Tân Chủ tịch ECB hối thúc EU tăng cường đổi mới và đầu tư

Bà Christine Lagarde cho rằng chính sách tiền tệ "cực kỳ linh hoạt" của ECB sẽ đạt mục tiêu nhanh hơn với ít tác dụng phụ hơn nếu các nước thành viên Eurozone áp dụng chính sách tài khóa bổ trợ.
Tân Chủ tịch ECB hối thúc EU tăng cường đổi mới và đầu tư ảnh 1Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 22/11, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde hối thúc các nước Liên minh châu Âu (EU) "đổi mới và đầu tư" hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu.

Lời kêu gọi được đưa ra trong bài diễn văn chính sách đầu tiên của bà Lagarde trên cương vị Chủ tịch ECB.

Phát biểu tại hội nghị ở Frankfurt, Đức, tân Chủ tịch ECB cho rằng chính sách tiền tệ "cực kỳ linh hoạt" của ECB sẽ đạt mục tiêu nhanh hơn với ít tác dụng phụ hơn nếu các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) áp dụng chính sách tài khóa bổ trợ.

Theo bà Lagarde, nền kinh tế khu vực eurozone mới đây được dự báo tăng trưởng chỉ khoảng 1,1% trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng trước đó, trong bối cảnh căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị gia tăng.

[ECB: Lãi suất thấp đang gây ra xu hướng chấp nhận rủi ro quá mức]

Vì vậy, EU cần đột phá và đầu tư để ứng phó với những thách thức này, bảo toàn năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Bà kêu gọi tạo một cơ chế đầu tư "hiệu quả, số hóa và xanh hóa" hơn cho toàn bộ 19 quốc gia eurozone.

Bài diễn văn được cho là phản ánh quan điểm chính sách trong tương lai của người đứng đầu ECB đã được giới đầu tư đặc biệt trông chờ.

Hồi đầu tháng này, bà Lagarde chính thức tiếp quản ghế Chủ tịch ECB và trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của ngân hàng này.

Bà từng thể hiện quan điểm sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt đã được áp dụng dưới thời người tiền nhiệm Mario Draghi kết hợp các yếu tố như tín dụng lãi suất thấp, duy trì các mức lãi suất thấp kỷ lục, mua trái phiếu quy mô lớn để kích thích kinh tế và cải thiện tình trạng lạm phát thấp triền miên.

Cùng với đó, bà cũng sẽ phải thúc đẩy các hành động chống biến đổi khí hậu, bình đẳng giới và cải thiện hiệu quả tương tác của ECB.

Bà khẳng định sẽ triển khai chương trình "đánh giá chiến lược" các chính sách tiền tệ của ngân hàng.

Nhiệm kỳ của bà Largarde được đánh giá là không ít thách thức trong bối cảnh nền kinh tế eurozone nói riêng và toàn cầu nói chung đều đang có dấu hiệu chững lại, đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải có những chính sách cẩn trọng và phù hợp để tránh đẩy nền kinh tế vào suy thoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục