Tạo sự đồng thuận trong xây dựng mối liên kết vùng miền Trung

Lãnh đạo nhiều bộ, ngành cho rằng để tạo động lực tăng trưởng kinh tế miền Trung cần có sự thống nhất trong xây dựng mối liên kết giữa các địa phương về cải cách hành chính, đầu tư, xây dựng hạ tầng.
Tạo sự đồng thuận trong xây dựng mối liên kết vùng miền Trung ảnh 1Phong cảnh vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Hầu hết các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung được tổ chức sáng 20/8, tại Bình Định đều cho rằng, để các chủ trương, chính sách liên kết vùng đi vào thực tiễn; các bộ, ngành, địa phương cần phải có sự thống nhất, đồng thuận trong mối liên kết giữa các địa phương cùng hướng đến mục tiêu cải cách hành chính, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp..., tạo động lực tăng trưởng kinh tế miền Trung.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường: Sớm thực thi chính sách liên kết, phát triển vùng

Với tiềm năng và lợi thế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung rất lớn, các tỉnh, thành phố trong vùng đều nhận thức ý nghĩa của việc liên kết phát triển vùng là tất yếu, nhằm khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương và mục tiêu cuối cùng là chia sẻ lợi ích lâu dài, chia sẻ hạ tầng chung, nâng cao vị thế vùng.

Để các chủ trương, chính sách liên kết vùng đi vào thực tiễn, trước tiên cần hoàn thiện thể chế và tăng cường thực hiện thể chế, trước mắt cho thí điểm tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cũng có chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hướng tới việc đồng bộ hóa, đảm bảo nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách và các giải pháp mang tính đột phá, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực mà vùng miền Trung có tiềm năng, lợi thế lớn như du lịch và dịch vụ biển; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; cảng biển gắn với logistics; ngư nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao...

Trong thời gian chưa thực hiện được quy hoạch vùng, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Hội đồng vùng xây dựng các chương trình, kế hoạch tập trung vào các nội dung như quy hoạch phân bố các ngành kinh tế, các lĩnh vực và địa bàn phát triển; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp kết cấu hạ tầng của vùng, nhất là hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động chung và ứng phó với biển đổi khí hậu...

Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xem xét điều chỉnh mục tiêu, quy mô của các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong quá trình lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; đồng thời, nghiên cứu mô hình quản lý các khu kinh tế, mở rộng phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho các Ban quản lý khu kinh tế, bảo đảm cơ chế hành chính "một cửa."

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng: Lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung trong thời gian tới, đồng thời khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của khu vực, tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo triển khai lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch; trong đó làm rõ định hướng, phương án phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Duyên hải miền Trung gắn với Tây Nguyên, hành lang kinh tế Đông-Tây, phù hợp với các quy hoạch quốc gia.

[Các tỉnh miền Trung cần lấy lợi ích Vùng làm ưu tiên trong phát triển]

Tạo sự đồng thuận trong xây dựng mối liên kết vùng miền Trung ảnh 2Tàu, thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ cần có chỉ đạo hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững kinh tế biển; có cơ chế, chính sách đột phá, nhất là phân cấp cho các địa phương trong thu hút đầu tư, triển khai quy hoạch đã được phê duyệt để các địa phương ven biển chủ động tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, cơ hội của các địa phương trong vùng trong mối quan hệ hài hòa về lợi ích, trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng trong khai thác các cơ hội, lợi thế so sánh của vùng.

Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ xác định rõ cơ chế điều phối vùng để phát huy vai trò của Hội đồng vùng; định hướng thứ tự ưu tiên cho từng địa phương trong đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các ngành kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng...

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cả về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội đối với cả nước.

Vùng hiện có 4 khu kinh tế ven biển, 4 cảng nước sâu, 4 sân bay rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp, logistics gắn với cảng biển và du lịch. Tuy nhiên, so với các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang là "vùng trũng."

Do đó, tỉnh đề nghị Trung ương chỉ đạo sớm đầu tư hoàn thiện đường cao tốc Bắc-Nam, có đoạn Quảng Ngãi-Bình Định-Phú Yên và tuyến đường ven biển nối các tỉnh miền Trung, để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, kết nối các điểm du lịch giữa các tỉnh Duyên hải miền Trung.

Đồng thời, đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung, cũng như phát huy lợi thế là cửa ngõ hướng biển của các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS)...

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã xác định quan điểm, cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng đảm bảo đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng cũng như tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy các vùng lân cận phát triển.

Qua đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đã từng bước được nâng cấp. Việc nâng cấp các quốc lộ đã tạo kết nối tốt hơn cho vùng và cả nước góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa hình thành toàn tuyến cao tốc trong vùng, cùng với đó các tuyến liên kết ngang chưa được đầu tư đồng bộ, liên thông; sự phối hợp giữa các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường không) chưa hợp lý, tính kết nối không cao.

Vì thế, thời gian tới, Bộ đề nghị Chính phủ đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào những công trình có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế-xã hội; ưu tiên tập trung giải quyết dứt điểm một số điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế; đầu tư hoàn thành các công trình có sức lan tỏa nhằm mang lại hiệu quả đầu tư cho toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; các công trình giải quyết nhu cầu thiết yếu cho nền kinh tế.

Mặt khác, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) nhằm tạo bước đột phá về huy động nguồn vốn trên cơ sở nghiên cứu lựa chọn mô hình, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hình thức đầu tư PPP.

Ngoài ra, có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đối với những dự án đặc biệt quan trọng, dự án đặc thù…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Nâng cao nhận thức của xã hội về khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước

Vùng miền Trung có tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hoá mạnh. Phát triển các khu công nghiệp, làng nghề, khu kinh tế ven biển, diện tích canh tác biến động, chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản xuất, vùng trồng cây chuyên canh, nuôi trồng thủy sản... tạo sức ép lớn cho các công trình thủy lợi.

Mâu thuẫn quyền lợi liên quan đến nguồn nước giữa các ngành, các địa phương ngày càng sâu sắc, nguồn nước suy thoái, gia tăng xả thải chất ô nhiễm vào nguồn nước.

Do đó, vùng miền Trung cần giải pháp phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cấp nước cho dân sinh, các ngành kinh tế, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, quốc phòng; chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất.

Cụ thể cần nâng cao nhận thức của xã hội về hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước; tăng cường thực thi pháp luật, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch.

Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý bảo đảm đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi qua triển khai đồng bộ pháp luật quy hoạch, thủy lợi, tài nguyên nước; chú trọng xây dựng tầm nhìn, kịch bản phát triển trên cơ sở xem xét tác động từ biến đổi khí hậu, tác động từ hoạt động phát triển, giải quyết các tác động cực đoan như hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện: Tạo điều kiện phát triển du lịch ở khu vực

Miền Trung đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển du lịch của cả nước, đóng góp những sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh quốc tế, cũng như trong gắn kết, thúc đẩy du lịch khu vực.

Để miền Trung thực sự phát huy được hiệu quả, phát triển thành vùng động lực của du lịch Việt Nam, trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục thực hiện các chính sách đã mang đến hiệu quả trong thời gian qua, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch ở khu vực; đồng thời cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu, chất lượng, giá trị trải nghiệm cao.

Khu vực này cần khai thác các giá trị tài nguyên có lợi thế cạnh tranh cao là du lịch biển cũng như các giá trị tài nguyên đặc thù như du lịch di sản, du lịch sinh thái hang động, du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc để hình thành sản phẩm du lịch có thương hiệu, tạo sự cân đối trong phát triển sản phẩm du lịch; chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường lao động, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực.

Miền Trung là khu vực đã và sẽ chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu trong khi du lịch biển là ưu thế của khu vực, do vậy, vùng cần nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động du lịch.

Đặc biệt, cần đề cao tính liên kết trong phát triển du lịch nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề sử dụng tài nguyên, nguồn lực nhằm phát huy lợi thế tổng thể của các địa phương trong vùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục