Tạo môi trường thuận lợi tăng cường năng lực nội sinh của doanh nghiệp

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, doanh nghiệp phải đầu tư để đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất chuyển sang xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm thải carbon đồng thời đa dạng hóa thị trường.
Tạo môi trường thuận lợi tăng cường năng lực nội sinh của doanh nghiệp ảnh 1Ông Nguyễn Đình Cung (bên phải), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ tại phiên toàn thể. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tại Phiên Tọa đàm Cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra chiều 19/9, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những thành tựu và hạn chế của bức tranh kinh tế 8 tháng năm 2023.

Tạo niềm tin cho doanh nghiệp

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng thành tựu lớn nhất của Việt Nam năm 2023 là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn nền kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta có nhiều điểm yếu mang tính cơ cấu.

Đó là nền kinh tế phân 3 mảng, gồm: Đầu tư nước ngoài, Kinh tế tư nhân và Doanh nghiệp nước ngoài. Ba mảng này không liên kết với nhau.

Bên cạnh đó, nền kinh tế mở nhưng năng lực hội nhập của doanh nghiệp tư nhân trong nước thấp nên không tận dụng hết cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Ngoài ra, hệ thống thể chế không còn phù hợp để huy động đủ nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả, tạo bứt phá tăng trưởng. Điển hình là Quốc hội liên tục phải ban hành các thể chế khác biệt so với hiện hành cho các địa phương và ban hành cơ chế thí điểm thực hiện dự án đầu tư quan trọng quốc gia vì thể chế hiện hành không thực hiện được. Đây là điểm yếu nhất của nền kinh tế nước ta.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Nhà nước phải ổn định vĩ mô; cải thiện môi trường kinh doanh, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đồng thời giúp doanh nghiệp giảm chi phí, như giảm lãi suất, thuế, phí...

"Niềm tin của doanh nghiệp là quan trọng. Để doanh nghiệp tin thì nói phải đi đôi với làm, văn bản chính sách phải thực thi đúng," Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

[Tháo gỡ các rào cản, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vượt khó]

Bàn về động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm 2023 và năm sau, theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, phải làm sống lại năng lực nội sinh của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải đầu tư để đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất chuyển sang xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm thải carbon đồng thời đa dạng hóa thị trường.

Nhà nước phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho xuất khẩu, khích lệ đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện để doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ, trở thành động lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Có tầm nhìn, lộ trình cụ thể

Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng, cần nhìn nhận kinh tế xanh như một nền kinh tế sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và hạn chế tác động tới môi trường, như vậy sẽ tác động ngay lập tức tới các lĩnh vực, mọi mặt của đời sống xã hội, làm thay đổi thói quen tiêu dùng. Như vậy, tầm nhìn và quan điểm khác hoàn toàn so với trước.

Tạo môi trường thuận lợi tăng cường năng lực nội sinh của doanh nghiệp ảnh 2Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thách thức lớn của Việt Nam là làm thế nào để chuyển từ mức cân bằng thấp, sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch, tài nguyên, chuyển sang mức cân bằng cao hơn bằng cách sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm tối thiểu tổn hại đến môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải duy trì mức tăng trưởng hợp lý, không bị tụt hậu.

Theo Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, sự chuyển đổi của công nghệ đột phá và xu hướng mới là cơ hội của những quốc gia đi sau bứt phá, vươn lên. Đây cũng chính cơ hội của Việt Nam và chúng ta cần nắm bắt cơ hội này.

Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh khẳng định, chuyển đổi xanh là xu thế của tương lai. Đây chính là sự đánh đổi giữa ngắn hạn và dài hạn. Nếu đầu tư vào chuyển đổi xanh ở thời điểm này thì sẽ tốn rất nhiều chi phí. Do đó, cần có một tầm nhìn, lộ trình cụ thể để đi từ ngắn hạn đến dài hạn, phát triển bền vững.

Nhấn mạnh Diễn đàn này là một sự kiện vô cùng ý nghĩa, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đề xuất cải thiện môi trường đầu tư liên tục cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ khác biệt hơn nữa cho các nhà đầu tư, đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ mới cho các nhà đầu tư có đóng góp lớn cho sự phát triển của quốc gia, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng xanh.

Bên cạnh đó, theo ông Choi Joo Ho, việc chuyển giao công nghệ và đào tạo cho doanh nghiệp cần được phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đồng thời, Nhà nước cần hỗ trợ ngân sách để các doanh nghiệp có thể phát triển nhanh chóng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục