Tái hiện nhiều lễ hội dân gian đặc sắc trong tuần lễ đại đoàn kết

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015 sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ ngày 15-23/11.
Tái hiện nhiều lễ hội dân gian đặc sắc trong tuần lễ đại đoàn kết ảnh 1Lễ hội Hết Chá đặc sắc của bà con dân tộc Thái. (Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN)

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015 sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ ngày 15-23/11.

Trong Tuần lễ này, ban tổ chức sẽ lần đầu tái hiện, giới thiệu đến công chúng nhiều lễ hội dân gian 3 miền độc đáo do chính đồng bào các dân tộc thực hiện. Trong đó, nổi bật nhất là lễ hội cúng biển Mỹ Long do các ngư dân Trà Vinh thực hiện.

Lễ hội cúng biển Mỹ Long (thị trấn Mỹ Long, Cầu Ngang, Trà Vinh) được tổ chức vào các ngày 10-12 tháng 5 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội mang đậm dấu ấn tâm linh của ngư dân vùng biển lớn nhất và lâu đời nhất (gần 100 năm) ở Nam Bộ.

Lễ hội cúng biển Mỹ Long từ lâu được xem là một trong những lễ hội quan trọng để thể hiện lòng thành của ngư dân trong vùng tạ ơn biển cả đã đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc. Thông qua lễ hội, người dân cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, lễ hội còn mang tính chất tạ ơn cá voi (cá ​Ông) mà ngư dân thường gọi là ông Nam Hải.

Chương trình lễ hội cúng biển Mỹ Long thông thường gồm các nghi thức như​ Giỗ Tiền chức, Nghinh Nam Hải, Tế Thần Nông và chiến s​ỹ trận vong, chánh tế Chúa Xứ, Hát rỗi, Nghinh ngũ phương và Tống tàu.

Lễ hội cúng biển Mỹ Long (thị trấn Mỹ Long, Cầu Ngang, Trà Vinh) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013.

Lễ Cầu mưa là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khơ Mú huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cũng được tái hiện trong Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm nay.

Lễ hội cầu mưa thường được đồng bào Khơ Mú tổ chức sau khi gieo hạt (tầm tháng 3 âm lịch) để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đây cũng là dịp để đồng bào có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe và được tham gia vào các điệu múa, câu hát cùng với những trò chơi dân gian truyền thống.

Để lễ cầu mưa diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống, đồng bào thường họp để thống nhất các khoản đóng góp lễ vật, cách thức tổ chức lễ hội.

Ngoài những đồ dâng lễ, các gia đình chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống của dân tộc để tham gia nghi lễ, các đạo cụ sử dụng trong các trò chơi.

Trước ngày lễ diễn ra các gia đình phải dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, bản làng. Lễ Cầu mưa cũng thể hiện tinh thần lạc quan của người đân, niềm tin vào cuộc sống, thiên nhiên, đề cao tính cô kết cộng đồng.

Đến từ vùng đất Đắk Lắk, đồng bào dân tộc M'Nông sẽ mang tới cho công chúng những nghi lễ trong lễ cúng mưa đầu mùa.

Theo quan niệm của người M'Nông, mưa đầu mùa là cơn mưa độc nên cần tổ chức lễ cúng cầu may, giải độc. Sau khi chọn được ngày tốt, già làng sẽ thông báo cho mọi người trong bon.

Lễ cúng được thực hiện trên một khuôn viên rộng. Mọi người tham gia đều phải mặc trang phục truyền thống để thể hiện sự trang trọng, thiêng liêng.

Lễ vật là những sản phẩm, thành quả lao động sản xuất của dân làng. Lễ vật đựng sẵn trong những chiếc gùi được các chàng trai, cô gái mang đến; già làng sẽ lần lượt nhận lấy và đặt vào trong nia.

Sau khi cúng xong, già làng cùng bà con uống rượu cần cảm ơn thần linh và cùng nhau gióng lên những hồi chiêng, cùng cất cao tiếng hát…

Lễ cưới hỏi cũng là một trong những nghi lễ quan trọng được đồng bào các dân tộc duy trì. Đối với thiếu nữ Thái đen thì nghi lễ Tẳng cẩu ​- lễ búi tóc ngược lên đỉnh đầu trong ngày cưới, là nghi lễ để lại nhiều dấu ấn.

Nghi lễ này đánh dấu sự trưởng thành của người con gái, chứng tỏ rằng người con gái đã có chồng.

Vì vậy, đây là nghi lễ quan trọng nhất trong phong tục cưới truyền thống của dân tộc Thái đen. Theo tục lệ, lễ "Tăng cẩu" được thực hiện ở gian gần bếp.

Đại diện phía nhà trai gội đầu, chải tóc và búi tóc cho cô dâu. Tóc được búi lên, cuộn lại bằng một dây xà tích bằng bạc và cài một chiếc trâm bạc.

Trong lúc búi tóc cho cô gái, đại diện hai nhà cùng uống rượu và hát đối đáp "khắp toóc," dặn dò đôi trai gái... Nghi lễ búi tóc ngược của sẽ được chính đồng bào dân tộc Thái tỉnh Điện Biên thực hiện tại Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” ...

Có 150 đồng bào các dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú (Điện Biên); dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên - Huế); dân tộc Chăm (Bình Định); dân tộc M’Nông (Đắk Lắk); dân tộc Sán Chay (Bắc Giang); dân tộc Kinh, dân tộc Hoa, dân tộc Khmer (Cần Thơ); dân tộc Kinh (Hà Nội)… sẽ tham gia các chương trình trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam.”

Lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” có chủ đề "Sắt son niềm tin" sẽ diễn ra tối 15/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục