Tăng xuất khẩu thủy sản sang thị trường bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu cũng là thời cơ để các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tiếp tục thâm nhập sâu vào thị trường nhập khẩu của các nước.
Thu hoạch cá tại Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hạ Lễ (huyện Ân Thi, Hưng Yên). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Thu hoạch cá tại Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hạ Lễ (huyện Ân Thi, Hưng Yên). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại hầu hết các địa phương chưa xảy ra tình trạng tàu cá nằm bờ không đi khai thác do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nên các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cần tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản chế biến sẵn bảo quản đông lạnh, đóng hộp… và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nhập khẩu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Giá dầu đã giảm mạnh so với cuối năm 2019 (giảm 35%) nên ngư dân vẫn đang tích cực bám biển sản xuất ở tất cả các vùng biển để khai thác hải sản. Bởi nhiên liệu chiếm khoảng từ 40-60% chi phí sản xuất của chuyến biển, tùy từng loại nghề khai thác.

Nhưng, do dịch nên nhiều loại hải sản bị giảm giá và lượng tiêu thụ giảm so với trước khi có dịch nên hiệu quả sản xuất của ngư dân bị giảm đáng kể. Những tàu cá khai thác sản lượng thấp hoặc sản phẩm đánh bắt tiêu thụ chậm do không xuất khẩu được hoặc chất lượng thấp sẽ. Mặc dù hiệu quả sản xuất thấp, kể cả lỗ khi đi sản xuất nhưng ngư dân vẫn bám biển sản xuất để giữ lao động, giảm bớt chi phí duy trì nếu tàu cá nằm bờ.

Với tàu cá hoạt động tại vùng biển xa được hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa sẽ giúp ngư dân duy trì sinh kế trong thời gian dịch ảnh hưởng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng trên toàn cầu thì việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Điều này khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại nhà hàng ở các thị trường giảm mạnh, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản có giá cao. Đó là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Do ảnh hưởng của dịch nên xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản sẽ có những thay đổi. Các thị trường sẽ tăng cường nhập khẩu thủy sản đông lạnh, tiện dụng, dễ chế biến tại nhà cao hơn so với sử dụng thủy sản tươi sống. Sản phẩm thủy sản đóng hộp, chế biến sẵn cũng sẽ được ưa chuộng.

Đa dạng hóa sản phẩm, thích ứng nhanh với biến động của thị trường là những yếu tố giúp tạo động lực tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.

Khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu cũng là thời cơ để các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tiếp tục thâm nhập sâu vào thị trường nhập khẩu của các nước, tăng lượng xuất khẩu bù lại sản lượng bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra dịch.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã quyết liệt chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các địa phương, kịp thời điều chỉnh mùa vụ, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng, đảm bảo phòng chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khai thác.

Đồng thời, Bộ đã đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành, hiệp hội ngành hàng chủ động xây dựng các phương án, kịch bản xuất khẩu nông, thủy sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi hết dịch.

[COVID-19: Cơ hội của Việt Nam khi các nền kinh tế châu Âu dần mở cửa]

Đối với các địa phương có tàu cá hiệu quả sản xuất thấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, hướng dẫn ngư dân trong thời gian này có thể tạm thời không đi khai thác, tranh thủ sửa chữa, bảo dưỡng tàu và ngư lưới cụ. Từ đó, góp phần giảm cường lực khai thác trong ngắn hạn, để nguồn lợi thủy sản có thời gian phục hồi.

Sau khi dịch COVID-19 chấm dứt, hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu phục hồi thì hiệu quả sản xuất khai thác sẽ cao hơn. Các tàu cá tạm dừng khai thác sẽ đăng ký với chính quyền địa phương để hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước theo quy định hiện hành.

Tăng xuất khẩu thủy sản sang thị trường bị ảnh hưởng bởi COVID-19 ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Công nghiệp Thủy sản Miền Nam. (Ảnh: TTXVN)

Hiện nay, việc xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh tại các thị trường nhập khẩu. Để giải quyết vấn đề hải sản khai thác giảm giá do tiêu thụ chậm, chưa xuất khẩu được, các địa phương cần khuyến cáo các cơ sở chế biến tập trung đẩy mạnh chế biến hải sản (đóng hộp, làm nước mắm, sản phẩm khô, chả cá...).

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản chế biến sẵn bảo quản đông lạnh, sản phẩm thủy sản đóng hộp và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nhập khẩu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Các địa phương khuyến cáo, hướng dẫn ngư dân có biện pháp giảm thời gian bảo quản sản phẩm hải sản khai thác trên tàu như: giảm bớt thời gian chuyến biển, liên kết với các tàu dịch vụ hoặc tăng cường áp dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau khai thác để kịp thời vận chuyển về bờ, đảm bảo chất lượng, cung cấp các sản phẩm hải sản tươi để tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Về lâu dài, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực xây dựng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; triển khai Đề án nâng cao giá trị sản phẩm hải sản khai thác và các giải pháp đồng bộ khác để đảm bảo ngành khai thác thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, phát triển bền vững trong thời gian tới.

Hiện nay, ngư dân khai thác thủy sản vẫn đang tiếp tục nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước đã có như: miễn thuế, ưu đãi thuế, hỗ trợ chi phí nhiên liệu, hỗ trợ vay vốn tín dụng, vay vốn lưu động.

Đối với chủ tàu vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và các chủ tàu khác có vay vốn tín dụng, ngân hàng đã được hỗ trợ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi.... theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, về cơ bản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận thấy chưa cần thiết đề xuất thêm chính sách hỗ trợ cho ngư dân đi khai thác hải sản trong giai đoạn này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thông tin dịch tại các thị trường chính, truyền thống tận dụng cơ hội xuất khẩu hải sản ngay khi dịch được kiểm soát và thị trường nhập khẩu mở cửa trở lại, tận dụng ưu đãi của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu.

Đồng thời, Bộ tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động của chuỗi liên kết sản xuất thủy sản, tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển các hình thức liên kết chuỗi khai thác, chế biến tiêu thụ trong khai thác thủy sản thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất thủy sản. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ tháng 4 là thời gian bắt đầu vụ cá Nam năm 2020 nên ngư trường khai thác chủ yếu của ngư dân tập trung nhiều tại vùng biển khu vực về phía Nam; nghề khai thác nhiều là lưới chụp, lưới vây, câu để khai thác cá nổi.

Hiệu quả sản xuất khai thác thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2020 với các tàu nghề lưới vây, lưới rê đều đạt hiệu quả khá. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trung bình đạt từ 30-60 triệu đồng/chuyến biển.

Một số địa phương, tàu cá khai thác cá nổi trúng mùa đạt hiệu quả cao (đạt từ 100-150 triệu đồng/chuyến). Tại một số tỉnh miền Trung, nghề câu cá ngừ đại dương hiệu quả thấp, lỗ nhẹ do giá bán cá giảm. Nghề lưới kéo (khai thác cá đáy) do sản lượng thấp nên nhiều tàu cũng bị lỗ nhẹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục