Thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư,” Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021; trong đó rà soát các tiêu chí còn hạn chế trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để có giải pháp cải thiện mạnh mẽ.
Còn để phục hồi sản xuất kinh doanh, mở rộng và phát triển thị trường, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố năm 2021 và giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ở ngành cơ khí-tự động hóa, cao su-nhựa, chế biến thực phẩm thành phố giai đoạn 2020-2030.
Tạo môi trường thuận lợi
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và thương mại toàn cầu suy giảm, Thành phố Hồ Chí Minh bước vào năm 2021 với sự điều hành kịp thời, quyết liệt của Thành Ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp cùng nhân dân thành phố. Đồng thời, kết quả kinh tế-xã hội mà Thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong năm 2020 có những điểm sáng tích cực được đánh giá sẽ là nền nản thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đơn cử, cơ cấu kinh kế Thành phố Hồ Chí Minh chuyển dịch rõ nét theo xu hướng tỷ trọng khu vực dịch vụ đạt 62,4% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết), khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 24,2%. Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký thành mới mới giảm về số lượng nhưng vốn đăng ký tăng 64% đã cho thấy môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, cũng như tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cùng với đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất trong những gần đây, gồm: năm 2018 giải ngân đạt 76,8%; 2019 (69,9%) và 2020 (90%). Hoạt động kinh doanh, quảng cáo sản phẩm, đặt mua và thanh toán qua mạng điện tử, giáo dục, y tế... trên địa bàn thành phố cũng phát triển mạnh.
[Thành phố Hồ Chí Minh duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội]
Còn kim ngạch xuất khẩu cũng giữ vững đà tăng trưởng đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm vừa qua.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố đã xác định nhiệm vụ phát triển thành phố theo hướng phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung ngành chủ lực có giá trị gia tăng cao...
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm triển khai thực hiện ba Chương trình đột phát và một Chương trình trọng điểm phát triển thành phố.
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung giải pháp thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh. Kiên quyết không cho người có nguy cơ nhiễm dịch bệnh xâm nhập bất hợp pháp vào cộng đồng dân cư; cách ly chọn lọc và cách ly tất cả người nhập cảnh; nâng cao năng lực xét nghiệm tại cửa khẩu sân bay, bến cảng...
Thực hiện chính sách giảm, giãn thuế; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế... nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp, tạo việc làm và thu nhập tối thiểu cho người lao động là một trong những mục tiêu quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, sở ngành cần nghiên cứu giải pháp thu hút, lựa chọn và hấp thục vốn FDI, ODA; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài, nhất là xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chủ lực, nhóm mặt hàng Việt Nam có lợi thế FTA.
Theo bà Phan Thị Thắng, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới trong đa dạng lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, tài chính, giáo dục, y tế... là yêu cầu cấp thiết trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Vì vậy, Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả hoạt động hành chính cơ quan nhà nước, nhất là những nơi thực hiện dịch vụ hành chính công và xem đây là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng chính quyền địa tử phục vụ người dân, từ đó thay đổi tư duy quản lý, phương pháp quản trị điều hành trong toàn xã hội.
Định hướng thương hiệu Việt
Ở góc độ hội nhập kinh tế quốc tế, khi nhìn ra thế giới có thể dễ dàng nhận thấy mỗi quốc gia hay mỗi thành phố đều gắn liền với những thương hiệu lớn của những doanh nghiệp nội địa hoặc sự gia nhập thị trường của tập đoàn, công ty đa quốc gia.
Chính những thương hiệu này đã định vị nên giá trị sản phẩm, góp phần đưa doanh nghiệp vươn tầm khu vực và quốc tế và ghi tên quốc gia mình trên thị trường toàn cầu.
Do đó, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm không chỉ là mục tiêu của doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh mà luôn được sự quan tâm của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh luôn đánh giá thương hiệu là một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, cũng như kinh tế thành phố và cả nước.
Hơn thế, đối với Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng thương hiệu sản phẩm không chỉ là nhiệm vụ của bản thân doanh nghiệp, mà còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Bởi thống kê trên địa bàn thành phố có hơn 440.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 800 doanh nghiệp có số vốn trên 1.000 tỷ đồng và thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp hầu như chưa tạo được nhiều dấu ấn trên thị trường toàn cầu.
Một số chuyên gia cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh phải có những giải thưởng về thương hiệu, nhất là giải thưởng mang tính “bảo chứng” cho uy tín của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời là tiền đề để đầu tư lớn mạnh trong tương lai. Bên cạnh đó, xây dựng niềm tự hào cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh về sản phẩm, dịch vụ của địa phương mình, đồng thời nâng coa vị thế trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.
Thông qua việc được chứng nhận và "bảo chứng," doanh nghiệp sẽ quan tâm hơn nữa đến việc giữ vững và tiếp tục phát triển giá trị thương hiệu của mình. Trong đó, chú trọng trách nhiệm với chính doanh nghiệp mình để tiếp tục giữ vững và phát triển thành thương hiệu mạnh, vươn tầm quốc tế; trách nhiệm dẫn dắt các thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp khác cùng phát triển, liên kết hình thành những tập đoàn kinh tế lớn, nguồn lực mạnh; trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của thành phố, tăng cường ứng dụng công nghệ và sản xuất xanh, hướng đến tiêu dùng xanh.
Liên quan đến việc xây dựng thương hiệu, ông Trần Thái Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại dịch vụ Qui Phúc cho rằng, việc đứng trong hàng ngũ các thương hiệu mang tầm cỡ quốc gia đã là một nỗ lực không ngừng nghĩ của nhiều doanh nghiệp, nhưng đối với doanh nghiệp ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn khó hơn; trong đó, doanh nghiệp muốn xây dựng được thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước, thì phải có chiến lược bền vững trên hành trình khởi nghiệp, phát triển và vận hành mô hình sản xuất kinh doanh.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Giovanni Group, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, túi xách, cũng như doanh nghiệp khác đều phải vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn trước bối cảnh dịch COVID-19 và biến động thị trường toàn cầu.
Trong bối đó, bước vào năm 2021, doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu cụ thể và có chiến lược bài bản mới có thể muốn tận dụng được lợi thế cạnh tranh các FTA mà Việt Nam tham gia.
Riêng đối với ngành dệt may, da giày, túi xách, ngoài tiếp tục xuất khẩu như hiện nay về gia công thì doanh nghiệp cần định hình, chuyển đổi mô hình từ sản xuất gia công sang xây dựng thương hiệu trong thời trang dệt may, da giày để xuất khẩu thuận lợi và gia tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Bởi các FTA đòi hỏi nhiều quy định khắc khe mới được hưởng lợi từ nguyên phụ liệu, giảm thuế... đây là điều kiện tạo động lực cho doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi, bởi cơ hội chỉ dành cho những sản phẩm có thương hiệu.
Các FTA thúc đẩy sự phát triển cho doanh nghiệp Việt cả về quy mô sản xuất lẫn vị thế thế trên thị trường toàn cầu, nhưng ngược lại cũng tạo sức ép rất lớn lên khả năng cạnh tranh của hàng Việt ở thị trường trong và ngoài nước.
Nên đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích nghi với tình hình mới, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường toàn cầu, chứ không dừng lại ở thị trường nội địa, nhất là tư duy thị trường không biên giới và xuyên biên giới./.