Tạo liên kết khai thác tiềm năng ĐBSCL

Tạo liên kết khai thác tiềm năng thế mạnh vùng ĐBSCL

Tiềm năng lớn nhất của ĐBSCL là nông nghiệp, thủy sản, du lịch và kinh tế biển, trước mắt cần liên kết 3 sản phẩm chủ lực gồm lúa gạo, trái cây và thủy sản.
Tạo liên kết khai thác tiềm năng thế mạnh vùng ĐBSCL ảnh 1Cánh đồng lúa tại quận Bình Thủy, Cần Thơ. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Ngày 29/11, tại thành phố Cần Thơ, Khoa kinh tế-Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học "Giải pháp khai thác tiềm năng kinh tế-xã hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng liên kết vùng."

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, tiềm năng lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nông nghiệp, thủy sản, du lịch và kinh tế biển, nhưng lĩnh vực du lịch và kinh tế biển hiện nay chưa được đầu tư, khai thác đúng tiềm năng. Cái yếu nhất của Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là mối liên kết giữa các tỉnh.

Trường Đại học Cần Thơ đã đứng ra xây dựng đề án liên kết vùng cho bốn sản phẩm chủ lực nhưng phải mất rất nhiều thời gian.

Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch-Đầu tư xây dựng kế hoạch liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Trần Hữu Hiệp khẳng định, liên kết vùng hiện nay là cần thiết và ai cũng biết nhưng liên kết ở lĩnh vực nào và ai là người thực hiện mới là quan trọng.

Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng vẫn chưa có một cơ chế pháp lý rõ ràng để thực hiện.

Theo ông Hiệp, trước mắt, cần nghiên cứu hoàn thiện mô hình hoạt động của Ban Chỉ đạo điều phối vùng kinh tế trọng điểm để thử nghiệm cho Chương trình liên kết vùng; hình thành Ban Chỉ đạo phát triển vùng trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn từ hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ thời gian qua.

Các lĩnh vực cần liên kết trước tiên đó là ba sản phẩm chủ lực của vùng gồm lúa gạo, trái cây và thủy sản (tôm và cá tra).

Tại hội thảo, các chuyên gia trình bày hai tham luận chính về một số vấn đề về phát triển và liên kết vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp nâng cao khả năng thương mại hóa sản phẩm thông quan liên kết giữa doanh nghiệp và trường đại học.

Sau đó, các đại biểu chia ra làm bốn tổ để trình bày các tham luận và thảo luận ở bốn nhóm chuyên đề bao gồm liên kết vùng và phát triển kinh tế; phát triển sản xuất và thương mại dịch vụ; phát triển doanh nghiệp và hộ sản xuất; phát triển du lịch và nông nghiệp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục