Lập Quỹ Phòng thủ dân sự: 'Không để nước đến chân, nhảy không kịp'

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhấn mạnh, mục đích hoạt động của quỹ là ưu tiên cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh... cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố và thảm họa gây ra.
Lập Quỹ Phòng thủ dân sự: 'Không để nước đến chân, nhảy không kịp' ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, ngày 24/5, Quốc hội nghe các Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Đảm bảo chặt chẽ, minh bạch trong đấu thầu

Trình bày Báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 được quyết định như sau: Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.358.084 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.701.713 tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP, trong đó bội chi ngân sách Trung ương tương đương 3,7% GDP, bội chi ngân sách địa phương tương đương 0,3% GDP.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách và Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 như sau: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.387.906 tỷ đồng. Trong đó, số thu ngân sách nhà nước theo dự toán là 1.591.411 tỷ đồng; thu chuyển nguồn năm 2020 sang năm 2021 là 643.406 tỷ đồng; thu từ kết dư năm 2020 là 140.410 tỷ đồng; và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước là 12.679 tỷ đồng.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.484.439 tỷ đồng; trong đó, chi ngân sách nhà nước theo dự toán là 1.708.088 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2022 là 776.351 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước là 214.053 tỷ đồng, bao gồm: bội chi ngân sách Trung ương là 211.650 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 2.403 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước gần 34.600 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 37.000 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 270 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán, đồng thời chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương liên quan thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm và chấn chỉnh việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 không nghiêm, không đúng quy định; làm rõ trách nhiệm đối với các bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ... ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.

Lập Quỹ Phòng thủ dân sự: 'Không để nước đến chân, nhảy không kịp' ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 23 Dự thảo luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu. Theo đó, bỏ quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư vì đây là công việc không phức tạp và nhiều nhà thầu có thể thực hiện được. Đối với dự án quan trọng quốc gia, việc chỉ định thầu sẽ do Quốc hội quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án (điểm k khoản 1 Điều 23).

[Chủ động nguồn lực ứng phó với thảm họa, sự cố từ sớm, từ xa]

Các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về việc đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật; phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu (nội dung còn ý kiến khác nhau như phạm vi áp dụng Luật với doanh nghiệp nhà nước); các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; trách nhiệm của các bên và giải quyết kiến nghị, khiếu nại trong đấu thầu...

Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như "thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận," "cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu."

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Luật Đấu thầu là dự án luật khó ở cả trong quan điểm chính sách và kỹ thuật lập pháp. Bởi Luật vừa phải giải quyết vướng mắc phát sinh, vừa phải tạo điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Đâu là điểm cân bằng cho các yêu cầu này là điều rất khó.

"Quản lý chặt quá khiến mất tự chủ, gây khó khăn, ách tắc, nếu lỏng quá lại không bảo đảm quản lý nhà nước," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2%

Chiều 24/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong thời gian từ ngày 1/7-31/12/2023.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng; tuy nhiên, một số ý kiến Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tác động của việc giảm thuế để bảo đảm đạt được mục tiêu đặt ra khi đề xuất ban hành chính sách như kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước...

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong thời điểm hiện nay vì còn băn khoăn về tính hiệu quả của chính sách; đồng thời lo ngại về tác động giảm thu trong bối cảnh nhiệm vụ thu năm 2023 là rất khó khăn. Điều này có thể sẽ gây bị động cho quá trình điều hành thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.

Lập Quỹ Phòng thủ dân sự: 'Không để nước đến chân, nhảy không kịp' ảnh 3Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chiều nay, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay-Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận (Dự án).

Nhấn mạnh tính cần thiết đầu tư Dự án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án này được xác định là một trong những dự án quan trọng cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.

Dự án còn nhằm phát triển mạng lưới giao thông của vùng núi phía Tây tỉnh Khánh Hòa theo định hướng quy hoạch giao thông vận tải của tỉnh. Việc đầu tư Dự án sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Khánh Sơn và các vùng phụ cận; tạo tiền đề kêu gọi đầu tư; phát triển du lịch; tăng cường an ninh quốc phòng, tạo điều kiện cơ động trong các tình huống cấp thiết...

Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, với quy mô, tính chất, mặt bằng thi công, hướng tuyến và khối lượng đền bù hỗ trợ, tái định cư của Dự án, nếu được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vào Kỳ họp thứ 5 và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, tiến độ thực hiện Dự án theo Tờ trình của Chính phủ chưa phù hợp. Các ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ để rút ngắn thời gian xây dựng, cân nhắc điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án phù hợp với tiến độ giải ngân vốn.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với đề xuất của Chính phủ, kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong thực hiện Dự án là giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện Dự án theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật về đầu tư công.

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, trong chiều nay, các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về hai phương án Quỹ Phòng thủ dân sự; đồng thời đề xuất có sự phân công, phân cấp trách nhiệm cho chính quyền các cấp để chủ động áp dụng biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa phù hợp tình hình thực tiễn.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng hai phương án: Giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như dự thảo Luật; quy định “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.”

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) ủng hộ lựa chọn phương án 1. Theo đó, dự thảo luật là Luật Phòng thủ dân sự, nguyên tắc phòng thủ dân sự quy định phải chuẩn bị từ sớm, từ xa; có nghĩa là cần thiết phải chuẩn bị các nguồn lực, trong đó, tài chính là một nguồn lực rất quan trọng để ứng phó kịp thời với thảm họa, sự cố. “Không thể để nước đến chân rồi nhảy không kịp. Tuy nhiên, công tác quản lý quỹ cần đảm bảo hiệu quả, không để thất thoát,” đại biểu Dương Khắc Mai nói.

Lập Quỹ Phòng thủ dân sự: 'Không để nước đến chân, nhảy không kịp' ảnh 4Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tương tự, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) nhấn mạnh, mục đích hoạt động của quỹ là ưu tiên cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố và thảm họa gây ra. Với sự chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, có thể cung ứng ngay lập tức các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người bị thiệt hại đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe.

“Nếu quỹ chỉ được thành lập sau khi sự cố thảm họa xảy ra sẽ không đáp ứng được yêu cầu cung ứng ngay và kịp thời, dễ dẫn đến khả năng thiệt hại về người sẽ cao hơn. Do đó, nên thành lập quỹ trước khi sự cố thảm họa xảy ra để thực hiện tốt mục đích của phòng thủ dân sự là bảo vệ nhân dân,” đại biểu Nguyễn Hải Dũng nêu.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, tờ trình đã đưa ra hai phương án về Quỹ Phòng thủ dân sự. Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ ngay trước khi xảy ra các vụ việc, sự cố. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã tương đối thống nhất, đồng thuận.

Nêu dẫn chứng cụ thể trong những tình huống cấp bách khi đối phó với dịch COVID-19 vừa qua để thấy được sự cần thiết phải có quỹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, nếu không có lực lượng, nguồn lực dự trữ, đặc biệt là về vốn, sẽ không thể ứng phó kịp, xử lý tốt, giải quyết nhanh các sự cố xảy ra.

Nhấn mạnh việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố là rất quan trọng, Bộ trưởng Phan Văn Giang đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự; đồng thời cho biết sẽ có cách thức phù hợp để không làm phát sinh biên chế, đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng mục đích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục