Tập đoàn công nghệ thám hiểm không gian SpaceX thông báo đã tiến hành thành công vụ phóng thứ 50 của dòng tên lửa Falcon 9 do công ty này tự chế tạo vào lúc 5h33 (theo giờ GMT tức 12h33 theo giờ Hà Nội) ngày 6/2, đánh dấu bước tiến nhanh chóng trong công nghệ mà nhiều trung tâm vũ trụ lớn khác phải mất rất nhiều thời gian để đạt được.
Lần phóng tên lửa Falcon 9 lần này mang theo vệ tinh viễn thông và băng tần Hispasat của Tây Ban Nha, được thực hiện tại Căn cứ không quân Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ.
Giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk cho biết vệ tinh lần này có kích cỡ ngang với chiếc xe buýt và có trọng lượng 6 tấn sẽ là vệ tinh địa tĩnh lớn nhất mà công ty này từng đưa lên không gian. 33 phút sau khi rời bệ phóng, vệ tinh Hispasat đã đi vào quỹ đạo địa tĩnh và nó sẽ được sử dụng cho mục đích nâng cao dịch vụ truyền hình, băng tần và viễn thông của châu Âu và khu vực Tây Bắc châu Phi.
[Space X phóng thành công vệ tinh băng thông rộng Internet lên quỹ đạo]
Dòng tên lửa Falcon 9 lần đầu tiên được SpaceX đưa vào vũ trụ là từ năm 2010 và từ đó đến nay công ty này trở thành nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), cũng như phục vụ phóng các vệ tinh thương mại và vệ tinh do thám của các chính phủ.
SpaceX có thể sử dụng lại tầng đầu tiên của tên lửa hai tầng Falcon 9 (sử dụng 9 động cơ Merlin), nhờ làm chủ công nghệ đáp thẳng đứng xuống mặt đất hoặc trên đại dương sau khi được phóng đi. Tầng đầu tiên được thiết kế để có thể tái sử dụng và nằm trong mục tiêu của SpaceX giảm chi phí cho mỗi lần phóng.
Trong tham vọng của Giám đốc điều hành Elon Musk, SpaceX hy vọng có thể sớm đưa khách du lịch lên Mặt Trăng và cả sao Hỏa. Tháng trước, SpaceX đã phóng một tên lửa dòng Falcon Heavy lần đầu tiên tới một quỹ đạo gần sao Hỏa, đây là loại tên lửa mạnh gấp 3 lần Falcon 9./.