Tăng 336 dòng thuế ưu đãi nhập khẩu của Việt Nam

Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng 336 dòng thuế so với danh mục biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành của Việt Nam so với trước đó.
Từ ngày 13 đến 15/12, tại Đồng Nai, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị giới thiệu danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2011, các biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi và hướng dẫn thi hành Luật thuế bảo vệ môi trường cho đại diện 400 doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các Cục Hải quan từ Đà Nẵng đến Cà Mau.

Tổng cục Hải quan cho biết danh mục biểu thuế năm 2012 gồm có trên 9.500 dòng thuế.

Với số lượng dòng thuế này, Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng trên 1.200 dòng thuế so với danh mục hàng hóa của các nước ASEAN năm 2007 và tăng 336 dòng thuế so với danh mục biểu thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành của Việt Nam so với trước đó.

Trong đó, biểu thuế xuất khẩu và biểu thuế nhập khẩu ưu đãi 2012 có một số thay đổi chính so với năm 2011 như thay đổi về mã số hàng hóa theo 8 chữ số (trước đây là 10 chữ số), bổ sung một số phân nhóm mới, mặt hàng mới quan trọng trong thương mại quốc tế; định danh các loại hóa chất, chất bảo vệ thực vật, các chất làm suy giảm tầng ozone, đồng thời xóa bỏ hơn 40 phân nhóm có kim ngạch nhập khẩu thấp.

Đối với Biểu thuế xuất khẩu có sự thay đổi về danh mục và thuế suất so với năm 2011. Riêng về thuế suất, đa số các mặt hàng trong Biểu thuế xuất khẩu đều được giữ nguyên mức thuế suất thuế xuất khẩu năm 2011. Có sửa đổi thuế suất của 24 nhóm mặt hàng “phế liệu và mảnh vụn của kim loại” theo cam kết WTO năm 2012.

Đối với Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, về thuế suất đã giảm thuế để thực hiện cam kết WTO năm 2012. Trong tổng số 9.558 dòng thuế của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2012 có 945 dòng thuế phải cắt giảm theo lộ trình cam kết WTO năm 2012.

Mặt khác, thuế nhập khẩu ưu đãi cũng điều chỉnh tăng 157 dòng thuế đối với các mặt hàng được điều chỉnh tăng thuế để bảo hộ sản xuất, hạn chế nhập siêu theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu, nằm ngoài danh mục Nhà nước quản lý để bình ổn giá hoặc thuộc danh mục thiết bị, máy móc, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất nhập khẩu cũng đã được các cán bộ hải quan, Bộ Tài chính trao đổi, giải đáp những thắc mắc đối với những thay đổi trong các danh mục hàng hóa chịu thuế, đặc biệt là những loại hàng hóa có khả năng gây ảnh hưởng cho môi trường./.

Sỹ Tuyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục