Sự ra đi của ông Boris Johnson chứng minh nước Anh chưa tê liệt

Có những đồn đoán rằng ông Johnson sẽ “chiến đấu” sau hàng loạt đơn từ chức bất thường và những lá thư bất tín nhiệm trong vài ngày qua. Song thực tế mọi chuyện đã khác.
Sự ra đi của ông Boris Johnson chứng minh nước Anh chưa tê liệt ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng aljazeera.com/eurasiareview.com đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo từ nhiệm, một quyết định quan trọng và trong trường hợp này càng đáng chú ý hơn.

Ông Johnson thực tế không hề “thất cử.” Tháng 12/2019, ông đã lãnh đạo Đảng Bảo thủ giành chiến thắng quyết đoán trong tổng tuyển cử. Chính phủ Bảo thủ có được thế đa số đáng kể tại Hạ viện, và vài tuần trước ông đã vượt qua dễ dàng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nội bộ đảng.

Tuy nhiên, ông Johnson đang đi ngược lại chiều gió. Từ việc có những món quà lớn nhất mà Hiến pháp Anh có thể “ban tặng” cho một thủ tướng - đa số đủ để giúp thông qua các dự luật tại Hạ viện và vị thế để thúc đẩy điều tương tự ở Thượng viện - ông Boris Johnson hiện chẳng khác nào một kẻ thất bại chính trị.

Việc ông quyết định từ chức cho thấy nhiều điều trong cả quyền lực và điểm yếu của vị trí thủ tướng.

[Hệ lụy với lạm phát từ cam kết giảm thuế của ứng viên Thủ tướng Anh]

Nhìn bên ngoài, văn phòng thủ tướng là nơi có sức mạnh to lớn. Về lý thuyết, thủ tướng và đảng của họ chỉ tuân thủ luật của các cuộc tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, kể từ năm 1974, các thủ tướng có xu hướng lên nắm quyền hoặc mất chức giữa các cuộc tổng tuyển cử - hoặc cả 2 với trường hợp của Theresa May và Boris Johnson.

Điều này là do ghế thủ tướng được chọn lựa phụ thuộc vào sự tín nhiệm của cả nội các và đa số nghị sỹ Quốc hội của chính đảng nắm thế đa số. Khi niềm tin không còn, các nhà lãnh đạo thường có xu hướng từ chức.

Việc các thành viên của đảng mất niềm tin có thể thể hiện qua nhiều cách ngoài lá phiếu tín nhiệm, chẳng hạn như lời kêu gọi bầu cử hoặc bằng cách từ chức và từ chối được bổ nhiệm.

Một thủ tướng có thể tìm cách phớt lờ những tín hiệu này, song tới cuối cùng họ sẽ phải đối mặt với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính thức của Quốc hội hoặc bị Nữ hoàng Elizabeth cách chức.

Có những đồn đoán rằng ông Johnson sẽ “chiến đấu” sau hàng loạt đơn từ chức bất thường và những lá thư bất tín nhiệm trong vài ngày qua. Song thực tế mọi chuyện đã khác.

Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nội bộ của Đảng Bảo thủ, Johnson nhận được 211 phiếu, hơn ngưỡng 180 cần thiết để giành chiến thắng.

Tuy nhiên, ông đã thua theo một nghĩa chính trị rộng lớn hơn, quan trọng hơn Johnson không thắng đủ để chấm dứt những câu hỏi về năng lực lãnh đạo đã đeo bám ông từ lâu.

Boris Johnson có thể là một trong những nhà vận động tốt nhất trong nền chính trị Anh, với khả năng thuyết phục cử tri bằng những khẩu hiệu đơn giản như “Hoàn tất Brexit,” song năng lực điều hành của ông lại yếu hơn nhiều. Nhiệm kỳ thủ tướng của ông đã phản ánh điều này, với hàng loạt vụ bê bối do buông lỏng quản lý và kỷ luật.

Lý do cho những rắc rối này chính là kỹ năng của ông Boris Johnson. Trong phần lớn cuộc khủng hoảng COVID-19, cách tiếp cận để giải quyết vấn đề của ông đa phần hỗn loạn và thiếu nhất quán, phản ánh một thực tế là phong cách của ông thiên về “bức tranh lớn” chứ không không tập trung vào chi tiết, trong khi phong cách sống lại không mấy phù hợp với các đòi hỏi của thời đại dịch.

Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Johnson sẽ lập luận rằng ông đã đạt được hai chiến thắng quan trọng.

Thứ nhất là chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử mang tính bước ngoặt vào năm 2019, khi Đảng Bảo thủ ít nhất cũng tạm thời đã vẽ lại bản đồ chính trị của Anh bằng cách giành được một số thành trì lâu đời của Công đảng, đặc biệt là ở Midlands và Bắc Anh.

Thứ hai, ông có công lớn trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit gây chia rẽ vào năm 2016 và sau đó đưa Anh rời khỏi EU vào năm 2020.

Đây là lý do tại sao di sản chính trị của Johnson có thể sẽ là đề tài gây tranh cãi trong nhiều năm tới. Dù đã đạt được những thành tựu lịch sử, bao gồm cả Brexit, quốc gia này chắc chắn sẽ bị chia rẽ nhiều hơn là đoàn kết bởi nhiệm kỳ thủ tướng gây tranh cãi của ông Boris Johnson.

Ông Boris Johnson có thể đã từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ nhưng những rắc rối của đảng cầm quyền ở Anh còn lâu mới kết thúc. Trong khi các nghị sỹ Đảng Bảo thủ phần lớn đồng tình rằng giờ là thời điểm thích hợp để Thủ tướng Johnson ra đi, chính đảng này đang rất chia rẽ về việc người kế nhiệm ông nên là ai.

Nhiều khả năng sẽ có những cuộc tranh luận gay gắt trong đảng những tuần tới, về cả việc liệu nước này có cần quay lại hướng tiếp cận áp mức thuế thấp theo kiểu Thatcher, một cách tiếp cận nhà nước quy mô hẹp hơn sau khi lựa chọn cách can thiệp kiểu ông Johnson với các khoản chi tiêu lớn, ảnh hưởng bởi tình hình khẩn cấp về y tế và kinh tế trong giai đoạn đại dịch hay không.

Sẽ có rất nhiều ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo của đảng và nhân vật sẽ ngồi vào ghế thủ tướng.

Các ứng cử viên đã được công bố bao gồm Tổng Chưởng lý Suella Braverman và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Tom Tugendhat, và dự kiến những cái tên khác như Ngoại trưởng Liz Truss; cựu Bộ trưởng Giáo dục Nadhim Zahawi, người vừa được Johnson bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính hôm 4/7; Bộ trưởng Thương mại Penny Mordaunt, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace và Bộ trưởng Tư pháp Dominic Raab.

Còn những ứng cử viên tiềm năng khác như cựu Bộ trưởng Y tế Sajid Javid và cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, những người bất ngờ từ chức hôm 4/7.

Nhiệm vụ quan trọng đối với việc tìm người thay thế ông Johnson sẽ là chấm dứt tình trạng tê liệt trong chính phủ bằng một tầm nhìn rõ ràng hậu Brexit trong quá trình hồi phục (hy vọng) sau đại dịch.

Thực tế này được nhấn mạnh trong một báo cáo quan trọng mà Ernst &Young công bố vào tháng trước, phân tích tâm lý nhà đầu tư trên khắp châu Âu và chỉ ra rằng Anh vẫn là một điểm đến đầu tư nước ngoài hàng đầu, dù niềm tin rất mong manh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục