Tăng cường quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã bộc lộ những vướng mắc, một số nội dung chưa theo kịp với tình hình phát triển KT-XH.
Tăng cường quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự ảnh 1Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 26/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, một số nội dung chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Một số nội dung quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân tại Pháp lệnh không phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Thực tiễn đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng một đạo luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Từ năm 1995 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, quan điểm về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân. Chủ trương này cần được tiếp tục thể chế hóa đầy đủ để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức thực hiện, trong đó có việc hoàn thiện pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết việc xây dựng Luật nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.

[Lập Quỹ Phòng thủ dân sự: 'Không để nước đến chân, nhảy không kịp']

Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các chương trình đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế-xã hội, hạn chế đầu tư nước ngoài; chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo việc xây dựng luật là tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới.

Bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với Luật Quốc phòng và các luật có liên quan; nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; kết hợp hài hòa giữa hoạt động quản lý, bảo vệ với phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhằm củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng trong quá trình phát triển của đất nước.

Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều. Nội dung của Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28/2/2022.

Bốn nhóm chính sách gồm: hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự; chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự; chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ về cơ bản, các nội dung quy định tại dự thảo Luật bảo đảm phù hợp, thống nhất và không trái với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan.

Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự hiệu lực, hiệu quả

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, đại diện Cơ quan thẩm tra nêu rõ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Việc ban hành Luật trên cơ sở Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994, nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng; quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có hiệu lực, hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ dự thảo Luật có 17 nội dung giải thích từ ngữ cơ bản cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ sự thống nhất giữa “công trình quốc phòng," “khu quân sự” với khái niệm “tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân” quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; phân biệt với “công trình phòng thủ dân sự” trong dự thảo Luật Phòng thủ dân sự…

Tăng cường quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật và các luật có liên quan để quy định cụ thể trường hợp nào áp dụng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và trường hợp nào áp dụng luật có liên quan như Luật Quản lý sử dụng tài sản công; Luật Đất đai; Luật Xây dựng; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…

Về sử dụng, bảo quản, bảo trì công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 10), Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm về các quy định này, các căn cứ xác định phạm vi khu vực cấm, phạm vi khu vực bảo vệ, phạm vi vành đai an toàn, phạm vi vành đai an toàn kho đạn dược…; những nguyên tắc, tiêu chí, yêu cầu cụ thể về phạm vi, ranh giới của khu vực cấm, khu vực bảo vệ và vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự.

Liên quan đến xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 16), Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm về các quy định này, các căn cứ xác định phạm vi khu vực cấm, phạm vi khu vực bảo vệ, phạm vi vành đai an toàn, phạm vi vành đai an toàn kho đạn dược…; những nguyên tắc, tiêu chí, yêu cầu cụ thể về phạm vi, ranh giới của khu vực cấm, khu vực bảo vệ và vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; quy định về chiều cao không gian, chiều sâu dưới mặt đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, các công trình dân dụng liền kề phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Về xử lý công trình, vật kiến trúc; quản lý, sử dụng đất, mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 18), có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật sẽ có nhiều công trình dân sự vi phạm phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, trong đó có nhiều công trình do lịch sử để lại hoặc trước đó hoàn toàn không vi phạm pháp luật về xây dựng, đất đai, quy hoạch…

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị làm rõ tính khả thi của quy định này và cần quy định rõ lộ trình giải quyết những vấn đề phát sinh sau khi Luật có hiệu lực thi hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục