Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến khẳng định mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay là 12% và đến thời điểm này mới chỉ đạt mức trên 8,5%. Ứơc tính cả năm 2013, tăng trưởng tín dụng chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, yếu tố tích cực là tốc độ tăng trưởng tín dụng đồng Việt Nam đã tăng cao và tín dụng bằng đồng ngoại tệ (hoạt động không được khuyến khích) lại giảm.
Bên cạnh đó, tín dụng trung và dài hạn cũng tăng ở tốc độ cao, cao hơn tốc độ tăng trưởng ngắn hạn và nó đáp ứng được yêu cầu đầu tư dài hạn của nền kinh tế và doanh nghiệp. Một số lĩnh vực cần ưu tiên đặc biệt như lĩnh vực nông nghiệp cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao, khoảng 15%.
Phó Thống đốc cũng cho biết với chính sách tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đề ra các mục tiêu cho hàng năm và thực hiện các giải pháp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp để đảm bảo được chất lượng.
Bên cạnh chỉ tiêu tăng trưởng cũng có những sự điều chỉnh nhất định và đồng thời chú trọng chất lượng tín dụng, do vậy không làm cho nợ xấu tăng lên nhưng đồng thời cũng có những linh hoạt trong cơ chế về cho vay, đặc biệt là cho vay ngọai tệ. Từ đó, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu.
Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết thêm: “Chính phủ cũng đánh giá, sau 11 tháng, tăng trưởng tín dụng đã có chiều hướng tích cực.”
Trước đó, tại diễn đàn Quốc hội hồi đầu tháng 11, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận định có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 11-12% cho năm 2013.
Cơ sở để Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhận định này là sự kỳ vọng vào quy luật bứt phá tín dụng của quý cuối cùng hàng năm. Nhiều chuyên gia kinh tế khi ấy lại nhìn nhận, Ngân hàng Nhà nước không nên kỳ vọng tăng tín dụng quá cao như vậy cho năm 2013.
Ở cương vị Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, mức độ đáp ứng của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp để có thể đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra.
Còn tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, nhận định chỉ cần tăng trưởng 10% đã rất tốt. Theo ông, vấn đề quan trọng nhất đối với tín dụng Việt Nam không phải là con số, mà là chất lượng, là tập trung vào xử lý nợ xấu và đừng để cho nợ xấu mới phát sinh./.