Sửa đổi, bổ sung Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Thủ tướng ban hành Nghị định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định về tổ chức, hoạt động Quỹ đầu tư phát triển địa phương.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Theo Nghị định, Ủy ban Nhân dân tỉnh có trách nhiệm xây dựng đề án thành lập Quỹ đầu tư phát triển địa phương; tiếp đến, trình Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cấp, bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương; bố trí nguồn để cấp, bổ sung vốn cho Quỹ đầu tư phát triển địa phương theo phương án đã được Hội đồng Nhân dân cùng cấp phê duyệt.

Nghị định nêu rõ, đối tượng đầu tư trực tiếp được sửa đổi, bổ sung: đầu tư theo các hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinh doanh (BTO), hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT) và các hình thức đầu tư trực tiếp khác theo quy định của pháp luật đầu tư.

Đối tượng cho vay là các dự án đầu tư thuộc danh mục các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ưu tiên phát triển của địa phương đã được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ban hành. Đối với lãi suất cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương được xác định theo nguyên tắc không thấp hơn lãi suất huy động bình quân của các nguồn vốn huy động, đảm bảo bù đắp phí quản lý, các chi phí khác có liên quan đến hoạt động cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương và bảo toàn, phát triển nguồn vốn chủ sở hữu.

Nghị định cũng quy định rõ Quỹ đầu tư phát triển địa phương được làm đầu mối cho vay hợp vốn hoặc cùng hợp vốn với các Quỹ đầu tư phát triển địa phương khác, tổ chức tín dụng và tổ chức khác để cho vay dự án.

Bên cạnh đó, giới hạn đầu tư trực tiếp vào các dự án tối đa bằng 50% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương tại thời điểm thực hiện. Giới hạn cho vay đối với một dự án không được vượt quá 20% vốn chủ sở hữu của Quỹ tại thời điểm thực hiện và không vượt quá 80% tổng vốn đầu tư của dự án.

Trường hợp Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện đồng thời đầu tư trực tiếp và cho vay đối với một dự án thì tổng giới hạn đầu tư trực tiếp và cho vay không được vượt quá 30% vốn chủ sở hữu của Quỹ tại thời điểm thực hiện. Tổng mức dư nợ cho vay đối với một khách hàng của Quỹ đầu tư phát triển địa phương không được vượt quá 25% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Nghị định còn yêu cầu tối đa trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực (10/6/2013), các Quỹ đầu tư phát triển địa phương đang hoạt động phải rà soát sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị định này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục