Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Liên bang, Quốc hội Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matvienko, sáng 22/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Tăng cường quan hệ đối tác giữa các địa phương Việt Nam và Liên bang Nga."
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hội đồng Liên bang, Quốc hội Liên bang Nga Ivanovna Matvienko dự, phát biểu khai mạc.
Đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành liên quan, lãnh đạo 12 địa phương tiêu biểu của Việt Nam có các hoạt động hợp tác với Liên bang Nga (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu) đã tham dự.
Tham dự tọa đàm có 7 địa phương của Liên bang Nga (nước Cộng hòa Dagestan, nước Cộng hòa Bắc Osetia-Alania, vùng Primorie, tỉnh Ivanovo, tỉnh Irkutsk, tỉnh Orenburg, khu tự trị Nenetski), các cơ quan đại diện ngoại giao-kinh tế của Nga và Hiệp hội doanh nghiệp Nga tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga nhất trí đánh giá cao vai trò quan trọng giữa các địa phương trong tổng thể mối Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Nhiều vùng lãnh thổ của Liên bang Nga và các tỉnh, thành phố Việt Nam đều có vị trí địa lý chính trị, an ninh, kinh tế quan trọng đã và đang phát triển về mọi mặt. Các địa phương của hai nước đã có mối quan hệ hợp tác kết nghĩa từ lâu, đồng thời có nhiều tiềm năng để phát triển nhất là thu hút đầu tư, trao đổi thương mại, du lịch, giao lưu văn hóa…
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga cho rằng là người đại biểu nhân dân, đại diện của cử tri, nhân dân ở các địa phương, các nghị sỹ, đại biểu Quốc hội cần nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu để khơi thông những ách tắc, rào cản cho sự hợp tác giữa địa phương với nhau.
Tọa đàm chính là cơ hội tốt để trao đổi về thực trạng và triển vọng hợp tác, đề ra các giải pháp nhằm tăng cường, phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Liên bang Nga. Mối quan hệ trực tiếp giữa các địa phương hai nước đóng vai trò quan trọng của mối quan hệ song phương giữa hai đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định kết quả của cuộc tọa đàm sẽ được chuyển tải đến các cơ quan hữu quan của mỗi nước, để nghiên cứu, giải quyết nhằm làm cho hợp tác giữa các địa phương của hai nước sôi động và bền chặt hơn nữa. Quốc hội Việt Nam cam kết sẽ làm hết mình để tạo điều kiện và môi trường pháp lý thuận lợi nhất, ủng hộ các, bộ, ngành, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp của hai nước thúc đẩy quan hệ hợp tác trong tất cả các lĩnh vực.
Bà Ivanovna Matvienko nhấn mạnh Việt Nam luôn là một trong những nước châu Á-Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng GDP cao. Điều này giúp tạo cơ hội rất lớn để Nga và Việt Nam tiếp tục mở rộng thêm hợp tác song phương.
Với những tiềm năng, thế mạnh chưa khai thác hết, hai bên đang nỗ lực phấn đấu đạt kim ngạch thương mại song phương 10 tỷ USD vào năm 2020 để tương xứng với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang, Quốc hội Liên bang Nga cho biết năm 2016, sau khi Quốc hội hai nước phê chuẩn, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam đã có hiệu lực.
Đánh giá cao việc Việt Nam là nước đầu tiên ký kết hiệp định này, bà Ivanovna Matvienko nhận định đây là hiệp định rất quan trọng, tạo cơ hội rộng rãi để Việt Nam và Nga mở rộng quan hệ hợp tác thương mại bởi Liên minh Kinh tế Á-Âu, bao gồm 5 nước có quy mô GDP lớn với dân số 190 triệu dân, là một thị trường đầy tiềm năng...
Tại tọa đàm, hai bên nhất trí cho rằng thời gian qua, quan hệ Việt-Nga phát triển tốt đẹp, đa dạng và hiệu quả; trong đó đáng chú ý là hợp tác cấp độ địa phương ngày càng trở nên sôi động, điển hình là các cặp quan hệ: Hà Nội/Moskva, Thành phố Hồ Chí Minh/Saint Petersburg và Moskva, Đà Nẵng/Yaroslavl, Khánh Hòa/Khabarovsk, Nghệ An/Ulianop, Bà Rịa-Vũng Tàu/Nenetski...
Đây là sự hợp tác bắt nguồn từ sự gắn bó, tình đoàn kết truyền thống giữa nhân dân hai nước, cũng là xuất phát từ nhu cầu hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển, đồng thời qua đó đóng góp không nhỏ vào sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga.
Hai bên cho rằng trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu đã có hiệu lực, thời gian tới cần tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư còn rất nhiều tiềm năng giữa hai nước (kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,7 tỷ USD/năm 2016 và tổng số vốn đăng ký FDI của Nga tại Việt Nam là khoảng 1,1 tỷ USD với 118 dự án, đứng thứ 23/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam); tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư hai nước thâm nhập vào thị trường của nhau, nhất là trong những lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu.
Hai bên bày tỏ vui mừng và đánh giá cao việc nhiều dự án hợp tác lớn, tiên phong giữa các địa phương đang được triển khai và hoạt động hiệu quả như dự án Trung tâm Văn hóa-Thương mại Hà Nội tại Moskva; dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa của TH-True Milk tại ngoại ô Moskva, các dự án trong lĩnh vực du lịch, khách sạn của doanh nghiệp Nga tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Để thúc đẩy đầu tư của Việt Nam tại Nga, phía Nga đã mời các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đến dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại Vladivostok vào tháng 9/2017. Bên cạnh đó, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giao lưu văn hóa-du lịch và giáo dục-đào tạo, qua đó tạo cơ sở gắn kết và tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa hai nước, hai dân tộc.
Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí xác lập cơ chế Nhóm công tác địa phương với sự tham gia của các địa phương hai bên, có thể tổ chức họp định kỳ luân phiên tại hai nước dưới sự điều phối của hai Đại sứ quán nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác địa phương ngày càng thiết thực, hiệu quả, qua đó góp phần tăng cường và củng cố Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga trong thời gian tới./.