Những năm gần đây, tình trạng các hộ gia đình người Việt di cư về sinh sống trên địa bàn tỉnh Long An ngày càng nhiều. Họ trở về quê hương không giấy tờ tùy thân, sống tạm bợ dọc tuyến biên giới trong cái nghèo, cái khó. Trong số đó, có nhiều em nhỏ trong độ tuổi đến trường nhưng không có sổ hộ khẩu, giấy khai sinh để đi học ở các trường chính quy. Các em phải nương nhờ vào lớp học đặc biệt do các chiến sỹ bộ đội biên phòng mở ra để tìm kiếm “con chữ.”
Chúng tôi đến điểm trường Rạch Mây, Trường Tiểu học Tuyên Bình (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An) lúc 19 giờ, có hai phòng học vẫn sáng điện. Trong hai căn phòng đó, có 45 em đang theo học từ lớp Một đến lớp Năm do ba thầy giáo là các chiến sỹ biên phòng đứng lớp giảng dạy. Khi thấy sự xuất hiện của phóng viên, không ai nhắc nhở ai, tất cả các em đều đứng dậy khoanh tay: “Chúng con chào chú!”
Các em nhỏ đang theo học ở đây đều là con em của các hộ Việt kiều Campuchia đang sinh sống trên địa bàn xã. Bao nhiêu năm ở Biển Hồ (Campuchia), cuộc sống của các em là những ngày tháng lênh đênh trên mặt nước cùng cha mẹ đánh cá mưu sinh. Khi trở về quê hương, không có giấy tờ tùy thân, không có đất đai để sinh sống, gia đình các em phải sống tạm bợ trong các túp lều xập xệ trên các bãi đất trống ven những dòng kênh.
Trong khi cha mẹ phải đi làm thuê nay đây mai đó để kiếm sống, thì các em phụ giúp gia đình mưu sinh bằng nhiều nghề như bán vé số, lượm ve chai… Vì thế, nhiều em đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa hề biết đến một mặt chữ nào cho đến khi có lớp học phổ cập của cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Tuyên Bình mở ra.
Đến đây, các em được những người thầy giáo mang quân hàm xanh tận tình chỉ bảo, giúp các em biết được những “con chữ,” làm được những phép toán cơ bản đầu tiên. Em Ngô Văn Rinh, một học sinh trong lớp chia sẻ: “Mỗi ngày em đi bán 50 tờ vé số đem tiền về cho mẹ, đến tối mới vô đây học. Ở đây có nhiều bạn, các thầy cũng giúp dạy em biết đọc, biết viết nên em rất vui.”
Là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho các em, Binh nhì Huỳnh Hoàng Tam cho biết trong lớp có sự chênh lệch về độ tuổi rất lớn, có em đã 17 tuổi nhưng mới theo học chương trình lớp Một. Trong một phòng học thì có nhiều nhóm lớp nên phải chia riêng nhóm tập viết, nhóm tập đọc... Hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn phải phụ giúp cha mẹ kiếm sống nên bữa học bữa không, sĩ số lớp cũng thay đổi liên tục.
“Dù khó khăn như vậy nhưng tôi cũng cố gắng hết sức để truyền đạt kiến thức cho các em. Ngoài việc dạy các em biết đọc, biết viết, tôi còn dạy các em cách cư xử lễ phép với ông bà, người lớn, giúp các em nhận thức được tầm quan trọng của việc học,” thầy Tam chia sẻ.
Thiếu tá Đỗ Văn Long, Chính trị viên Đồn biên phòng Tuyên Bình cho biết do nhận thấy cuộc sống của những hộ dân Việt kiều Campuchia về sinh sống trên địa bàn còn khó khăn cả về đời sống vật chất và tinh thần, trẻ em trong độ tuổi đều không được đến trường, nên từ tháng 3/2012, Đồn biên phòng Tuyên Bình đã thống nhất với địa phương và Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Vĩnh Hưng mở lớp phổ cập giáo dục tiểu học cho con em các hộ dân nói trên.
Chương trình học do Phòng Giáo dục và đào tạo hướng dẫn, thầy giáo đứng lớp lựa chọn trong số các chiến sỹ của đơn vị. Lớp học được tổ chức thường xuyên vào các buổi tối trong tuần vì ban ngày con trẻ còn phải phụ giúp gia đình kiếm sống. Sau một thời gian tổ chức, lớp học đã đạt một số kết quả đáng phấn khởi, các cháu đã biết đọc, biết viết, biết cư xử trong đời sống cộng đồng. Qua đó góp phần ổn định tình hình trên địa bàn. Cũng qua lớp học này, các tầng lớp nhân dân đã biết đến và đồng tình ủng hộ Bộ đội biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc.
Tại xã Hưng Điền A (huyện Vĩnh Hưng), nơi có Đồn Biên phòng Bến Phố đóng quân, vì có ba mặt giáp với nước bạn Campuchia nên số hộ dân Việt kiều trở về sinh sống rất đông. Các chiến sỹ Đồn Bến Phố cũng tổ chức hai lớp học cho các trẻ em Việt kiều với 19 em tham gia học hai buổi sáng, chiều. Hoàn cảnh của các em trong lớp học này cũng khó khăn như các bạn ở xã Tuyên Bình, gia đình phải sống tạm bợ bên bờ kênh, cha mẹ phải lặn lội đi kiếm con tôm, con cá để sống qua ngày. Cái khác là các em học được chung điểm trường với các bạn khác ở Trường tiểu học Hưng Điền A, cũng được mang đồng phục quần tây áo trắng.
Binh nhì Nguyễn Văn Linh được Ban chỉ huy Đồn biên phòng Bến Phố giao nhiệm vụ dạy cho các em Việt kiều có hoàn cảnh khó khăn. Người Đảng viên trẻ có khuôn mặt hiền hậu mỗi ngày hai buổi đạp xe từ đơn vị đến điểm dạy học gần 5km, trên đường còn tiện thể đón thêm mấy em học sinh theo học. Dù đường xa khó khăn, nhưng với tình thương của một người lính, nhận thức được vai trò của một người thầy và thấy được tinh thần cố gắng vượt khó học tập của các em là động lực giúp Linh mỗi ngày miệt mài đứng trên bục giảng.
Binh nhì Nguyễn Văn Linh tâm sự: “Là một người lính chưa từng qua trường lớp sư phạm nên thời gian đầu đứng trên bục giảng tôi còn khá bỡ ngỡ. Nhưng khi được các em gọi là thầy, thấy các em cũng hăng say, nhiệt tình học tập nên tôi cũng cố gắng hết mình để dạy dỗ các em biết đọc, biết viết. Bên cạnh đó, trong quá trình đứng lớp cũng nhận được sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo Trường Tiểu học Hưng Điền A về soạn giáo án, phương pháp giảng dạy nên tôi đã càng ngày càng thuần thục. Đến nay, phần lớn các em đã biết đọc, biết viết, một số em học rất giỏi.”
Giữa cái nắng chang chang trên miền biên giới, trong căn phòng nhỏ bé, oi bức, tiếng đọc bài của các em nhỏ vẫn vang lên rộn ràng. Người thầy giáo mang quân hàm xanh vẫn miệt mài chỉ dạy cho các em học sinh từng “con chữ.” Em Nguyễn Thị Hằng, một học sinh trong lớp cho biết: “Nhà con rất nghèo, con không được đi học. Nhờ mấy chú bộ đội giúp cho con được đi học, được biết chữ nên con rất vui. Con không phụ lòng mấy chú bộ đội và cha mẹ đâu.”
Lớp học phổ cập của cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng không chỉ giúp cho các em Việt kiều Campuchia biết đọc, biết viết, cho các em niềm hy vọng mà qua đó, còn thể hiện rõ những bản chất tốt đẹp của người lính, luôn đồng hành, sát cánh cùng nhân dân./.