỏng định lượng được thực hiện từ năm 2015 tiếp tục gây chia rẽ rộng rãi các quốc gia châu Âu. Nhà kinh tế Eric Dor cho biết thêm: "Nhóm những người khiếu nại vẫn đến từ cùng một phe cánh hữu bảo thủ, thậm chí gần gũi với Đảng cực hữu AFD của Đức. Họ phản đối nguyên tắc đoàn kết và tương hỗ ở cấp độ châu Âu."

Về cấp độ chính trị, quyết định mới này của Tòa án Karlsruhe tạo ra một bước lùi đối với Thủ tướng Angela Merkel vài tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Nhà lãnh đạo Đức, người đã đưa dự án này lên tầm cỡ Liên minh châu Âu cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thấy mình đang ở tuyến đầu đối mặt với những chỉ trích của các quốc gia miền Nam đang chìm sâu hơn vào cuộc khủng hoảng bất tận. Từ quan điểm pháp lý, vụ việc này để lộ lỗ hổng pháp lý trong các hiệp ước châu Âu.

Nhà kinh tế Eric Dor kết luận: "Tất cả những trường hợp này đã làm lộ rõ xung đột về thẩm quyền giữa Tòa án Karlsruhe và Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu (CJEU)." Trong khi đó, số phận của kế hoạch phục hồi châu Âu nằm trong tay các trọng tài áo đỏ này. Và các vụ việc khác có thể tiếp tục xuất hiện nếu không tìm ra giải pháp lâu dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục