Tăng trách nhiệm của cơ quan tố tụng để bảo đảm quyền công dân

Phạm vi sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự lần này là sửa đổi toàn diện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 trong đó tăng cường trách nhiệm của cơ quan tố tụng trong việc bảo đảm quyền con người.
Tăng trách nhiệm của cơ quan tố tụng để bảo đảm quyền công dân ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 37, chiều 7/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi).

Tờ trình dự án Luật cho thấy mục tiêu của việc sửa đổi để xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự khoa học, tiến bộ, có tính khả thi cao; là công cụ pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu với mọi loại tội phạm; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu “ Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”

Phạm vi sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự lần này được xác định là sửa đổi căn bản, toàn diện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Trên cơ sở đó, dự thảo Bộ luật có tổng số 483 điều, được bố cục thành 9 phần, 38 chương.

So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, dự thảo Bộ luật tăng thêm 137 điều. Trong đó, bổ sung 166 điều mới, sửa đổi 290 điều, giữ nguyên 27 điều, bãi bỏ 19 điều.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến cơ bản tán thành sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) và đề nghị cần bổ sung quan điểm việc sửa đổi phải đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự lần này phải thể chế hóa Hiến pháp 2013 để bảo đảm tôn trọng, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân; tăng trách nhiệm của cơ quan và người tiến hành tố tụng; bảo đảm các thủ tục tố tụng phải công khai, minh bạch, dân chủ, đơn giản để người dân dễ tiếp cận công lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng đề nghị phải rà soát lại các quy định trong dự thảo Luật này để đảm bảo cụ thể hóa các nội dung của Hiến pháp năm 2013.

Nhiều ý kiến lưu ý Ban soạn thảo đây là Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), không phải xây dựng mới từ đầu; theo dự thảo thì Bộ luật tố tụng hình sự chỉ giữ nguyên 27 điều/483 điều, vì vậy, cần quán triệt quan điểm đối với những vấn đề đã ổn định, không vướng mắc và đang phát huy tác dụng thì kế thừa quy định hiện hành, chỉ sửa những vấn đề thực sự cần thiết để thể chế Hiến pháp năm 2013, yêu cầu cải cách tư pháp và để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do thực tiễn đặt ra. Việc vận dụng kinh nghiệm nước ngoài phải phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội cụ thể của Việt Nam hiện nay để bảo đảm tính khả thi khi triển khai thi hành Bộ luật.

Về quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, đa số thành viên Ủy ban tư pháp - cơ quan thẩm tra cho rằng, dự thảo quy định “Bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can” trong mọi trường hợp là không cần thiết, không khả thi.

Tuy nhiên, để góp phần khắc phục việc bức cung, nhục hình cần quy định chặt chẽ theo hướng trong mọi trường hợp hỏi cung bị can đều phải lập biên bản và mọi biên bản hỏi cung đều phải được đưa vào hồ sơ vụ án; trong trường hợp cần thiết có thể ghi âm hoặc ghi hình (như trường hợp bị can không nhận tội; bị can trong các vụ án giết người không quả tang; bị can tố cáo bị bức cung, nhục hình hoặc bị can về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình).

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng nếu thực thi được quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can sẽ góp phần tích cực phòng chống dùng bức cung, nhục hình. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng e ngại vì việc triển khai quy định này sẽ rất tốn kém, khó khả thi.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doan Khánh tán thành với quy định này trong dự thảo luật, đánh giá đây là một kênh giám sát khách quan, nếu áp dụng sẽ là một biện pháp hữu hiệu chống bức cung, nhục hình...

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn tán thành với nhiều ý kiến của thành viên Ủy ban Tư pháp đề nghị để bảo đảm tính độc lập xét xử của Tòa án, việc phán quyết của Tòa án phải trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa; đồng thời không ảnh hưởng đến quyền bào chữa của bị cáo, cần quy định về “Giới hạn xét xử” theo hướng Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử, không phụ thuộc vào tội danh truy tố.

Trong trường hợp thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo cho bị cáo biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.

Đối với trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa, nhiều ý kiến nhận thấy, việc mở rộng trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa cho bị can, bị cáo là cần thiết, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước nhưng để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay, đề nghị mở rộng trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù chung thân, tử hình thay vì chỉ có tử hình như hiện hành (theo đó thì số luật sư chỉ định sẽ tăng gấp 2 lần hiện nay).

Tại phiên thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể vào các nội dung thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm; nguyên tắc xét xử liên tục; việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục