Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 41, chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội c ho ý kiến về dự án Luật dược (sửa đổi).
Luật dược được ban hành đã đánh dấu một bước quan trọng trong hệ thống pháp luật về dược, là cơ sở pháp lý cao nhất thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về quản lý hoạt động dược.
Sau 10 năm thi hành, Luật dược đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về dược, bảo đảm quyền của người dân được tiếp cận sử dụng thuốc có chất lượng, hợp lý và an toàn với giá cả có thể chấp nhận được.
Việc ban hành Luật dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Dược Việt Nam phát triển và hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do thực tế nảy sinh, do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế, cần phải được nghiên cứu sửa đổi, cụ thể về chính sách của Nhà nước về lĩnh vực dược; quản lý giá thuốc; đăng ký thuốc; công tác dược lâm sàng; thử thuốc trên lâm sàng; kinh doanh thuốc; phát triển thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền...
Dự thảo Luật dược (sửa đổi) có 14 chương, 98 điều, tăng 25 điều và 3 chương so với Luật dược 2005.
Dự thảo tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung cơ bản về chính sách của Nhà nước về dược, phát triển công nghiệp dược, quản lý nhà nước về giá thuốc, kinh doanh dược, đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc và các nội dung liên quan đến bảo đảm chất lượng thuốc và việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả.
Ngoài các sửa đổi, bổ sung là các thay đổi cơ bản, nhiều điều khoản khác được sửa đổi nhằm quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn hoặc “luật hóa” các quy định chi tiết của văn bản hướng dẫn thi hành Luật dược 2005.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá việc sửa đổi Luật dược là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý và phù hợp với xu thế hội nhập.
Việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về dược sẽ góp phần giúp người dân tiếp cận thuận lợi hơn với nhiều loại thuốc chất lượng, giá hợp lý trong chăm sóc sức khỏe; tạo điều kiện phát triển một số lĩnh vực ưu tiên trong công nghiệp dược; khuyến khích kế thừa và phát triển thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền...
Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá dự án Luật dược (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10 sắp tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị đây là lần đầu dự án Luật được trình Quốc hội, Ban soạn thảo cần báo cáo tình trạng sản xuất thuốc của Việt Nam (cả đông y và tây y), làm rõ việc sửa đổi luật có đảm bảo để ngành dược Việt Nam phát triển bứt phá hay không...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Phan Xuân Dũng đánh giá dự án luật có liên quan tới rất nhiều đạo luật khác, vì vậy ban soạn thảo cần rà soát để có sự phù hợp trong hệ thống pháp luật. Đánh giá dược là nền kinh tế mũi nhọn, tiềm năng của Việt Nam về dược rất lớn, ban soạn thảo cần đề cập tới vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Đặc biệt quan tâm tới phát triển y học cổ truyền, vì đây là lĩnh vực mà đất nước ta có những tiềm năng lớn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị dự thảo cần nêu rõ về chính sách nhà nước về phát triển y học cổ truyền, có thể có một chương riêng về phát triển y học cổ truyền, trong đó có sự hình thành quy hoạch vùng nguyên liệu thuốc; đầu tư nghiên cứu khoa học về dược liệu cổ truyền - đại biểu Ksor Phước đề nghị.
Vấn đề này, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể về ưu tiên phát triển thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; nuôi trồng dược liệu làm thuốc, các quy định đặc thù nhằm sử dụng thuốc nam được thu hái và nuôi trồng tại Việt Nam; gìn giữ và nâng cao các bài thuốc gia truyền quý và bài thuốc do cơ sở y học cổ truyền sản xuất.
Các quy định về thử lâm sàng và đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền dân tộc cần công khai, minh bạch, tránh cơ chế xin cho, tạo điều kiện cho y học cổ truyền phát triển như cho phép lưu hành, không cần thử lâm sàng các bài thuốc cổ phương, thuốc cổ truyền đã sản xuất, lưu hành và sử dụng trên 10 năm có hiệu quả và không có khiếu nại về chất lượng của thuốc, các loại thuốc cổ truyền mới sử dụng, có chứng minh kết quả tốt trên số lượng bệnh nhân nhất định, ưu tiên đưa các dạng thuốc cổ truyền vào danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, bổ sung các quy định để kiểm soát chất lượng của thuốc cổ truyền...
Về thời hạn hiệu lực của Chứng chỉ hành nghề dược, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành như dự thảo Luật, theo đó khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật quy định chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn hiệu lực tối đa là 5 năm kể từ ngày cấp.
Tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự thảo cần quy định rõ để quy trình, thủ tục cấp chứng chỉ được đơn giản, thuận lợi.../.