Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp toàn thể lần thứ 16, ngày 1/4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự phiên họp.
Tờ trình dự án Luật cho thấy dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có 441 điều, tăng 87 điều so với Bộ luật Hình sự hiện hành, giữ nguyên 8 điều, bổ sung mới 63 điều, sửa đổi 370 điều và bãi bỏ 8 điều.
So với quy định hiện hành, những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Bộ luật Hình sự này góp phần bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, thể hiện tinh thần đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Dự thảo Bộ luật Hình sự nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng, thể hiện chính sách xử lý đối với những người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội.
Tán thành với mục tiêu sửa đổi nhằm xây dựng Bộ luật Hình sự có tính minh bạch, tính khả thi và tính dự báo cao hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu quan điểm đối với những vấn đề đã ổn định, không vướng mắc và đang phát huy tác dụng thì không sửa; chỉ sửa những vấn đề thực sự cần thiết nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do thực tiễn đặt ra.
Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi có khá nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có sự thay đổi chính sách hình sự đối với một số loại tội phạm cũng như một số đối tượng nên còn có ý kiến khác nhau. Trong đó, Chính phủ thấy rằng quy định tội phạm và hình phạt trong một số đạo luật chuyên ngành có ưu điểm nhưng chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên cần thận trọng.
Vì vậy, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cho phép trong trường hợp thật cần thiết, các đạo luật ban hành sau Bộ luật Hình sự này có thể quy định tội phạm và hình phạt với những điều kiện chặt chẽ, xác định rõ nguyên tắc áp dụng các quy định này trong mối quan hệ với Bộ luật Hình sự.
Một số ý kiến không tán thành với quan điểm này. Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn, chưa nên đưa quy định này vào dự thảo Bộ luật vì hiện tại qua áp dụng pháp luật chưa phát sinh các vấn đề khó khăn cần sửa đổi. Hơn nữa, Bộ luật Hình sự là luật gốc, có những trường hợp luật chuyên ngành lại quy định không phù hợp với đạo luật gốc sẽ dẫn đến trục trặc, khó vận dụng pháp luật.
Trong thời điểm hiện nay, Chính phủ nhận thấy việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là phù hợp nên dự thảo Bộ luật bổ sung những quy định đối với pháp nhân là các tổ chức kinh tế phạm tội với 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng và tội rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn đề nghị không nên có quy định này. Theo ông thì pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm thông qua cá nhân, như vậy hoàn toàn có thể xử lý trách nhiệm cá nhân. Hơn nữa, trong quy định của pháp luật cũng có hình phạt để xử lý pháp nhân đó là ra quyết định giải thể.
Phó Chánh án Tòa an nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cũng có quan điểm cần thận trọng khi xem xét vấn đề này. Theo ông Nguyễn Sơn nếu vẫn đưa vào dự thảo Bộ luật nội dung này thì ngoài 15 tội danh, cần quan tâm tới một số tội phạm khác liên quan tới pháp nhân như xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp... vì đây là vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay.
Dự thảo Bộ luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 7/22 tội danh quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự hiện hành; bổ sung cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành hai hình phạt này để góp phần bảo đảm tính khả thi, tăng tính răn đe, phòng ngừa của hai hình phạt này.
Chính phủ cũng đồng tình loại bỏ hoàn toàn quy định về chuẩn bị phạm tội trong Bộ luật Hình sự vì việc xử lý hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội là quá sớm và thực tế cũng rất ít trường hợp xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội.
Tuy nhiên đây là vấn đề lớn làm thay đổi chính sách xử lý hình sự nên dự thảo vẫn thể hiện cả phương án “giữ nguyên như quy định hiện hành” (người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện).
Dự thảo cũng đề cập đến vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên, trách nhiệm hình sự đối với hành vi che giấu tội phạm của người thân trong gia đình, hành vi không tố giác tội phạm của người thân trong gia đình, người bào chữa; áp dụng hình phạt trục xuất; chính sách hình sự đối với người chưa thành niên; sửa đổi cơ bản chế độ án tích và xóa án tích.
Chính phủ cũng đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) từ tháng 7-9/2015 và đề nghị điều chỉnh lộ trình xem xét, thông qua dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tại ba kỳ họp 9-11 (so với hai kỳ như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015).
Tại phiên họp, Ủy ban Tư pháp đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành phạt tù; trách nhiệm hình sự đối với người không tố giác tội phạm; chính sách hình sự đối với người chưa thành niên./.