Sự sống trên trái đất bắt đầu từ vũ trụ?

Kết quả phân tích các mẫu bụi của sao chổi Wild 2 đã củng cố giả thuyết rằng nhiều vật liệu tạo nên sự sống trên trái đất đến từ vũ trụ.
Theo một nghiên cứu mới được công bố của Cơ quan Hàng không-Vũ trụ Mỹ (NASA), dựa vào việc phân tích các mẫu bụi thu được từ sao chổi Wild 2, dường như sự sống trên trái đất đã bắt đầu từ trong vũ trụ.

Yếu tố glycine

Lần đầu tiên trong lịch sử, một yếu tố góp phần xây dựng nên protein và sự sống như chúng ta đã biết, được tìm thấy trên một sao chổi. Yếu tố này là axit amino có tên gọi glycine.

Theo một nghiên cứu vừa được công bố, các nhà khoa học ở Trung tâm chuyến bay vũ trụ Goddard thuộc NASA đã phát hiện glycine trong những mảnh sao chổi do thiết bị thăm dò Stardust mang về hồi năm 2006.

“Glycine là axit amino được các cơ thể sống sử dụng để tạo ra protein và đây là lần đầu tiên một axit amino được tìm thấy trong sao chổi”, Jamie Elsila, người lãnh đạo nhóm nghiên cứu nói trên cho biết.

Đây là thành quả mới nhất của thiết bị Stardust do NASA chế tạo. Thiết bị thăm dò này đã bay qua một đám mây bụi và mảnh vỡ ở phần đuôi sao chổi Wild 2, thu về hàng triệu mảnh nhỏ. Các mảnh vụn sau đó được đưa vào một khoang chứa đặc biệt và tách ra khỏi Stardust để trở về trái đất ngày 15/1/2006.

Chỉ vài tháng sau thời điểm trên, các nhà khoa học của NASA đã phát hiện ra glycine trong đó. Nhưng họ phải mất rất nhiều thời gian để chứng minh rằng glycine này xuất phát từ sao chổi chứ không phải do mẫu bụi đã bị nhiễm bẩn khi trở về trái đất.

Tiến sĩ Elsila và các cộng sự đã chứng minh được rằng trong thành phần glycine của sao chổi, các đồng vị carbon 13 có khối lượng nặng hơn so với glycine ở trái đất. Ngoài ra, họ cũng phát hiện một axit amino thứ hai là beta-alanine trong mẫu bụi. Tuy nhiên số lượng axit amino này quá nhỏ để có thể tiến hành các thí nghiệm xác nhận nguồn gốc của chúng.

Hành trình 3 tỷ dặm

Tàu thăm dò Stardust được tên lửa Delta đẩy lên vũ trụ ở mũi Canaveral, Florida (Mỹ) tháng 2/1999. Kể từ đó nó đã bay quanh mặt trời 3 vòng, vượt chặng đường dài khoảng 3 tỷ dặm trước khi gặp Wild 2, một sao chổi được nhà du hành Paul Wild phát hiện.

Tháng 1/2004, Stardust tiến sát sao chổi Wild 2. Con tàu đã đi xuyên qua phần đuôi sao chổi là một lớp mây đầy những hạt băng và bụi dày khoảng 5km. Sử dụng một lưới thu bụi đặc biệt làm bằng nhôm và aerogel, chất rắn siêu nhẹ gọi là “khói đóng băng”, Stardust đã thu được hàng triệu hạt bụi bay ra từ bề mặt sao chổi. Các hạt vật chất này có kích thước không quá 1mm, thậm chí có những hạt chỉ nhỏ bằng 1/1.000mm.

Do sao chổi là các tàn tích lạnh giá còn sót lại từ khi thái dương hệ ra đời cách đây 4,5 tỷ năm, người ta hy vọng nó có thể giải đáp về việc hình thành của hành tinh và các ngôi sao, cũng như những thắc mắc liên quan tới sự sống.

Năm 2006, một nhóm 170 nhà khoa học quốc tế đã phân tích những hạt bụi thu được từ sao chổi. Người ta thấy rằng chúng đã được hình thành ở những vị trí vũ trụ và thời kỳ khác nhau, thậm chí điều kiện hình thành cũng không giống nhau. Tính đa dạng của bụi sao chổi đã khiến các nhà khoa học hết sức ngạc nhiên.

Điều đặc biệt là trong các hạt bụi có một số loại hợp chất hữu cơ chứa nitơ. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy các chất như silicat, olivine, pyroxene, methylamine và cả ethylamine trong bụi sao chổi.

Sự sống ngoài hành tinh

Axit amino là các phân tử nhỏ mà khi kết hợp với nhau thành chuỗi sẽ tạo ra protein. Tất cả các loại protein đều được tạo nên từ các chuỗi 20 axit amino. Các protein “sản xuất” mọi thứ trên cơ thể sinh vật, từ râu tóc cho tới mắt, mũi, chân, tay.

Trong 4 thập kỷ qua, giới khoa học đã tìm thấy nhiều axit amino có nguồn ngốc ngoài hành tinh, chủ yếu lấy ở các mảnh thiên thạch. Gần đây, giới thiên văn học cho rằng các axit amino trôi nổi nhiều trong vũ trụ. Họ đưa ra tuyên bố này dựa vào việc nhận ra các mã màu của glycine ở những đám mây khí trôi nổi trong vũ trụ.

Việc tìm thấy glycine trong sao chổi Wild 2 đã củng cố cho một giả thuyết rằng, nhiều vật liệu tạo nên sự sống trên trái đất có nguồn gốc từ vũ trụ do các sao chổi hoặc thiên thạch mang tới.

“Khám phá của chúng tôi củng cố giả thuyết nói rằng, một vài thành phần của sự sống đã hiện diện trong không gian và được các thiên thạch hay sao chổi đưa đến trái đất từ rất lâu, sau những cuộc va chạm”, Elsila nói.

Điều này có nghĩa là những hành tinh khác cũng có thể được sao chổi gieo mầm sự sống và do đó nó tạo cơ sở vững chắc cho các hoạt động săn tìm sự sống ngoài hành tinh chúng ta./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục