Tăng cường phối hợp giữa Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Quốc phòng

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã ký Quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan.

Chiều 10/12, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và giáo sư-tiến sỹ Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã ký Quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan.

Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, cơ chế và trách nhiệm phối hợp công tác giữa Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Quốc phòng trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoạch định các chủ trương, chính sách, các chiến lược, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Theo quy chế, Ban Kinh tế Trung ương và các vụ, đơn vị thuộc Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng tăng cường phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội; chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng phục vụ quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hai bên phối hợp thẩm định các đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; các đề án quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Hai cơ quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội; sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội.

Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Quốc phòng thường xuyên trao đổi thông tin và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên; trao đổi thông tin về hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý; phối hợp trong công tác nghiên cứu, lý luận về phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã thông báo tình hình thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên các mặt công tác.

Bộ trưởng nhấn mạnh việc ký Quy chế phối hợp sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật; tham mưu, kiến nghị những vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế kết hợp với quốc phòng-an ninh; quốc phòng-an ninh với kinh tế; cung cấp, trao đổi thông tin, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.

Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai nghiêm túc Quy chế phối hợp; định kỳ cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Quy chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để việc thực hiện Quy chế ngày càng có hiệu quả, thiết thực.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nêu rõ trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh và quốc phòng-an ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội bảo đảm lợi ích quốc gia càng trở nên quan trọng và cấp thiết.

Trong thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Bộ Quốc phòng giúp Ban trong việc xây dựng các chủ trương, đường lối tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư có thêm cơ chế, chính sách để phát huy mạnh mẽ hơn nữa thế mạnh của Quân đội Việt Nam trong việc là nòng cốt góp phần xây dựng kinh tế, xây dựng hệ thống các khu kinh tế-quốc phòng; cải thiện đời sống nhân dân trên các địa bàn biên giới, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, tạo lập thế trận lòng dân ở những vùng hiểm yếu, địa bàn chiến lược, "phên dậu" của Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục