Tạo bước chuyển để thành phố Cần Thơ tăng tốc phát triển

Thành phố Cần Thơ xác định năm 2023 là năm thành phố đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết của Trung ương nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ để thành phố tăng tốc phát triển.
Tạo bước chuyển để thành phố Cần Thơ tăng tốc phát triển ảnh 1Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)

Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mùi 2023, Thành ủy Cần Thơ tổ chức cuộc họp sơ kết việc triển khai các nghị quyết của Trung ương như Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ và Nghị quyết số 98/NQ/TW ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị.

Cuộc họp thu hút đầy đủ các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết Trung ương và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đồng thời bước đầu đã đánh giá được một số kết quả thực hiện cũng như nhận diện những khó khăn, hạn chế để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Thành phố Cần Thơ cũng xác định năm 2023 là năm thành phố đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết của Trung ương nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ để thành phố tăng tốc phát triển.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết đối với 20 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị có 6 nhiệm vụ do các bộ, ngành Trung ương chủ trì tổ chức thực hiện; trong đó có 2 nhiệm vụ đã thực hiện, 4 nhiệm vụ đang tổ chức thực hiện, 14 nhiệm vụ do Ủy ban Nhân dân thành phố chủ trì tổ chức thực hiện, có 7 nhiệm vụ đã thực hiện hoàn thành, 7 nhiệm vụ đang tổ chức thực hiện.

Đối với 19 dự án do địa phương thực hiện, thành phố đã cập nhật và triển khai thêm, cụ thể hóa thành 25 dự án. Theo đó, có 10 dự án đang triển khai thực hiện, có 5 dự án đã có quyết định chủ đầu tư, có 8 dự án đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư và 2 dự án được tổ chức thực hiện sau năm 2024.

Các nhiệm vụ khác giao cho sở, ngành thành phố với 35 nhiệm vụ cụ thể; trong đó có 24 nhiệm vụ đã tổ chức thực hiện bằng việc ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể. Có 9 nhiệm vụ đang triển khai, 2 nhiệm vụ cơ quan chuyên môn đang rà soát, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố về lộ trình và nội dung thực hiện.

[Đột phá đánh thức tiềm năng và lợi thế thành phố Cần Thơ] 

Đối với 45 nhiệm vụ cụ thể hóa thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy đến thời điểm hiện tại đã có 9 nhiệm vụ hoàn thành và 36 nội dung công việc đang triển khai thực hiện…

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, hiện việc triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Cần Thơ như dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ-Cà Mau, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, dự án đường vành đai phía Tây thành phố, việc chuẩn bị khởi công dự án khu công nghiệp Việt Nam-Singapore tại huyện Vĩnh Thạnh… đều bị chậm so với tiến độ.

Nguyên nhân chủ yếu là do đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, thành phố còn thiếu quỹ đất để đền bù tái định cư cho người dân, việc phối hợp giữa các cơ quan đơn vị chưa thật sự nhịp nhàng, thông suốt, trách nhiệm một số lãnh đạo sở ngành, địa phương chưa được phát huy hiệu quả.

Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ cho biết chưa bao giờ thành phố Cần Thơ có được cơ hội lớn như hiện nay về nguồn lực, cơ chế chính sách, về sự ủng hộ sẵn sàng để thành phố Cần Thơ chuyển mình thật sự để phát triển, sánh vai vai các thành phố lớn khác trong cả nước.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ cũng cho rằng chưa bao giờ thành phố phải gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn như hiện nay do pháp luật ngày càng chặt chẽ, quy định ngày càng được bổ sung, điều chỉnh… do đó đòi hỏi mỗi cán bộ phải thay đổi cách làm, phải tận dụng cơ hội và phải tận tâm làm việc bằng tất cả trách nhiệm thì thành phố mới phát triển.

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ yêu cầu lãnh đạo các lãnh đạo sở ban ngành địa phương tham mưu tích cực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện để Ủy ban Nhân dân thành phố sớm trình cho Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Thành ủy, Hội đồng Nhân dân ban hành các cơ chế chính sách để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 45 của Quốc hội, nhất là ban hành các cơ chế thu các khoản phí như phí đỗ xe trên địa bàn thành phố để bổ sung vào nguồn ngân sách thành phố theo cơ chế đặc thù.

Tạo bước chuyển để thành phố Cần Thơ tăng tốc phát triển ảnh 2Một góc thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Đối với nhóm các công trình, dự án trên địa bàn thành phố, ông Hiểu cho rằng thời gian qua thành phố Cần Thơ đã, đang và tiếp tục thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác nhưng tiến độ triển khai rất chậm, do đó Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu các sở, ngành cần thực hiện quyết liệt hơn nữa.

Hiện thành phố đã có đầy đủ nguồn vốn, chủ trương thì trách nhiệm của các chủ đầu tư là phải cố gắng làm, những khó khăn vướng mắc nào nếu không xử lý được thì báo cáo về cấp trên cho ý kiến. Trong việc phối hợp, đơn vị nào chủ trì thì chủ động tổ chức cuộc hợp và xử lý, không để kéo dài.

Ông Hiểu yêu cầu tất cả cán bộ các sở, ngành cần cố gắng, thấy trách nhiệm của mình để thực hiện công việc hiệu quả. Theo ông Hiểu, cán bộ thành phố nếu không thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương là có lỗi, mắc nợ nhân dân.

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, tất cả các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố hiện nay đang vướng nhiều nhất ở khâu giải phóng mặt bằng. Dự kiến các dự án trọng điểm trên địa bàn như dự án đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, dự án khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tại huyện Vĩnh Thạnh sẽ được khởi công vào trung tuần tháng 6/2023 nên các chủ đầu tư cần phải quan tâm.

Bên cạnh đó, rất nhiều nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến các dự án như: Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Tuy nhiên, các dự án này hiện nay đang chờ Thủ tướng phê duyệt rồi thành phố mới tiếp tục quy hoạch chi tiết và còn có rất nhiều việc phải làm trong khi Nghị quyết 45 của Quốc hội tới năm 2026 là hết hiệu lực nên sức ép về thời gian là rất lớn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ yêu cầu lãnh đạo các sở ngành trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ; trong đó, trước mắt tập trung ưu tiên việc xây dựng các dự án tái định cư mới. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cần chủ động rà soát để điều tiết phân bổ vốn lại, ưu tiên các khu tái định cư, mạnh dạn tham mưu điều tiết cắt vốn các dự án chậm triển khai thực hiện sang các dự án tái định cư.

Mặt khác, các đơn vị tăng cường phối hợp để tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố phân công người theo dõi từng dự án trọng điểm để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng vụ việc, từng dự án đảm bảo đúng tiến độ thời gian. Đặc biệt, các sở ngành cần tiếp tục thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, nhất là đưa chuyển đổi số vào cải cách thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết tình hình thực hiện các nhóm nhiệm vụ cũng như triển khai các công trình dự án trên địa bàn thành phố là rất chậm và còn rất nhiều việc phải làm do đó trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cần tập trung thực hiện từng phần công việc như triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, tập trung xử lý từng dự án trọng điểm trên địa bàn.

Đối với các sở ngành tham mưu trình Hội đồng nhân dân cần chuẩn bị nội dung đầy đủ, chặt chẽ đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo tính khả thi phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố để khi triển khai đạt hiệu quả…./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục