Tái tạo mô tế bào mới

Tái tạo mô tế bào mới bằng các khối cầu sợi nano

Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học đã sử dụng các khối cầu sợi nano tiêm vào các tế bào bị tổn thương để hình thành mô mới.
Theo một nghiên cứu mới đăng trên trang mạng Nature Materials, lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học đã tạo ra một hợp chất cao phân tử hình sao phân hủy sinh học có thể tự tập hợp vào khối cầu sợi nano.

Khi các khối cầu này được tiêm vào các tế bào bị tổn thương, chúng sẽ phân hủy, tuy nhiên các tế bào lại sống để hình thành mô mới.

Trưởng nhóm tác giả nghiên cứu trên, giáo sư Peter Ma thuộc trường Đại học Răng Michigan cho biết việc phát triển khối cầu sợi nano này như một thực thể mang tế bào tái tạo môi trường phát triển tự nhiên của tế bào là một tiến bộ rất quan trọng trong việc cải tạo mô.

Giáo sư Peter Ma nói việc cải tạo mô rất khó khăn và thành công vô cùng hạn chế do thiếu mô hiến tặng.

Điều này sẽ đem lại hy vọng cho những người bị mắc các dạng tổn thương sụn mà cho đến nay vẫn chưa có những biện pháp chữa trị hiệu quả.

Việc này còn tạo ra một phương pháp hiệu quả hơn đối với ACI, phương pháp điều trị tổn thương sụn nơi các tế bào của người bệnh tiêm được trực tiếp vào máu. Chất lượng của việc cải tạo mô bằng kỹ thuật ACI không được tốt do các tế bào được tiêm vào máu phát triển không chắc chắn và không được thực thể mang tế bào hỗ trợ kích thích môi trường tự nhiên của chúng.

Thực thể mang tế bào có thể tiêm được có thể giúp bệnh nhân khỏe mạnh và giảm thiểu phẫu thuật.

Hình cầu sợi nano là một hệ thống sao chép sinh học và hỗ trợ các tế bào khi chúng phát triển và hình thành mô  sử dụng sợi nano có thể phân hủy được.

Giáo sư Peter Ma cho biết khối cầu này cho phép các dưỡng chất thâm nhập một cách dễ dàng đồng thời bắt chước các chức năng của bao bọc tế bào trong cơ thể. Hơn nữa các sợi nano trong khối cầu này không sinh ra nhiều tác dụng phụ có thể có hại cho các tế bào trên.

Khối cầu sợi nano này sẽ được kết hợp với các tế bào và sau đó được tiêm trực tiếp vào vết thương. Khi các khối cầu này thoái hóa tại vùng bị thương thì các tế bào mà chúng mang theo đã bắt đầu phát triển tốt vì khối cầu sợi nano tạo ra một môi trường để chúng phát triển tự nhiên.

Giáo sư Peter Ma cho biết thêm trong quá trình kiểm nghiệm, nhóm nano cải tạo đã phát triển các tế bào nhiều hơn gấp 3 đến 4 lần so với nhóm kiểm soát. Bước nghiên cứu tiếp theo nhằm tìm hiểu thực thể mang tế bào mới này hoạt động như thế nào trong cơ thể các loài động vật lớn hơn và thậm chí ở cả cơ thể người./.

Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục