Sức bật ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh

Với hàng loạt dự án đầu tư tầm cỡ, tiềm năng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng khẳng định là ngành quan trọng trong nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Đông Mai, Quảng Ninh, vào tháng 2/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Đông Mai, Quảng Ninh, vào tháng 2/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Được xác định là một trong ba trụ cột của kinh tế Quảng Ninh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh thời gian qua đã có những bước phát triển vững chắc, đóng góp tích cực vào mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại.

Quảng Ninh là một trong 7 địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Giai đoạn 2011-2020, ngành công nghiệp của tỉnh luôn duy trì trong tốp 10 địa phương đóng góp cao nhất trong tổng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp cả nước. Đến năm 2020 công nghiệp của tỉnh đóng góp khoảng 3,9% giá trị tăng thêm, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Trong giai đoạn này, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 13%/năm. Các nhóm ngành chính là sản phẩm dệt may - da giày; cơ khí và sản xuất kim loại; chế biến gỗ, giấy, lâm sản, có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đóng góp phần lớn vào xu hướng tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh…

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, Đảng bộ tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các chương trình, kế hoạch thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh.

Thông qua nhiều nguồn lực khác nhau, Quảng Ninh đã tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, đảm bảo thông thương hàng hóa. Trong đó, hạ tầng giao thông luôn được tỉnh xác định là then chốt của sự phát triển. Trong 3 năm qua, tỉnh đã hoàn thành hàng loạt các dự án giao thông động lực, như Hạ Long-Hải Phòng, Hạ Long-Vân Đồn, Vân Đồn-Móng Cái, đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả…, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Được tiếp sức để là trụ cột tăng trưởng bền vững, tỉnh không ngừng xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu kinh tế. Hiện Quảng Ninh đã xây dựng hoàn thiện 6 khu công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; từng bước tiến đến mục tiêu hoàn thiện 16 khu công nghiệp, 5 khu kinh tế theo Quy hoạch định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh phát triển các khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên sâu, giảm bớt khu công nghiệp tổng hợp, thu hút hàng trăm nhà đầu tư thứ cấp có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.

quang_ninh_khanh_thanh_du_an_hoan_thien_dong_bo_ha_tang_canh_quan_duong_bao_bien_ha_long-_cam_pha.jpg
Lễ khánh thành Dự án hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, cảnh quan đường bao biển Hạ Long- Cẩm Phả (giai đoạn 2). (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Đến nay tỉnh đã bắt đầu hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao tại khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà (giai đoạn 1); chuỗi công nghiệp sản xuất ô tô tại các khu công nghiệp Việt Hưng, Sông Khoai, Đông Mai, Bắc Tiền Phong (Quảng Yên); chuỗi công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử tại khu công nghiệp Đông Mai, khu công nghiệp Sông Khoai… với nhiều tập đoàn lớn có năng lực vào đầu tư, như TCL, Foxconn, Jinko Solar…

Để tạo yên tâm cho các nhà đầu tư, kêu gọi nguồn lực vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và các thủ tục hành chính trực tiếp tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, như đất đai, xây dựng, thuế, hải quan…; kịp thời đề xuất sửa đổi, hủy bỏ những quy định của pháp luật, thủ tục pháp lý còn bất cập để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai dự án… Đồng thời tỉnh xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình tiên phong, cách làm đột phá như trung tâm hành chính công các cấp, cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh, tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà đầu tư, mô hình "Cafe doanh nhân" và hội nghị gặp mặt doanh nghiệp... Qua đó chủ động trong việc tiếp cận, xúc tiến, tháo gỡ vướng mắc của các dự án lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thu hút có chọn lọc dự án FDI chất lượng cao vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Quảng Ninh đang là địa điểm đầu tư các dự án lớn của hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Với hàng loạt dự án tầm cỡ của các nhà đầu tư tên tuổi, tiềm năng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng khẳng định là ngành quan trọng trong nền kinh tế; là trụ cột, động lực chính tăng trưởng bền vững của tỉnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 1.100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đăng ký trên 175.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực ngoài các khu kinh tế, khu công nghiệp có 980 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 15.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho trên 75.800 lao động. Tại các khu kinh tế, khu công nghiệp có 118 dự án ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 160.000 tỷ đồng (82 dự án vốn FDI, tổng vốn đăng ký 4,213 tỷ USD; 36 dự án vốn đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký gần 60.300 tỷ đồng).

9 tháng năm 2023, có 15/21 ngành thuộc lĩnh vực ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tăng so với cùng kỳ năm 2022, tiêu biểu như ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng gần 240%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng gần 165%; ngành sản xuất thiết bị điện tăng hơn 112%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng gần 92%; ngành sản xuất trang phục tăng gần 40%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng gần 18%... Một số sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2023 cũng có mức tăng so cùng kỳ, như: Bia đóng chai tăng 25,7%; nước tinh khiết tăng 13,5%; bộ comlê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng gần 60%; tấm sàn Vinil Tines tăng 214,5%; tấm Silíc tăng 110,2%; vòng tay thông minh gần 850.000 cái...

Với những thành tựu bước đầu đã đạt được, trong giai đoạn mới, tỉnh đang tiếp tục đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ cao hơn trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Quảng Ninh phấn đấu từ nay đến 2025, mỗi năm thu hút khoảng 2 tỷ USD vào lĩnh vực ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo việc làm mới cho trên 20.000 lao động trở lên. Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu mỗi năm thu hút 3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho từ 30.000 lao động trở lên. Tỷ trọng đóng góp cho GRDP hằng năm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2025 khoảng 20%. Tốc độ tăng trưởng ngành ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hằng năm đạt 20% trở lên…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục