"Taliban hiện đại hóa"

"Taliban đã thay đổi và ngày càng hiện đại hóa"

Trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan, nỗi sợ về sự trở lại của Taliban đang ngày càng lan rộng ở thủ đô Kabul.
Ngồi bắt chéo chân trên một chiếc thảm Afghanistan màu đỏ như máu trong một ngôi nhà nằm bên sườn đồi ở Kabul, người đàn ông râu ria xồm xoàm phóng tầm mắt nhìn ra thành phố, nơi ông ta từng là một trong những kẻ đáng sợ nhất tại đây.

Hiện nay, Maulavi Qalamuddin, một cựu thủ lĩnh của Taliban, người phụ trách đội cảnh sát văn hóa chuyên đánh đòn phụ nữ không mang mạng che mặt và bỏ tù đàn ông không râu, đang sống náu mình sau một ngôi nhà có cửa ra vào màu xanh lục.

Thành phố ông ta từng cai quản giờ không còn giống như giai đoạn Taliban còn nắm quyền, kéo dài từ năm 1996 cho tới khi bị Mỹ lật đổ theo sau vụ khủng bố 11/9.

Không xa trước cửa nhà ông này, phụ nữ đi giày cao gót và mặc quần jeans đang rảo bước trên các con phố phủ băng giá, tóc họ nằm dưới khăn đội đầu và các đường cong cơ thể bị áo khoác che đi, nhưng vẫn đủ khiêu khích để Qalamuddin nổi giận.

Các cô gái thì mang theo sách giáo khoa, được thực hiện quyền học hành vốn bị từ chối dưới thời Taliban. Khi đó phụ nữ chỉ được quyền ở nhà, hoặc mỗi khi ra đường, họ phải bọc trong một bộ quần áo màu xanh da trời che phủ toàn thân.

Qalamuddin, sống khá thoải phái trong một căn phòng sang trọng trải thảm, có lò sưởi và nói rằng bản thân ông ta cũng thay đổi.

Người đàn ông nhiều râu, đã 60 tuổi, trầm ngâm cho biết: "Taliban có khá nhiều thành tích, nhưng họ cũng mắc sai lầm."

Trong bối cảnh Washington và các đồng minh NATO chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan trong năm 2014, nỗi sợ về sự trở lại của Taliban đang lan rộng ở Kabul và các cơ quan tị nạn đang tiếp nhận ngày càng nhiều người muốn bỏ trốn ra nước ngoài.

Khi được hỏi liệu người dân có đúng không khi họ sợ hãi, Qalamuddin đã trả lời chắc nịch là "không."

Ông nói với AFP: "Người dân chẳng nên sợ hãi. Chỉ có một nhóm nhỏ người sợ hãi thôi và đó là những kẻ không thích luật Hồi giáo."

Qalamuddin từng ngồi tù hai năm sau khi Taliban sụp đổ, giờ là thành viên của Hội đồng Hòa bình Cao cấp của chính quyền Tổng thống Hamid Karzai lập ra để chấm dứt cuộc chiến chống phiến loạn do Taliban cầm đầu kéo dài cả thập kỷ.

Ông nói rằng, các sai lầm mà Taliban mắc phải khi cầm quyền là nguồn gốc của họ chỉ là những nông dân, hoặc các cựu chiến binh mujahideen giàu kinh nghiệm chiến trường, nhưng thiếu giáo dục.

Ông nói: "Tôi là một ví dụ. Tôi từng chẳng biết máy tính là gì. Nhưng giờ tôi đã biết khá nhiều về máy tính. Chiếc máy ghi âm này chẳng hạn, trước đây, nếu ai đó đặt trước mặt hẳn tôi đã rất sợ hãi."

Khi được hỏi liệu chiếc tivi nhỏ đặt ở góc nhà có phải là một bóng ma tới từ quá khứ, Qalamuddin trả lời rằng, trước đây TV bị cấm vì Taliban nghĩ rằng truyền hình chỉ chiếu "các bộ phim xấu." Giờ thì chính ông cũng thích xem các chương trình chính trị, xã hội, tin tức và đôi khi là giải trí.

Qalamuddin nói rằng, kể từ khi chính quyền Taliban sụp đổ, ông này không có mối liên hệ gì với họ. Tuy nhiên, đôi khi ông có gặp Taliban khi về quê nhà ở Logar, phía Nam Kabul và ông tin rằng, Taliban cũng chia sẻ quan điểm với mình rằng không phải thứ gì hiện đại cũng đều xấu xa.

Qalamuddin cho biết: "Giờ thì mọi thứ đều đã thay đổi. Tôi có thể nói rằng, quan điểm của họ đã thay đổi tới 80%."

Phong trào Taliban, nằm dưới sự lãnh đạo của Mullah Omar và bị cáo buộc đã che chở cho trùm khủng bố Osama bin Laden, đang thành lập một văn phòng chính trị ở Qatar để đàm phán với Washington.

Cộng với việc NATO đang rút dần lính chiến đấu, khả năng Taliban đóng vai trò mới trong chính quyền đang lớn dần và tạo nên những xáo trộn ở Kabul.

Một báo cáo của NATO công bố hồi tuần này nói rằng, "nhiều người Afghanistan đang căng người chờ đón sự trở lại khó tránh khỏi của Taliban."

NATO tin rằng, một phần trong chiến lược mới của Taliban là trở lại với một hình ảnh mềm mỏng hơn. Nhưng câu trả lời của Qalamuddin về nữ quyền đã cho thấy khó có nhiều sự thay đổi lớn sẽ diễn ra.

Qalamuddin nói: "Chúng tôi biết rõ về nhân quyền hơn các anh, bởi chúng tôi đã được Thượng đế chỉ dạy về nhân quyền. Chúng tôi tôn trọng quyền phụ nữ và hiểu rõ quyền ấy, nhưng chỉ trong khuôn khổ Hồi giáo."./.

Gia Bảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục