Sưu tầm và sử dụng các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn

Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng đề tài "Sưu tầm, biên dịch, đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc Thái y viện triều Nguyễn."

Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng đề tài "Sưu tầm, biên dịch, đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc Thái y viện triều Nguyễn." Đề tài do bác sỹ chuyên khoa II Đặng Thị Mai Hoa làm chủ nhiệm.

Mục tiêu của đề tài là sưu tầm các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn và liên quan bằng Hán Nôm và tiếng Việt; biên dịch một số tài liệu Hán Nôm về các bài thuốc đó ra tiếng Việt; đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc Thái y viện có tính khả khi, phù hợp với tình hình hiện nay.

Trong quá trình thực hiện, nhóm đề tài do bác sỹ chuyên khoa II Đặng Thị Mai Hoa làm chủ nhiệm đã tuyển chọn, biên dịch hơn 1.000 trang từ Hán Nôm tài liệu về bài thuốc Thái y viện triều Nguyễn và liên quan ra tiếng Việt; thống kê, phân loại các bài thuốc và đề xuất hướng sử dụng theo 15 chuyên đề, trong đó có 10 chuyên đề sử dụng bài thuốc cung đình và 5 chuyên đề sản xuất đặc sản cung đình. Có giá trị nhất là các tài liệu Châu bản triều Nguyễn Thái y viện về ngự dược và bản gốc sách thuốc ngự y triều Nguyễn.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Dung, việc sưu tầm, biên dịch và đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc Thái y viện triều Nguyễn là đề tài mang rất cần thiết, phù hợp với chủ trương kế thừa, phát huy y dược cổ truyền của Đảng, nhà nước hiện nay.

Nếu được kế thừa, phát huy các bài thuốc Thái y viện sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động y dược cổ truyền, làm đa dạng và đặc sắc văn hóa địa phương, phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới.

Cố đô Huế từng là vùng đất ngự y dưới triều Nguyễn, có nhiều lương y, lương dược giỏi chuyên bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc chữa bệnh phục vụ triều đình nhà Nguyễn. Kế thừa để phát huy truyền thống vùng đất ngự y, thời gian qua đội ngũ cán bộ y học cổ truyền Thừa Thiên-Huế đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm củng cố và phát triển y học cổ truyền trong khám chữa bệnh, kết hợp Tây y với y học cổ truyền...

Đến nay, Thừa Thiên-Huế đã có 9/9 trung tâm y tế thành lập khoa y học cổ truyền. Hầu hết các xã, phường đều đạt tiêu chuẩn tiên tiến về y học cổ truyền. Mỗi trạm y tế đều có 1 y sỹ y học cổ truyền.

Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh có 150 giường bệnh, hàng năm có khoảng trên dưới 10.000 lượt người đến khám bệnh, gần 2.500 bệnh nhân được điều trị nội trú./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục