Tại sao bất ổn lại thường xảy ra tại các thành phố giàu có?

Mạng tin asiatimes đưa tin trong năm 2019, biểu tình và bất ổn đã xảy ra tại 3 trong số nhưng thành phố giàu có nhất thế giới, đó là Paris, Santiago và Hong Kong.
Tại sao bất ổn lại thường xảy ra tại các thành phố giàu có? ảnh 1Người biểu tình bạo lực đốt phá trên đường phố tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 15/9/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Mạng tin asiatimes đưa tin trong năm 2019, biểu tình và bất ổn đã xảy ra tại 3 trong số nhưng thành phố giàu có nhất thế giới.

Paris phải đối mặt với làn sóng biểu tình và bạo loạn kể từ tháng 11/2018, ngay sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tăng thuế nhiên liệu.

Hong Kong đã bắt đầu xảy ra biến động kể từ tháng 3/2019, sau khi Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đề xuất một dự luật nhằm cho phép dẫn độ các nghị phạm sang Trung Quốc đại lục.

Và bạo động đã nổ ra ở Santiago trong tháng 10, sau khi Tổng thống Chile Sebastian Piñera ra lệnh tăng giá vé tàu điện ngầm.

[Hong Kong chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ gây tranh cãi]

Mỗi cuộc biểu tình đều có những nhân tố riêng mang tính địa phương, nhưng khi gộp chung lại, chúng cùng nói lên một câu chuyện lớn hơn về những điều có thể xảy ra khi người dân cảm thấy bất công, cùng với đó là nhận thức ngày càng phổ biến về sự dịch chuyển xã hội diễn ra yếu ớt.

Nếu dùng thước đo truyền thống là Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người, 3 thành phố nói trên đều được coi là nhưng hình mẫu của thành công kinh tế.

Thu nhập theo đầu người ở Hong Kong vào khoảng 40.000 USD, ở Paris là hơn 60.000 USD, và ở Santiago là khoảng 18.000 USD. Chile là một trong số những quốc gia giàu có nhất ở Mỹ Latinh.

Trong Báo cáo khả năng cạnh tranh toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Hong Kong xếp thứ 3, Pháp xếp thứ 15, và Chile xếp thứ 33 (vị trí tốt nhất ở khu vực Mỹ Latinh).

Tuy nhiên, mặc dù các quốc gia nói trên khá thịnh vượng và có tính cạnh tranh nếu xét theo những tiêu chuẩn truyền thống, song người dân ở ba nơi này lại không hài lòng với những lĩnh vực quan trọng trong đời sống của họ.

Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2019, công dân ở Hong Kong, Pháp và Chile đều cảm thấy cuộc sống của họ bế tắc.

Mỗi năm, tổ chức thăm dò dư luận Gallup Poll đều tiến hành khảo sát người dân trên khắp thế giới với câu hỏi rằng "Bạn hài lòng hay không hài lòng với quyền tự do được lựa chọn làm gì với cuộc sống của mình?"

Trong khi Hong Kong xếp thứ 9 trên thế giới về GDP theo đầu người, thì thành phố này đứng tận vị trí 66 trong bảng xếp hạng liên quan tới quan điểm của người dân về quyền tự do cá nhân được lựa chọn cuộc sống của mình.

Sự trái ngược này cũng xảy ra ở Pháp (xếp thứ 25 thế giới về GDP theo đầu người, nhưng xếp thứ 69 về quyền tự do được lựa chọn) và Chile (lần lượt xếp thứ 48 và 98).

Tại sao bất ổn lại thường xảy ra tại các thành phố giàu có? ảnh 2Cảnh sát phun hơi cay để giải tán đám đông người biểu tình quá khích tại đại lộ Champs Elysees ở thủ đô Paris, Pháp, ngày 14/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Điều trớ trêu là cả Quỹ Di sản và Đại học Simon Fraser đều xếp hạng Hong Kong là nơi có nhiều quyền tự do kinh tế nhất trên thế giới, tuy nhiên người dân Hong Kong lại tha thiết mong muốn được tự do quyết định làm gì với cuộc sống của chính mình.

Ở cả nơi nói trên, những thanh niên thành phố không được sinh ra trong gia đình khá giả cảm thấy tuyệt vọng vì không thể tìm được một căn nhà mà họ đủ khả năng chi trả và một công việc tử tế.

Tại Hong Kong, tương quan giữa giá bất động sản và tiền lương trung bình luôn ở mức cao nhất thế giới.

Chile là quốc gia có mức bất bình đẳng thu nhập cao nhất trong số các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - câu lạc bộ của các nước có thu nhập cao.

Ở Pháp, trẻ em của những gia đình tầng lớp trên có rất nhiều lợi thế trong cuộc sống.

Do giá nhà đất quá cao, phần lớn mọi người đều bị đẩy ra xa khỏi các quận kinh doanh trung tâm và phải phụ thuộc vào phương tiện cá nhân hoặc phương tiện công cộng để đi làm. Vì vậy, đa số người dân đều đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi của giá vé các phương tiện vận chuyển, như đã thấy khi các vụ biểu tình nổ ra ở Paris và Santiago.

Hong Kong, Pháp và Chile không phải là những nơi duy nhất phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về dịch chuyển xã hội và sự bất bình của người dân liên quan tới bất bình đẳng xã hội.

Mỹ đang chứng kiến tỷ lệ tự tử tăng cao và nhiều dấu hiệu khác của căng thẳng xã hội, ví dụ như các vụ xả súng, trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng cao chưa từng có và niềm tin của người dân vào chính phủ bị sụp đổ.

Mỹ chắc chắn sẽ còn thấy nhiều sự bùng nổ xã hội hơn nữa trong thời gian tới nếu chính phủ nước này tiếp tục thực hiện các chính sách chính trị và kinh tế như hiện nay.

Nếu muốn ngăn chặn kết quả đó, chúng ta phải rút ra được một số bài học từ 3 trường hợp gần đây của Hong Kong, Pháp và Chile. Cả ba chính quyền nói trên đều bị bất ngờ trước các cuộc biểu tình.

Do không nắm bắt được tâm tư của người dân, các chính quyền này đã không thể lường trước được rằng một hành động chính sách thông thường (dự luật dẫn độ ở Hong Kong, tăng giá nhiên liệu ở Pháp, và tăng giá vé tàu điện ngầm ở Chile) có thể châm ngòi cho một cuộc bùng nổ xã hội lớn.

Có thể điều quan trọng nhất, và cũng ít bất ngờ nhất, là các biện pháp kinh tế truyền thống đảm bảo cho sự thịnh vượng hoàn toàn không đủ để đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người dân.

GDP/đầu người dùng để đo thu nhập trung bình của một nền kinh tế, nhưng nó chẳng nói lên được điều gì về việc phân phối sự thịnh vượng của nền kinh tế đó, quan điểm của người dân về tính công bằng hay bất công, cảm giác dễ bị tổn thương về tài chính của người dân, hay những vấn đề khác (ví dụ như niềm tin vào chính phủ) - những vấn đề vốn dùng để đánh giá tổng thể về chất lượng của cuộc sống.

Và những bảng xếp hạng như Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Chỉ số về Tự do Kinh tế của Quỹ Di sản, và đánh giá Tự do Kinh tế Thế giới của Đại học Simon Fraser (Canada) cũng chẳng thể đánh giá được những cảm nhận chủ quan của người dân về sự công bằng, quyền tự do đưa ra những lựa chọn cuộc sống, tính thành thật của chính phủ, và tính đáng tin cậy của chính đồng bào mình.

Tại sao bất ổn lại thường xảy ra tại các thành phố giàu có? ảnh 3Đông đảo người dân Chile tuần hành tại Santiago, kêu gọi cải tổ mô hình phát triển kinh tế, cải thiện các chính sách an sinh xã hội, ngày 25/10/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Để nắm bắt được những tâm tư ấy, các chính phủ cần phải trực tiếp hỏi người dân rằng liệu họ có hài lòng với cuộc sống, về quyền cá nhân, có tin tưởng vào chính phủ và đồng bào hay không, và về những khía cạnh khác của đời sống xã hội vốn là những yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng cuộc sống.

Ý tưởng về phát triển bền vững, được phản ánh trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững mà các chính phủ trên thế giới thông qua năm 2015, là không chỉ dừng lại ở những chỉ số truyền thống như tăng trưởng GDP và thu nhập bình quân đầu người, mà còn tiến tới những mục tiêu lớn hơn, bao gồm công bằng xã hội, niềm tin, và sự bền vững của môi trường.

Điều này đòi hỏi mọi xã hội phải hiểu rõ được người dân của mình và lưu tâm tới những vấn đề gây ra sự nghi kỵ và khiến xã hội không hạnh phúc. Tăng trưởng kinh tế mà không có sự công bằng và môi trường bền vững sẽ là "công thức" dẫn tới bất ổn, chứ không phải thịnh vượng.

Chúng ta sẽ cần cung cấp thêm nhiều hơn nữa các dịch vụ công, tái phân bổ thêm thu nhập từ người giàu sang cho người nghèo, và đầu tư công nhiều hơn để đạt được một sự bền vững về môi trường.

Ngay cả những chính sách có vẻ như rất nhạy cảm như chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hay tăng giá vé tàu điện ngầm để bù đắt chi phí sẽ dẫn tới những biến động lớn nếu được thực hiện trong điều kiện sự tin tưởng của xã hội thấp, tình trạng bất bình đẳng lớn, và đa số người dân đều cảm thấy xã hội bất công./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục