Người ôn bài đăm chiêu, người thì cười đùa vui vẻ…, nhưng tâm trạng hồi hộp, lo lắng vẫn là điều dễ nhận thấy trên gương mặt những học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2012.
Lót dạ bằng xôi đỗ, đậu phụ... Mới 5 giờ 30 phút sáng, rất nhiều sỹ tử đã có mặt ở cổng trường Ngô Thì Nhậm (Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) để chuẩn bị cho “chặng vượt vũ môn” đầu tiên của kỳ thi cuối cấp. Cho dù, 6 giờ 30 phút mới là thời điểm khai mạc kỳ thi và 7 giờ 30, môn thi thứ nhất (ngữ văn) mới bắt đầu. Ngồi bên quán nước cạnh cổng trường, sỹ tử Nguyễn Hà An mở gói xôi ra ăn sáng. Cho dù thời tiết có phần dịu mát bởi cơn mưa kéo dài đêm qua, song để ăn hết gói xôi với An là cả một sự cố gắng. “Bữa ăn sáng của em thường phải có nước, nhưng hôm nay mẹ em ‘đặc cách’ mua xôi. Mẹ bảo, thứ nhất ăn xôi chắc dạ, thi cử đỡ phải… chạy ra ngoài, thứ hai mẹ chọn xôi đỗ để lấy may,” An nói. An bảo, với sức học của mình, em tin chắc có thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Thế nhưng, quan trọng là điểm phải cao thì mới được bằng giỏi. Do đó, em đã dồn rất nhiều tâm sức cho kỳ thi quan trọng đầu tiên. Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, hàng bán đồ ăn sáng trước cổng trường này tập trung khá đông các sỹ tử. Đa phần “thực khách” hôm nay chọn xôi đỗ và bánh bao.
Lót dạ bằng xôi đỗ, đậu phụ... Mới 5 giờ 30 phút sáng, rất nhiều sỹ tử đã có mặt ở cổng trường Ngô Thì Nhậm (Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) để chuẩn bị cho “chặng vượt vũ môn” đầu tiên của kỳ thi cuối cấp. Cho dù, 6 giờ 30 phút mới là thời điểm khai mạc kỳ thi và 7 giờ 30, môn thi thứ nhất (ngữ văn) mới bắt đầu. Ngồi bên quán nước cạnh cổng trường, sỹ tử Nguyễn Hà An mở gói xôi ra ăn sáng. Cho dù thời tiết có phần dịu mát bởi cơn mưa kéo dài đêm qua, song để ăn hết gói xôi với An là cả một sự cố gắng. “Bữa ăn sáng của em thường phải có nước, nhưng hôm nay mẹ em ‘đặc cách’ mua xôi. Mẹ bảo, thứ nhất ăn xôi chắc dạ, thi cử đỡ phải… chạy ra ngoài, thứ hai mẹ chọn xôi đỗ để lấy may,” An nói. An bảo, với sức học của mình, em tin chắc có thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Thế nhưng, quan trọng là điểm phải cao thì mới được bằng giỏi. Do đó, em đã dồn rất nhiều tâm sức cho kỳ thi quan trọng đầu tiên. Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, hàng bán đồ ăn sáng trước cổng trường này tập trung khá đông các sỹ tử. Đa phần “thực khách” hôm nay chọn xôi đỗ và bánh bao.
Hôm nay, bà chủ quán này bán được rất nhiều xôi đỗ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tại cổng trường Nguyễn Huệ (Hà Đông), các bậc phụ huynh và sỹ tử cũng mỗi người một vẻ. Bác Hòa, một phụ huynh gác việc đồng áng, lặn lội từ Mỹ Đức cho hay, bác đã lên Hà Đông được một tuần để chăm sóc cho cậu con trai duy nhất đang theo học tại đây suốt 3 năm qua. Bác cho hay: “Đây là kỳ thi rất quan trọng sau 12 năm học cật lực nên dù có bận mấy tôi cũng phải lên lo cho cháu, giúp cháu có sức khỏe để thi tốt.” Cũng theo phụ huynh này, cách đây 3 hôm, trong bữa ăn của cậu con trai lúc nào cũng có thêm món đậu phụ được chế biến theo nhiều cách cho từng bữa cơm khác nhau. “Tôi không mê tín và rất tin vào sức học của con nhưng món ấy cũng ngon và… sự may mắn thì ai cũng muốn,” bác Hòa cười vui. Tranh thủ “nạp” kiến thức Vào lúc 6 giờ sáng, tại một số trường trung học phổ thông ở Hà Nội như Nguyễn Tất Thành, Quang Trung, Nguyễn Trãi… các bạn học sinh đã tề tựu khá đông. Ở nhiều điểm trường tại khu vực Cầu Giấy, do trời còn mưa nhẹ nên các sỹ tử được bố mẹ ưu ái đưa đón bằng taxi. Từ các quán nước ven cổng trường vào tới sân trường và dọc dãy hành lang dọc phòng thi, các sỹ tử vẫn hăng say ôn bài. “Dù trước đó đã có kế hoạch ôn tập cụ thể nhưng giờ chúng mình vẫn cố tranh thủ thời gian xem lại bài một lần cuối cho vững tâm,” Thanh Hoa, trường Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ.
Thi thoảng vẫn có cảnh thí sinh đưa "phao thi" cho bạn bè. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cùng tâm trạng đó, Phan Anh, trường Trung học phổ thông Quang Trung cũng cho biết: “Mặc dù đã chuẩn bị trước về mặt tinh thần và không quá áp lực, lo lắng nhưng em vẫn thấy rất hồi hộp. Bởi thế, em muốn cố gắng tranh thủ từng phút để rà soát lại kiến thức trước khi chính thức bước vào kì thi.” Lục lại túi đồ dùng học tập, kiểm tra kỹ bút viết, thước kẻ… Phan Anh tâm sự: “Em đã chuẩn bị trước 10 chiếc bút bi cho ba ngày thi để đề phòng trường hợp lỡ đâu bút tắc mực hoặc có bạn nào thiếu thì cho mượn.” Khác với Hoa và Anh, Thu Trang, học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông Chuyên, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Em mới bắt đầu ôn các môn văn, sử, địa từ khoảng… một tháng trờ lại đây vì còn mải ôn thi những môn chính, phục vụ cho kỳ thi đại học sắp tới. Bây giờ, em cũng không có ý định đọc lại bài trước khi vào phòng thi bởi em thấy như thế là sự nhồi nhét rất căng thẳng...” Trang cho biết, không chỉ riêng mình em mà rất nhiều học sinh cùng trường cũng có suy nghĩ tương tự. Dù không bao quát được một cách chắc chắn toàn bộ khối kiến thức nhưng có lợi thế về các môn chuyên cũng như năng lực học tập nên hầu hết học sinh khối chuyên tỏ ra khá lạc quan. “Đối với các môn văn, sử, địa, em chỉ cần cố gắng đạt 5, 6 điểm. Còn lại, em sẽ cố gắng làm tốt ở các môn tự nhiên để kéo điểm lên. Quan trọng nhất lúc này là phải giữ để không bị ốm. Đó cũng là lý do mà em không đến Văn Miếu để... sờ đầu rùa cầu may cùng các bạn ngày hôm qua,” Trang vui vẻ nói./.
Nhóm PV (Vietnam+)