Theo trang mạng lowyinstitute.org, một trong những yếu tố được bình luận nhiều nhất liên quan đến nỗ lực đón nhận Triều Tiên là sự thay đổi có thể xảy ra trong liên minh Mỹ-Hàn.
Có thể thấy rõ rằng Mỹ đang tập trung sát sao vào vấn đề vũ khí hạt nhân và tên lửa, tìm kiếm một thỏa thuận kiểm soát vũ khí chặt chẽ. Mỹ rõ ràng sẽ vui mừng nếu Triều Tiên được nới lỏng tự do, nhưng không ai ở Mỹ hay châu Âu hoặc Nhật Bản có vẻ thực sự tin rằng điều đó có thể xảy ra.
Mỹ dường như đã sẵn sàng chấp nhận đối phó với một Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên với bản chất của chế độ "ăn cướp, áp bức độc tài và phong kiến."
Trái lại, Hàn Quốc đang theo đuổi một nỗ lực giảm bớt căng thẳng lan rộng nhằm đưa Triều Tiên thoát khỏi thế bị cô lập. Thông qua sự tham gia và tương tác, suy nghĩ sẽ thay đổi, Triều Tiên sẽ kiềm chế và cải thiện hành vi của họ.
Các vụ đụng độ ở biên giới và những lời chỉ trích, cáo buộc sẽ giảm bớt khi Hàn Quốc chứng tỏ họ là một nước đối tác thân thiện của Triều Tiên chứ không phải là đối thủ.
Cách tiếp cận cởi mở này sẽ làm giảm bớt sự tập trung của Mỹ vào vấn đề vũ khí hạt nhân và tên lửa. Nếu Triều Tiên là một đối tác vì hòa bình và các mối quan hệ cải thiện, thì kho vũ khí hạt nhân của họ sẽ trở nên ít quan trọng hơn.
Phần lớn sự khác biệt trong cách tiếp cận này xuất phát từ ý thức hệ.
Moon Jae-in đến từ đảng Dân chủ Tự do cánh tả, lực lượng lâu nay vẫn ủng hộ việc giảm bớt căng thẳng và cam kết với Triều Tiên.
Cánh tả Hàn Quốc cho rằng sự thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên - ví dụ như liệt nước này vào cái gọi là "trục ma quỷ" - đã khiến Triều Tiên mắc bệnh hoang tưởng. Phe cánh tả ở Hàn Quốc cũng là lực lượng ủng hộ chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ.
['Triều Tiên vẫn đang tiếp tục nâng cấp cơ sở tên lửa tầm xa']
Không giống lực lượng cánh hữu, vốn tìm kiếm mối quan hệ tốt hơn với Nhật Bản và Mỹ, cánh tả lâu nay vẫn tuyên bố mập mờ về việc nước nào - Mỹ, Triều Tiên, hay Nhật Bản - là mối đe dọa lớn hơn đối với Hàn Quốc. Vì vậy, Triều Tiên vẫn được xem là một đối tác tiềm năng.
Về mặt chính trị, các chính phủ tự do đơn giản ít lo ngại về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Cánh tả Hàn Quốc không lo ngại hay cho rằng Triều Tiên sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chống Hàn Quốc, một người anh em của họ. Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là để ngăn chặn Mỹ và, sâu xa hơn là Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng có một lý do chiến lược giải thích cho việc Hàn Quốc ít quan tâm đến vũ khí hạt nhân, điều chưa được nghe hoặc không được nhắc đến trên báo chí không phải của Triều Tiên, đó là mối đe dọa từ Triều Tiên không thực sự mới với Hàn Quốc.
Tên lửa hạt nhân của Triều Tiên cho phép Bình Nhưỡng có thể tấn công nhiều quốc gia khác: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, và có thể xa hơn như Australia và châu Âu. Với những quốc gia này, mối đe dọa từ Triều Tiên là mới. Ngay cả các quan chức Australia cũng đã thảo luận về phòng thủ tên lửa tại nhiều hội nghị.
Ngược lại, Hàn Quốc đã sống dưới sự đe dọa trực tiếp của Triều Tiên trong nhiều thập kỷ. Vũ khí hạt nhân cộng với cấp độ năng lực hủy diệt gia tăng, đúng là như vậy. Nhưng Triều Tiên từ lâu đã có khả năng tiến hành tiêu diệt Hàn Quốc trên phạm vi rộng mà không cần vũ khí hạt nhân.
Bán đảo Triều Tiên khá nhỏ và mật độ dân số đông. Một số thành phố ở đây rất đông đúc. Hàn Quốc, trong một sai lầm chiến lược lớn, cũng đã đặt thủ đô của mình chỉ cách biên giới với Triều Tiên 30 dặm và đã cho phép mở rộng thành một đô thị khổng lồ trong nhiều thập kỷ tới, chiếm hơn một nửa dân số và giá trị kinh tế quốc gia. Ngay bây giờ, Triều Tiên thực sự đang giữ Seoul làm con tin bằng cách hướng hàng nghìn, có lẽ là hàng chục nghìn, đạn pháo và tên lửa nhắm vào đó.
Vì vậy, mặc dù Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược chống lại các thành phố của Hàn Quốc, Triều Tiên cũng đã có "khả năng phá hủy thành phố" khiến cho việc tăng cường năng lực hạt nhân của họ ít "kịch tính" hơn.
Tên lửa hạt nhân khiến cho việc chiếm giữ các thành phố ở phía Nam Hàn Quốc làm con tin trở nên dễ dàng hơn, như các báo bảo thủ ở Hàn Quốc thường chỉ ra.
Nhưng những thành phố này ngày càng ít quan trọng hơn do Hàn Quốc ngày càng tập trung khác thường vào Seoul - phát triển Seoul thành một thành phố-quốc gia như Singapore.
Tóm lại, sự thay đổi nhanh chóng trong mối đe dọa chiến lược từ một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân đối với Hàn Quốc nhỏ hơn đáng kể so với tất cả các quốc gia khác.
Đây có thể là lý do chính khiến Tổng thống Mỹ Trump đọa phát động chiến tranh với Triều Tiên cũng như sự kích động thái quá của Mỹ nói chung đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên hồi năm 2017.
Lục địa Mỹ bất ngờ bị quốc gia đáng sợ nhất thế giới có thể vươn tới được.
Tấn công trên đất liền Mỹ là một điều tương đối hiếm trong lịch sử chiến lược của Mỹ. Rất ít nước có khả năng vươn tầm ngắm tới lục địa Mỹ, và các cuộc tấn công trên lãnh thổ Mỹ là cực kỳ hiếm - sự kiện Trân Châu Cảng và vụ khủng bố ngày 9/11 là rõ nhất.
Cuối cùng, một lý do khác ít được đề cập, đặc biệt là là trong phe cánh tả ở Hàn Quốc, là hy vọng về việc vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ rơi vào tay một đất nước Triều Tiên thống nhất.
Nếu kế hoạch giảm căng thẳng và hòa giải của phe cánh tả ở Hàn Quốc có hiệu quả, nó có thể đạt tới mức cao nhất là một liên bang Triều Tiên với quy chế một quốc gia hai chế độ theo mô hình Trung Quốc và Hong Kong.
Tất nhiên, cánh tả Hàn Quốc đã bỏ qua những ý tưởng về một cấu trúc liên bang từ những năm 1970, và Triều Tiên cũng đã đề cập điều này. Nếu một liên bang như vậy được phát triển theo thời gian thành một Triều Tiên thực sự thống nhất, thì tài sản của hai miền Triều Tiên sẽ ngày càng được chia sẻ. Điều đó có nghĩa là một quốc gia Triều Tiên thống nhất sẽ kế thừa chương trình hạt nhân của miền Bắc.
Cứ cho là phe cánh tả Hàn Quốc không coi Triều Tiên là kẻ thù nhưng nuôi dưỡng sự thù hận sâu sắc đối với Nhật Bản và sự can thiệp của Mỹ vào cuộc sống ở Hàn Quốc, một đất nước Triều Tiên thống nhất và phi hạt nhân hóa sẽ là nền tảng lý tưởng để từ đó theo đuổi một chính sách đối ngoại trung lập, không liên kết sau khi thống nhất hai miền./.