Tái cấu trúc "hàng hóa" để cứu niềm tin thị trường

Các phiên gần đây thị trường chứng khoán có một đợt tăng trưởng trở lại, tuy nhiên quan sát diễn biến của đợt hồi phục cho thấy vẫn còn tới phân nửa các mã chứng khoán vẫn chưa thoát ra khỏi mức giá giao dịch dưới mệnh giá.

Theo các chuyên gia muốn giữ chân các nhà đầu tư chuyên nghiệp đồng thời thúc đẩy thị trường chứng khoán thoát ra khỏi thời kỳ trầm lắng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức như hiện nay, cần phải có những giải pháp nâng cao chất lượng chứng khoán trên thị trường.
Các phiên gần đây thị trường chứng khoán có một đợt tăng trưởng trở lại, tuy nhiên quan sát diễn biến của đợt hồi phục cho thấy vẫn còn tới phân nửa các mã chứng khoán vẫn chưa thoát ra khỏi mức giá giao dịch dưới mệnh giá, trong đó có những mã bị đẩy giá xuống mức thê thảm trên, dưới 1.000 đồng/cổ phiếu như VKP, VES, VSG, CAD.

Theo các chuyên gia muốn giữ chân các nhà đầu tư chuyên nghiệp đồng thời thúc đẩy thị trường chứng khoán thoát ra khỏi thời kỳ trầm lắng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức như hiện nay, cần phải có những giải pháp nâng cao chất lượng chứng khoán trên thị trường.

Ám ảnh “rẻ đi cùng… chất lượng kém”


Mặc dù trên thị trường giá của phần lớn các mã cổ phiếu đều đang ở mức rất thấp, trong đó có tới một nửa trên tổng số chứng khoán hiện vẫn được giao dịch dưới mệnh giá. Song hầu hết các nhà đầu tư vận tỏ ra rất thận trọng và lo lắng về tính rủi ro của các mã cổ phiếu giá rẻ.

Anh Nguyễn Trọng Thắng, một nhà đầu tư tại Hà Nội nhấn mạnh, thị trường chứng khoán rất khó khăn và do đó tính chất đào thải cũng gia tăng.

“Nếu thực sự là công ty làm ăn tốt, có hiệu quả thì tại sao không thấy bóng dáng của các cá nhân trong Ban điều hành, Hội đồng quản trị của công ty, các cổ đông lớn hay thậm chí là cán bộ, nhân viên trong công ty... có phản ứng gì với việc cổ phiếu của họ bị đẩy bán với các mức giá ‘bèo’ như vậy,” anh Thắng nói.

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính (VAFI), hiện có một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm, nợ nhiều không trả được hoặc chỉ thanh toán ở mức tượng trưng, không trích lập dự phòng đầy đủ về giảm giá chứng khoán hay về tỷ giá, rồi có tình trạng định giá tài sản quá cao... Những doanh nghiệp này không đủ vốn pháp định niêm yết hoặc thậm chí mất hết vốn điều lệ nếu hạch toán đúng theo các chuẩn mực kiểm toán.

Đồng tình với những lo lắng trên, phó tổng giám đốc công ty chứng khoán một công ty phía Bắc cho rằng, các mã cổ phiếu hiện đang giao dịch dưới mệnh giá thì triển vọng và khả năng phục hồi là rất khó.

“Sức khỏe của hệ thống doanh nghiệp đang yếu dần, thêm vào đó có những doanh nghiệp đang bị các cổ đông lớn rút ruột thông qua các hoạt động vay vốn hoặc đầu tư dự án, trong khi cổ đông nhỏ lẻ lại không hề biết vốn của họ hiện đang đi về đâu. Có những cổ đông cầm cổ phiếu 3 năm nay vẫn không nhận được một đồng cổ tức,” vị phó tổng giám đốc trên nói.

Hành vi thao túng ngày càng tinh vi

Bên cạnh tình trạng kém chất lượng về nguồn hàng trên thị trường, nhà đầu tư còn tỏ ra thất vọng về năng lực quản trị của một số doanh nghiệp niêm yết. Hoạt động vi phạm cung cấp thông tin, tuân thủ các quy định trong Luật Chứng khoán, đảm bảo quyền lợi cổ đông thiểu số... vẫn chưa có dấu hiệu giảm trên thị trường.

Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, các vi phạm trên thị trường diễn ra ngày càng tinh vi hơn, phức tạp, đặc biệt là các vi phạm rất dễ nảy sinh trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn. Riêng trong năm 2011 vừa qua, Ủy ban đã xử lý tới 63 trường hợp vi phạm các quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng, chế độ báo cáo và công bố thông tin, 9 cá nhân có hành vi giao dịch giả tạo, thao túng thị trường, 47 trường hợp có hành vi thực hiện giao dịch chứng khoán không báo cáo của các cổ đông nội bộ công ty niêm yết...

Ngoài ra có 11 trường hợp vi phạm quy định về chế độ báo cáo và công bố thông tin của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Không chỉ có vậy, sự yếu kém về năng lực của một số các kiểm toán viên cũng đã làm dấy lên mối lo ngại trên thị trường, khi mà trong tháng Một vừa qua Ủy ban Chứng khoán cũng đã chính thức xử phạt hành chính đối với những kiểm toán viên với các lỗi như nhầm lẫn, sai sót, không ghi ý kiến về các sai phạm của đơn vị tại các Báo cáo tài chính kiểm toán.

VAFI cho rằng, lợi dụng những điểm yếu kém trên, các nhà đầu cơ đã thực hiện những hoạt động thao túng giá cả cổ phiếu và từ đó lôi kéo rất nhiều nhà đầu tư tham gia và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư chứng khoán.

Giải cứu bằng... chất lượng

Dưới góc độ là một nhà đầu tư, ông Phan Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Quỹ Dragon Capital đưa ra ý kiến, “Muốn phát triển thị trường cần phải cơ cấu lại, nâng chất lượng cổ phiếu trên thị trường. Còn về tài chính, theo quan điểm của chúng tôi lượng tiền trên thị trường vẫn còn.”

Để thu hút các nhà đầu tư tổ chức, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, ông Tuấn cho rằng, Chính phủ cần phải khẩn trường đưa vào thị trường các cổ phiếu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Chủ trương thị trường khởi sắc trở lại thì cần phải đưa ra các cổ phần có chất lượng tốt, như các công ty có vị thế, có kết quả kinh doanh cao, quản trị công ty tốt… hứa hẹn mang lại lợi ích hấp dẫn cho nhà đầu tư.

“Các vẫn đề kỹ thuật về tái cấu trúc thị trường đã được các cơ quan chức năng đưa ra, song có thực hiện được không và kết quả ra sao lại là vấn đề khác. Bởi về cơ bản của thị trường, anh không có sản phẩm có chất lượng thì các biện pháp thu hút dòng tiền đầu tư đều không có hiệu quả,” ông Tuấn khẳng định.

Đại diện Hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB), Tổng Thư ký Nguyễn Thanh Kỳ cũng đưa ra cảnh báo, cần phải kiểm soát và hạn chế hàng hóa mới đưa lên sàn. Giai đoạn này phải đưa ra các tiêu chí chọn lựa những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực lớn mới cho phép niêm yết. Bởi đưa lên thị trường nhiều cổ phiếu yếu sẽ gây pha loãng và ảnh hưởng đến tiềm lực của thị trường chứng khoán.

Về công tác thanh tra trên thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng chỉ rõ đây là một trong những công tác trọng tâm của Ủy ban trong năm 2012. Qua đó, Ủy ban sẽ tăng cường năng lực thanh tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo tinh thần mới của Luật Thanh tra.

Đối với các hoạt động thao túng thị trường và giao dịch nội gián, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho hay sẽ sớm nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp chính thức giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Bưu chính viễn thông, Bộ Công an để hợp tác và trao đổi thông tin nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân có hành vi giao dịch không công bằng, các tổ chức vi phạm hoạt động công bố thông tin… nhằm đảm bảo duy trì sự công bằng giữa các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục